Hậu Giang: Phát huy thế mạnh nông nghiệp
Các sản phẩm trái cây và OCOP của người dân huyện Phụng Hiệp được giới thiệu tại Hội chợ xuân năm 2023. |
Trong năm 2022, ngành nông nghiệp huyện đã cùng người dân vượt qua khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường để phục hồi và phát triển và đạt được nhiều thành công. Từng bước chuyển đổi mô hình làm ăn hiệu quả, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng và thu nhập cho nông dân.
Phấn khởi với thành quả đạt được từ việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, ông Trần Ngọc Lợi, ở ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Hiện giờ gia đình tôi tất bật lo bao trái vú sữa hoàng kim. Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là tết đến rồi mà chưa có thời gian để chuẩn bị tết, nhưng dù sao gia đình cũng thấy rất vui, vì thấy những cây vú sữa hoàng kim đang cho trái và chuẩn bị tới đợt thu hoạch. Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả đã giúp gia đình có thu nhập khá hơn trước rất nhiều, điều này cả nhà tôi đều phấn khởi”.
Hiện tại, gia đình ông Lợi trồng được 5ha vú sữa Hoàng kim, mỗi năm thu hoạch từ 14 tấn trái. Ngoài ra, ông còn ươm cây giống vú sữa hoàng kim để bán cho các hộ trong và ngoài tỉnh. Bình quân một năm từ bán trái và cây giống, gia đình ông có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên. Trong 5ha vú sữa hoàng kim của gia đình thì 2ha đã có mã số vùng trồng, diện tích trồng còn lại đang xin cấp mã số. Thấy được hiệu quả kinh tế, một số hộ dân lân cận cũng đã liên kết với ông Lợi thành lập tổ liên kết trồng vú sữa hoàng kim. Như vậy đến thời điểm này, tổ liên kết được 7 thành viên, tổng diện tích trồng là 15ha.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp được quán triệt và tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp của ngành đến các địa phương. Đến nay, sản xuất nông nghiệp phát triển thuận lợi, nhiều sản phẩm chủ lực của địa phương, mô hình sản xuất của người dân được liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nông dân trên địa bàn huyện.
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện luôn đảm bảo tốt diện tích, năng suất các vụ lúa, chỉ đạo có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, giảm diện tích mía kém hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao đã nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP của địa phương. Bên cạnh đó còn quan tâm xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu, xây dựng xã nông thôn mới và liên kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân.
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết bền vững là quyết tâm của huyện. Trong năm qua, huyện đã thành lập mới 4 hợp tác xã, nâng tổng số toàn huyện hiện có 52 hợp tác xã, với 1.519 thành viên hợp tác xã và có 158 tổ hợp tác.
Đặc biệt, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp luôn được huyện chú trọng thực hiện để tạo ra những sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong năm 2022, huyện đã xây dựng được 5 mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như trồng mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm, mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa, trồng vú sữa hoàng kim.
Theo đó, việc thực hiện mô hình hiệu quả và phát triển mô hình mới luôn được huyện tiếp tục nhân rộng theo hướng chiều sâu. Cụ thể, thực hiện 10 mô hình theo chuẩn VietGAP gắn với chuỗi giá trị. Tiếp tục hỗ trợ tư vấn, đánh giá nâng chất các sản phẩm OCOP và có nhiều sản phẩm được công nhận; xây dựng 17 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; có 1.026 mô hình tập trung và làm ăn có hiệu quả, tăng 8 mô hình so với 2021.
Theo UBND huyện Phụng Hiệp, trong năm 2023 huyện tiếp tục khai thác mọi tiềm năng, phát huy hơn nữa nội lực, tranh thủ ngoại lực, vận dụng các cơ chế phù hợp để tạo sức bật trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh như sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Xây dựng và phát triển kinh tế hợp lý, bền vững trên cơ sở lấy nông nghiệp làm nền tảng, công nghiệp chế biến và du lịch làm động lực. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng khoa học công nghệ gắn với công nghiệp chế biến và liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng, quản lý và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, củng cố và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, nhất là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…
Nguồn: Phát huy thế mạnh nông nghiệp