Hậu Giang: Chuyện đẹp đời thường
Hậu Giang: “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm” – Định hướng chiến lược Hậu Giang: Phát huy thế mạnh nông nghiệp |
Bà Huyên (giữa) luôn làm tốt vai trò của “chị khá”. |
Đậm tình “Chị khá giúp chị nghèo”
Về ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, gặp chị em hội viên phụ nữ ấp, nghe những câu chuyện vui ngày tết và vui nhất là chuyện “Chị khá giúp chị nghèo” gần 3 năm qua.
Chi hội trưởng Phụ nữ ấp 3 Trần Thị Trầm kể, cũng vì nghèo khó mà chị em tâm tư, rồi năm 2019 ra mắt mô hình mang tên rất nhân văn với 9 thành viên là cán bộ các tổ hội và hội viên nòng cốt.
Mô hình thành lập, hoạt động đúng như tên gọi để các chị phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái nhau trong cuộc sống; chị điều kiện kinh tế khó khăn sẽ được thành viên khá của mô hình giúp đỡ về nhiều mặt để vươn lên.
Hôm gặp bà Tiết Thị Đông trong mái ấm đầy tình “chị khá”, bà rất vui chia sẻ: “Cũng nhờ chị em tận tình giúp đỡ tôi mới có nhà, có việc làm; dù chưa khá giả nhưng cũng đã qua rồi đói khổ ngày trước”.
Nhắc đến hoàn cảnh của bà Đông, “chị khá” Vàng Thị Huyên không quên những ngày trăn trở: “Ba năm trước, tới nhà của bà ấy không ai nhận ra là cái nhà mà chỉ là mấy cây cột mục rồi che tạm cao su để ở; thêm cảnh bà bệnh nặng tưởng không qua khỏi. Thấy cảnh đó, chị em chúng tôi không ngó lơ được”.
Vậy là các chị bàn bạc, thống nhất cao vận động kinh phí xây cho bà Đông mái ấm tình thương 40 triệu đồng; xuất vốn từ quỹ của mô hình cho bà Đông mượn để chăn nuôi nhỏ; “chị khá” Huyên còn tận tình bày kế sinh nhai cho bà Đông vượt qua lúc túng thiếu.
Bưng xề bánh chuối bán chưa hết, tay chỉ về “chị khá”, bà Đông không giấu giếm nói: “Cũng bà này xúi tôi làm bánh bán nè. Khổ cái tôi có biết làm bánh gì khéo đâu. Cái tội xúi thì phải chịu nên bả phải dạy tôi làm và làm đủ thứ để bán cho xóm này ăn không ngán. Cứ thế 3 năm nay, ngày nào tôi cũng một xề xôi hay bắp, bánh bò, bánh chuối, da lợn… bán quanh xóm”.
Dù tiền bán lời mỗi ngày chỉ vài chục ngàn đồng nhưng với vợ chồng bà Đông như vậy cũng đủ đầy hơn ngày trước nhiều lắm. Có đồng ra đồng vô và cứ 2 tháng rưỡi có thêm thu nhập bán vịt thịt nên cuộc sống ông bà dần ổn định.
Gia cảnh khó khăn không kém bà Đông, nhưng cũng nhờ “chị khá” tương trợ mà bà Nhanh nay có cuộc sống thoải mái.
Quê gốc bà Nhanh (Nguyễn Thị Nhanh) không phải ở đây, bà tha phương và neo tạm ở ấp 3 trên chiếc ghe nhỏ, buôn bán lay lắt qua ngày. Vậy mà cũng được “chị khá” thương !
“Dù ở nơi khác nhưng tôi luôn được chị em xóm này giúp đỡ, nhất là chỗ chị Huyên. Mỗi khi hết gạo, thiếu tiền, tôi đều được chị ấy cho mượn đến khi nào có thì trả. Gần đây, tôi còn được chị Huyên và các chị trong mô hình cho mượn vốn nuôi cá”, bà Nhanh khoe với nét mặt rất phấn khởi.
Thấy đàn cá ham ăn chóng lớn, bà Nhanh càng vui mừng, nói đàn cá nghĩa cá tình chứ không phải đơn giản.
Phần “chị khá” nhắc đến nãy giờ, vô nhà mới biết hoàn cảnh chị cũng chỉ đủ ăn đủ mặc. Nhà không đất sản xuất, nhiều năm nay, thu nhập chính của gia đình bà Huyên chủ yếu nhờ tiệm tạp hóa nhỏ và đan lục bình gia công. Gần 30 năm vào Hội, bà là một trong những hội viên nòng cốt có nhiều đóng góp cho các hoạt động chăm lo đời sống chị em.
“Tôi nghĩ cái “khá” của tụi tôi là ở cái tình, cái nghĩa với nhau. So với mình thì tôi nhận thấy nhiều chị còn khó hơn nên tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ các chị trong khả năng”, bà Huyên thiệt tình chia sẻ.
Chị em ấp này cũng thừa nhận điều ấy và kể thêm “chị khá” đã giúp đỡ nhiều phụ nữ bằng rất nhiều cách, lúc thì động viên tinh thần, khi thì cho mượn vốn chăn nuôi, mua bán, hướng cách làm ăn, rủ rê chị em tham gia tổ hùn vốn tiết kiệm… Nhờ vậy mà nay nhiều chị em có cuộc sống ổn hơn như bà Đông, bà Nhanh…
Nhờ sự giúp đỡ của “chị khá”, bà Đông (phải) bán bánh kiếm thêm thu nhập, nên cuộc sống dần ổn định. |
Cựu chiến binh vì môi trường xanh
Nhiều lắm câu lạc bộ cựu chiến binh tự quản bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, nhưng nổi hơn hết là ở khu vực Bình Hiếu.
Ông Võ Văn Thơi, Chi hội trưởng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh tự quản bảo vệ môi trường, khu vực Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, kể: “Từ khi Câu lạc bộ ra đời đến nay, cảnh quan môi trường các tuyến đường có nhiều thay đổi; rác thải sinh hoạt vứt lung tung ra kênh rạch, đất trống không còn. Nhà nhà đều đã ý thức hơn trong phân loại, xử lý rác”.
Rảo quanh một vòng khu vực này mới thấy hết hiệu quả việc làm của cựu chiến binh vì môi trường xanh.
Bình Hiếu nằm xa các trục đường lớn nên chưa kết nối với các đơn vị thu gom, xử lý rác. Việc phát động để hội viên và người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhất là xử lý rác thải sinh hoạt thông qua hơn 20 lò đốt rác được xây dựng giúp môi trường xóm này càng sạch hơn.
“Với rác hữu cơ, người dân bỏ vào các gốc cây sau nhà hoặc ủ phân để bón rau; rác vô cơ thì cho vào lò đốt hoặc bán phế liệu chứ không vứt bừa bãi như trước. Gần tết, nhà nhà còn thi đua làm đẹp cảnh quan phía trước với hàng rào cây xanh, cổng rào đẹp mắt; có nhà bông trổ sớm cứ ngỡ tết đã về”, ông Thơi phấn khởi cho biết thêm.
Câu lạc bộ Cựu chiến binh tự quản bảo vệ môi trường khu vực Bình Hiếu là đơn vị đầu tiên được Hội Cựu chiến binh tỉnh chọn làm điểm ra mắt trước khi nhân rộng ra 100% ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh.
Hai năm hoạt động, 35 thành viên Câu lạc bộ khu vực này rất tích cực phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, giáo dục, vận động mọi người bảo vệ môi trường. Sau ở Bình Hiếu, đến nay 2 khu vực còn lại của phường cũng có câu lạc bộ như vậy, hoạt động khá bài bản, góp phần cho xóm giềng sạch đẹp, trong lành.
Là lao động chính của gia đình, thu nhập chủ yếu từ việc làm thuê, nhưng ông Diệp, ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, luôn chủ động dành thời gian vệ sinh trước và sau nhà; có mặt đầy đủ trong những buổi câu lạc bộ ra quân phát quang bụi rậm, thu gom rác, vớt lục bình khơi thông dòng chảy...
“Bảo vệ môi trường là không của riêng ai nên tôi sẵn sàng chung sức cùng anh em. Mình làm vừa là trách nhiệm nhưng cũng vừa làm gương để con cháu thấy mà noi theo. Mỗi người cùng ý thức sẽ giúp cho môi trường sống ngày càng tốt hơn, quê hương mình sẽ phát triển hơn”, ông Diệp bộc bạch.
Toàn tỉnh có 100% ấp, khu vực thành lập Câu lạc bộ Cựu chiến binh tự quản bảo vệ môi trường với thành viên là cán bộ ấp, khu vực và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, nòng cốt là hội viên cựu chiến binh. Hoạt động của các “cụ” góp phần giải quyết tốt vấn đề môi trường ít nhiều đang bị ô nhiễm ở địa bàn dân cư; tạo chuyển biến trong nhận thức trong dân giữ gìn sự trong lành môi trường sống, hiện thực hóa chủ trương Hậu Giang xanh trong thời gian tới.
Chuyện chị em đậm tình, cựu chiến binh xanh hóa quê hương không phải việc làm quá lớn lao, nhưng từ những hành động đẹp thường nhật, bình dị ấy đã giúp làng quê thêm khởi sắc…