Hà Nam triển khai các biện pháp ứng phó và ngăn chặn cháy rừng
Cơ giới hóa nông nghiệp từ mô hình mạ khay, cấy máy Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa |
Dưới diễn biến phức tạp của thời tiết những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024. Đặc biệt, tình trạng khô, hạn kéo dài, đó có thể là nguyên nhân dẫn đến cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, thời gian tới, để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy, tỉnh Hà Nam cần chủ động, linh hoạt trong công tác phòng chống cháy rừng (PCCR).
Hà Nam là tỉnh có địa phương sở hữu diện tích rừng và đồi núi lớn tại khu vực Đồng bằng sông Hồng. Điển hình như huyện Kim Bảng với tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 3.900 ha gồm nhiều các dãy núi đá vôi đan xen đồi đất, địa hình rừng núi hiểm trở, phức tạp. Rừng tự nhiên Thanh Sơn cũng là vùng lõi nơi có những loài động vật quý hiếm sinh sống như voọc quần đùi trắng nằm trong sách đỏ thế giới, đang được quy hoạch khu bảo tồn sinh cảnh loài. Do vậy, nhiệm vụ phòng chống cháy rừng là cấp bách và cần thiết.
Trước đó, nhiều khu vực tại địa phương đã ghi nhận một số trường hợp cháy rừng, như: khu núi núi Cổ Sao, thung Xa, thị trấn Ba Sao năm 2022, Khu núi Trúc Bản giáp ranh với khu Đồng Hấm, thung Ba Bậc, khu vực thung Bờ Đo giáp thung Trũng Trọc (xã Thanh Sơn);…Gây tác động tiêu cực tới môi trường.
Nhằm không để tái diễn thêm bất cứ trường hợp nào, huyện Kim Bảng đã xây dựng phương án và đề ra những giải pháp đồng bộ, cụ thể. Huyện đã kiểm tra, xác định những vùng có nguy cơ cháy cao; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật phòng chống cháy rừng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân, khi ra, vào rừng phải nâng cao ý thức về việc sử dụng lửa.
Không những vậy, Lực lượng kiểm lâm trên địa bàn căn cứ tình hình thời tiết, các yếu tố khác có ảnh hưởng đến vật liệu cháy để dự báo, cảnh báo cháy rừng, áp dụng khoa học – kỹ thuật để khi xảy ra cháy rừng có thể xác định ngay được tọa độ, vị trí nơi cháy, từ đó triển khai phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. Xây dựng công trình đường băng cản lửa, các biển báo tuyên truyền bảo vệ rừng, biển cấm lửa, biển cấp dự báo cháy rừng… Đặc biệt chú trọng đến khu vực các doanh nghiệp khai thác đá có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, có công nhân thường xuyên hoạt động dễ xảy ra cháy.
Huyện Kim Bảng đã tổ chức xây dựng lực lượng PCCR thành 2 cấp (huyện và xã). Trong đó, lấy lực lượng quân sự và công an được trang bị kiến thức về PCCR làm nòng cốt. Đồng thời, triển khai phương án quản lý, bảo vệ rừng đến các thôn, khu dân cư; tổ chức ký cam kết thực hiện quy ước bảo vệ, PCCR tới các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở ven và trên diện tích đất rừng. Công tác diễn tập PCCR cũng được tổ chức theo quy mô cấp huyện, cụm xã tại những vùng trọng điểm,...
Cùng với huyện Kim Bảng, huyện Thanh Liêm (một trong 2 địa phương có rừng của tỉnh) đã tăng cường công tác bảo vệ, PCCR. Diện tích rừng tự nhiên và rừng sản xuất của huyện có gần 500 ha, cơ bản nằm giáp ranh khu vực có doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Trên địa bàn nếu có trường hợp xảy ra cháy tại các khu vực mỏ khai thác khoáng sản dễ lan sang diện tích rừng tự nhiên, rừng sản xuất.
Đây đều là những nơi có địa thế hiểm trở, khó khăn khi xử lý đám cháy... Vì vậy, huyện Thanh Liêm đã tập trung chỉ đạo các địa phương tuyên truyền và tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp, cơ sở khai thác khoáng sản không để hoạt động dẫn đến cháy rừng. Tổ chức xây dựng lực lượng phòng, chống cháy rừng, thành lập ban chỉ huy phòng, chống cháy rừng các cấp từ huyện đến cơ sở; phòng cháy, chữa cháy rừng trong hoạt động nương rẫy; mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phòng, chống cháy rừng…
Công tác chữa cháy rừng được xây dựng kế hoạch theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. các cơ quan chức năng đôn đốc địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện tốt nội dung về PCCR, nhất là tăng cường kiểm tra, giám sát về PCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nghiêm cấm các công ty, doanh nghiệp sử dụng lửa trong việc xử lý thực bì trước, trong và sau khi khai thác khoáng sản…
Rừng tự nhiên của tỉnh Hà Nam đang được xây dựng và bảo tồn, tạo hệ sinh thái, “lá phổi xanh” cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc chủ động phòng, chống cháy rừng là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, bền vững.
Nguồn: Hà Nam: Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và ngăn chặn cháy rừng