Hậu Giang: Giải bài toán doanh nghiệp “khát” công nghệ
Hậu Giang: Ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm Hậu Giang: Hiến máu đầu xuân |
Công nghệ là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. |
Mức độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp tại tỉnh chưa cao
Hậu Giang hiện có 3.150 doanh nghiệp có hoạt động và kê khai thuế. Trong đó, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm ưu thế và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Những năm gần đây, để nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tùy vào từng sản phẩm, quy mô sản xuất và mục tiêu của doanh nghiệp, mà nhu cầu về công nghệ sẽ khác nhau.
Để làm rõ điều này, vừa qua, PGS.TS. Quan Minh Nhựt, Trường Đại học Cần Thơ, đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 123 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo. Trong đó, có 23 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản, 24 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến nông sản, 24 doanh nghiệp cơ khí, lắp ráp và 52 doanh nghiệp chế biến, chế tạo khác. Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp tại tỉnh chưa cao, khi tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát có hoạt động đổi mới công nghệ mang tầm khu vực và toàn quốc chiếm khá thấp.
Về nguồn cung công nghệ, hầu hết doanh nghiệp được khảo sát đều có thói quen tiếp cận và đầu tư mua sắm thiết bị, công nghệ thông qua các công ty khác hoặc các nguồn công nghệ được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn khi đầu tư đổi mới công nghệ như: năng lực nhân viên thấp, chi phí mua công nghệ cao, hạn chế trong công tác sửa chữa và bảo trì thiết bị công nghệ,... Nhiều doanh nghiệp đang rất cần công nghệ, nhưng lại gặp khó khi tìm kiếm công nghệ thích hợp cho quy mô và hoạt động sản xuất của mình.
Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, là hợp tác xã dẫn đầu cả tỉnh, chuyên sản xuất và tiêu thụ nông sản ở thị trường trong và ngoài nước. Những mặt hàng chủ lực của hợp tác xã như chanh không hạt, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, thanh long, đã được bày bán tại hệ thống siêu thị Co.opMart, Vinmart, các nhà hàng, chợ đầu mối,… và xuất khẩu sang các nước Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ, châu Âu. Do đó, hợp tác xã hiện đang rất quan tâm và có nhu cầu tìm kiếm các công nghệ bảo quản trái cây để xuất tươi.
Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP, chia sẻ: “Thị trường xuất khẩu trái cây tươi hiện có giá trị rất cao. Sản phẩm tươi xuất khẩu cần có các công nghệ để bảo quản và vận chuyển lâu. Nếu xuất khẩu mang lại giá trị cao thì khi thu mua nông sản người nông dân sẽ được giá cao”.
Có thể thấy, công nghệ sẽ là “chìa khóa” quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Và việc đáp ứng công nghệ đúng, đủ và kịp thời sẽ giải quyết được “cơn khát” của doanh nghiệp, giúp họ tự tin đầu tư và phát triển trong thời gian tới.
Tạo sự kết nối hiệu quả
Tại đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ là nơi đặt điểm kết nối cung - cầu công nghệ cho toàn vùng, kết nối hoạt động ở 3 mảng chính: công nghệ, thiết bị và máy móc công nghệ; các sản phẩm làm ra từ công nghệ; cơ sở dữ liệu về công nghệ. Điểm này tập hợp những sản phẩm công nghệ từ 13 tỉnh, thành trong vùng, như Hậu Giang có dược liệu, công nghệ cấy mô, phân vi sinh. Hằng năm, hoạt động trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ cũng được tổ chức luân phiên ở các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước, mang lại hiệu quả cao trong thúc đẩy hợp tác đầu tư nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tiếp nhận, làm chủ hơn 75 quy trình công nghệ. Các quy trình này đã và đang được chuyển giao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong và ngoài tỉnh. Hoạt động thông tin, tuyên truyền về khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh cũng là những cầu nối quan trọng cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ thuận lợi hơn.
Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo Kết nối cung cầu công nghệ tỉnh Hậu Giang năm 2022, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi cho những nhà quản lý, nhà cung ứng và doanh nghiệp có nhu cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh. Tại hội thảo, các giải pháp, công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh như: máy sấy nông sản, thủy sản, thực phẩm, dược liệu ứng dụng năng lượng mặt trời; ứng dụng công nghệ IoT cho nông nghiệp;... và một số sản phẩm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tiêu biểu của tỉnh đã được giới thiệu, chia sẻ và cung cấp, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hội thảo còn chia sẻ những vấn đề liên quan đến việc đổi mới và tái tạo kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo TS. Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh: “Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu công nghệ thông qua việc tuyên truyền kết nối cung - cầu công nghệ. Hình thành điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại tỉnh. Triển khai “Chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang giai đoạn đến năm 2030”, đưa công nghệ vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Đồng bộ các khâu sản xuất trong chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, sản phẩm OCOP, thế mạnh, tiềm năng của tỉnh Hậu Giang”.
Với những định hướng đó, kỳ vọng trong thời gian tới, hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai sâu rộng hơn nữa, mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, đóng góp vào sự phát triển chung của Hậu Giang.
Nguồn: Giải bài toán doanh nghiệp “khát” công nghệ