Hà Nội tiếp tục đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí
Liên tiếp 3 ngày, Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc, ô nhiễm không khí cao nhất |
Theo IQAir, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội là 227 – mức rất xấu. Nồng độ PM2.5 hiện cao gấp 35.2 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Không chỉ vậy, Hà Nội còn là thành phố duy nhất có chỉ số chất lượng không khí ở mức màu tím - rất xấu (rất không tốt cho sức khỏe) trong số 10 thành phố.
Pam Air (kênh thông tin tham khảo chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau) cũng hiển thị mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội là 150 – 333. Trong đó có nhiều điểm chỉ số chất lượng không khí ở mức màu tím - rất xấu (rất không tốt cho sức khỏe) như Chùa Láng (Quận Đống Đa), Đội Cấn (Quận Ba Đình).
Từ trưa ngày 4/3 đến nay, Hà Nội liên tục lọt vào bảng xếp hạng đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí. Trong khi đó từ tháng 2, Hà Nội mới có 2 ngày không khí ở mức tốt và 8 ngày ở mức xấu, rất xấu, có hại cho sức khỏe.
Bảng xếp hạng chỉ số chất lượng không khí vào sáng nay 6/3. |
Trước tình trạng ô nhiễm không khí, mới đây, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT) đã có văn bản đề nghị các sở TN-MT tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ; vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền về Bộ TN-MT để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn tiếp cận và đưa tin; khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với người hoạt động ngoài trời lúc sáng sớm và chiều tối.
Bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí.
Đơn cử, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND vào ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ. Theo ghi nhận của Sở TN&MT, đến tháng 12/2022, số lượng bếp than tổ ong trên toàn thành phố đã giảm 99,87% so với năm 2017. Ước tính lượng khí thải CO do sử dụng bếp than tổ ong giảm 19,000 tấn tính đến tháng 12/2020 (so với năm 2017), lượng bụi mịn PM2.5 giảm 1,658 tấn/năm.
Ngoài những giải pháp nêu trên, thành phố còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng; Triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn; Hỗ trợ các quận, huyện chia sẻ kinh nghiệm, kết nối với các NGO và doanh nghiệp có giải pháp thực hiện giải pháp phân loại, xử lý và hạn chế đốt rác thải;…
Thời tiết cũng tác động đến chất lượng không khí
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội là do chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết.
"Kiểu thời tiết lặng gió, ít mưa, nhiệt độ thấp nhưng độ ẩm cao khiến bụi bẩn trong không khí khó khuếch tán" - chuyên gia cho biết.
Đồng thời, lưu lượng người tham gia giao thông tăng vọt, cùng với khí thải từ hoạt động xây dựng, đốt rác khiến tình trạng ô nhiễm thêm tồi tệ.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật chất lượng không khí tại các website của Tổng cục Môi trường, hệ thống quan trắc chất lượng môi trường của thành phố Hà Nội hoặc qua ứng dụng PAM Air để biết chất lượng không khí từng thời điểm.
Nguồn: Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí ngày thứ 3 liên tiếp