Giá xăng dầu hôm nay 5/6 ghi nhận tuần tăng giá mạnh
Giá xăng dầu hôm nay 4/6 duy trì đà tăng mạnh, dầu Brent vọt lên mức 121,27 USD/thùng Giá xăng dầu hôm nay 3/6 tăng dựng ngược |
Giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 30/5 trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày một lớn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo tăng mạnh khi nhiều nước bước vào mùa du lịch và mùa hè nắng nóng.
Nhu cầu tiêu thụ dầu cũng được dự báo tăng mạnh khi các thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh... gỡ bỏ các lệnh phong toả, trở lại trạng thái bình thường.
Ảnh minh hoạ |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 30/5/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 115,50 USD/thùng, tăng 0,43 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 119,36 USD/thùng, tăng 0,15 USD/thùng trong phiên.
Động lực tăng giá của dầu thô tiếp tục được củng cố trong phiên giao dịch sau đó khi thông tin EU đạt thống nhất cấm vận dầu thô Nga được phát đi và đồng USD suy yếu.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 31/5/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 117,65 USD/thùng, tăng 2,58 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 121,26 USD/thùng, tăng 1,83 USD/thùng trong phiên.
Và khi EU thông báo chính thức về quyết định cấm vận dầu thô Nga, giá dầu đã duy trì đà tăng mạnh, liên tục leo đỉnh nhiều tháng trở lại đây.
Theo giới phân tích, sản lượng dầu cấm vận dự kiến của EU vào khoảng 2 triệu thùng/ngày. Để bù lắp sản lượng thiếu hụt này, EU sẽ phải tìm kiếm nguồn cung mới từ OPEC+, Tây Phi và Mỹ. Tuy nhiên, có một thực tế là sản lượng khai thác của OPEC+ cũng đang rất hạn chế, thấp hơn nhiều so với sản lượng mục tiêu được đặt ra. Còn với dầu đá phiến Mỹ, các dữ liệu gần đây cho thấy, sản lượng trong năm 2022 sẽ chỉ tăng được khoảng 900 ngàn thùng/ngày và chỉ có thể trở lại mức sản lượng trước khi dịch Covid-19 diễn ra vào năm 2023.
Còn với Nga, với lệnh cấm vận của EU, Nga sẽ buộc phải tìm kiếm các khách hàng mới và sẽ chủ yếu là ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. Tuy nhiên, việc vận chuyển dầu thô từ Nga sang Ấn Độ sẽ rất khó khăn và đẩy chi phí tăng cao.
Ngoài ra, việc bán dầu thô Nga cũng gặp nhiều trở ngại bởi các lệnh cấm vận các mà EU, Mỹ và các nước đồng minh đang áp dụng, đặc biệt trong vấn đề thanh toán, vận chuyển.
Giá dầu còn được hỗ trợ mạnh bởi các dự báo đều cho thấy nhu cầu đi lại, du lịch hè sẽ phục hồi mạnh, vượt qua mức trước đại dịch.
Một chút lo ngại về việc OPEC+ xem xét loại Nga khỏi thoả thuận dầu mỏ và đồng USD mạnh hơn đã khiến giá dầu ngày 2/6 giảm mạnh. Điều này nếu được thực hiện sẽ mở cửa cho Saudi Arabia và UAE tăng sản lượng.
Tuy nhiên, thông tin này đã nhanh chóng bị lu mờ khi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh được công bố, ngay cả khi OPEC+ thông báo sẽ tăng mạnh sản lượng lên mức 650.000 thùng/ngày trong 2 tháng tới, thay vì mức tăng 432.000 thùng/ngày như hiện nay.
Cụ thể, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã giảm tới 5,1 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với mức dự báo 1,3 triệu thùng được đưa ra trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Ở một góc độ nào đó, nhiều chuyên gia cho rằng lệnh cấm vận dầu thô Nga của EU sẽ không tác động nhiều đến thị trường khi mà việc vận chuyển dầu thô Nga đến các quốc gia EU vốn đã vô cùng khó khăn do các lệnh trừng phạt trước đó. Nga cũng đã chủ động tìm cách dịch chuyển nguồn cung dầu sang các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên, có một thực tế là việc dịch chuyển này đang khiến giá dầu tăng cao hơn do chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển.
Như một cách đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga cũng đã ngừng hoặc giảm lượng khi cung cấp cho một loạt quốc gia châu Âu. Điều này cũng buộc các nước EU phải tìm nguồn cung thay thế để đáp ứng các nhu cầu năng lượng trong nước, trong đó có cả dầu thô.
Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 120,26 USD/thùng, tăng 3,39 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 121,27 USD/thùng, tăng 3,66 USD/thùng trong phiên.
Tại thị trường trong nước, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 30.235 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 31.578 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 26.394 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 25.346 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.901 đồng/kg.
Với diễn biến trong tuần giao dịch từ ngày 30/5, giá dầu thế giới tuần tới được dự báo sẽ duy trì đà tăng khi năng lực của các nhà xuất khẩu dầu thô là khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu lại được dự báo phục hồi mạnh. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung còn được dự báo sẽ nặng nề hơn khi Mỹ có thể sẽ thực hiện hạn chế xuất khẩu dầu thô, còn tại châu Âu, bên cạnh việc phải tìm kiếm nguồn cung mới do lệnh cấm vận dầu Nga, nhiều nước EU cũng sẽ phải đối diện với việc Nga ngừng hoặc giảm sản lượng cung cấp khí.
Nguồn:Giá xăng dầu hôm nay 5/6 ghi nhận tuần tăng giá mạnh