Giải bài toán tín dụng cho doanh nghiệp nông sản
Chữa "bệnh thừa tiền", ngân hàng đẩy mạnh cuộc đua giảm lãi suất cho vay Tham gia thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn - Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gì? |
Nông nghiệp là lĩnh vực có tính thời vụ, đòi hỏi sự linh hoạt trong chính sách cho vay của ngân hàng thương mại để giải quyết bài toán vốn. Ảnh: Hoàng Anh |
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu tôm các loại, ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn, cho biết, khoảng tháng 3 – tháng 6 hàng năm là thời điểm tôm quảng canh chính vụ Cà Mau vào mùa thu hoạch, do đó rất cần vay vốn để nhập hàng từ bà con nông dân.
Tuy nhiên, ngân hàng chỉ cho công ty vay với hạn mức nhất định nên doanh nghiệp cũng chỉ có thể thu mua lượng tôm nhất định. Số tôm còn lại, do doanh nghiệp ngừng thu mua, bà con nông dân phải bán cho thương lái, qua rất nhiều khâu trung gian nên không còn được giá tốt nữa.
“Bà con than là tôm nuôi từ tháng 7 – 8 đến tận tháng 3 – 4 (năm sau) mới thu hoạch mà sao lại thu mua “rẻ như khoai lang” vậy” ông Hiển nói tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Hiển bày tỏ mong muốn có sự linh hoạt hơn nữa từ phía ngân hàng đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để thu mua nông sản, đặc biệt là doanh nghiệp đang làm tốt. Sự linh hoạt thể hiện ở việc có thể cho vay cao hơn hạn mức ở trong giai đoạn cần thu mua nông sản, chứ không nhất thiết phải “cào bằng” hạn mức ở mọi thời điểm trong năm.
“Nếu được hỗ trợ hơn về vốn vào thời điểm đó, tôi có thể giúp bà con tiêu thụ nông sản với giá cao hơn 20%”, Tổng giám đốc công ty Năm Căn khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật, cho biết, ngành lúa gạo mà công ty đang hoạt động là ngành có tính chất mùa vụ rất cao, do đó hạn mức tín dụng cũng cần phải linh hoạt để đáp ứng được tính chất này.
Đặc biệt, trong năm nay, lúa gạo tăng giá cao, lên đến 20 – 40%. Điều này nghĩa là giả sử mọi năm doanh nghiệp cần 100 tỉ đồng để mua 10 nghìn tấn gạo thì năm nay có thể cần đến 140 tỉ đồng. Nếu ngân hàng không “linh động”, doanh nghiệp rất khó đảm bảo được đơn hàng.
Hay như trường hợp của Tập đoàn Lộc Trời, theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc tài chính của tập đoàn, vừa ký kết một hợp đồng xuất khẩu có giá trị đặc biệt lớn, bằng cả doanh thu xuất khẩu của cả năm 2022, kéo theo nhu cầu vốn cũng tăng mạnh.
Ông Nhiên nhìn nhận, Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp có năng lực, có vùng nguyên liệu, không thể vì không đáp ứng nhu cầu vốn mà bỏ lỡ cơ hội lớn, do đó để nghị ngân hàng có chính sách hỗ trợ về việc cấp vốn cho những trường hợp đặc biệt như vậy.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và luôn dành sự khuyến khích cho các đơn vị vay để sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản.
Ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tập trung vốn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, hướng dẫn triển khai gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1 – 2% mỗi năm so với lãi suất vay bình quân.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ ban hành nghị định nhằm hỗ trự lãi suất nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các khoản vay trong một số lĩnh vực, bao gồm cả nông nghiệp.
Nhờ đó, tính đến hết tháng 8/2023, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có dư nợ đạt 535 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng hơn 50% tổng dư nợ toàn vùng, tăng trưởng 6,04% so với cuối năm 2022.
“Như vậy, dòng vốn tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng nông nghiệp là thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, bà Giang đánh giá.
Ghi nhận những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cũng đồng tình rằng cần phải đẩy mạnh hoạt động tín dụng để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh các giải pháp linh hoạt được doanh nghiệp đề xuất, ông Tú nhìn nhận, cần phải nâng cao cả khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Để làm được điều này, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cần phải có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản.
Ông Tú cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tháo gỡ các khó khăn thực tiễn như vấn đề hoàn thuế, thủ tục kinh doanh…, từ đó cùng chung tay với doanh nghiệp và hệ thống tín dụng giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản.
Nguồn:Giải bài toán tín dụng cho doanh nghiệp nông sản