Hậu Giang: Huyện Long Mỹ hướng đến nông nghiệp xanh
Hậu Giang: Quyết tâm mới của ngành nông nghiệp Hậu Giang: Khí thế mới và kỳ vọng mới |
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của anh Trần Việt Hải, ở xã Lương Nghĩa. |
Triển vọng từ những mô hình
Đến thăm trang trại của anh Trần Việt Hải, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, chúng tôi được anh giới thiệu về mô hình sản xuất của gia đình. Khoảng 4 năm nay, từ mảnh đất gần 5ha, anh Hải đã đầu tư, cải tạo và chia thành nhiều khu nuôi trồng theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
“Đam mê nông nghiệp nên tôi đi tham quan, nghiên cứu nhiều mô hình, rồi quyết định đầu tư nhà kính để trồng dưa lưới, làm chuồng trại nuôi lươn thịt và sinh sản, nuôi bò, trùn quế, còn phía trên là điện năng lượng mặt trời. Dưa lưới được doanh nghiệp bao tiêu, đầu ra ổn định. Tôi trồng dưa lưới theo kiểu cuốn chiếu, khoảng 15 ngày thu hoạch 1 đợt. Lươn được nuôi theo tiêu chuẩn sạch hướng đến xuất khẩu”, anh Hải cho biết.
Cũng theo anh Hải, khi đi vào sản xuất, gia đình anh đặt mục tiêu sản xuất sạch, hữu cơ góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ cho môi trường. Hướng đi này giúp anh Hải gặt hái thành công, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động địa phương.
Không chỉ phát triển nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn mà những mô hình quy mô hộ gia đình cũng đang phát triển mạnh. Điển hình như trồng rau thủy canh của hộ ông Phan Văn Tùng, ở xã Thuận Hưng. Hiện tại, vườn đang cung cấp cho thị trường các loại rau ăn lá phổ biến như: xà lách Batavia, cải cầu vồng, cải romain, cải bó xôi, rau cần tây... Ông Tùng bộc bạch: “Trồng rau thủy canh còn khá mới mẻ ở địa phương nên thời gian đầu gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Phải tìm tòi, học hỏi cách trồng ở Đà Lạt rồi mang về áp dụng. Chi phí đầu tư ban đầu 270 triệu đồng cho vườn 350m2 nhưng hiệu quả mang lại rất xứng đáng. Người tiêu dùng bắt đầu tin tưởng, tìm mua”.
Có thể thấy, bức tranh nông nghiệp ở huyện Long Mỹ đang có những triển vọng mới, huyện đang từng bước xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đầu tiên của vùng ĐBSCL.
Những năm gần đây, huyện Long Mỹ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất lúa, rau màu theo hướng hữu cơ nhằm hướng tới một nền nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đối với sản xuất theo hướng VietGAP và đăng ký mã số vùng trồng trên địa bàn huyện hiện có 97 hộ tham gia với 113,64ha… Toàn huyện đã được cấp 12 mã vùng trồng, diện tích 165ha với 107 hộ, trong đó gồm các loại cây trồng như bưởi da xanh, mít, dưa hấu.
Nâng chất các mô hình hiện hữu
Huyện đã tiếp nhận và thực hiện hồ sơ để cấp mới 5 mã số vùng trồng trên địa bàn, diện tích 261,88ha với 171 hộ. Trong đó, vùng trồng chanh không hạt thực hiện tại xã Vĩnh Viễn A; vùng trồng bưởi da xanh thực hiện tại HTX bưởi da xanh, ấp 7, xã Thuận Hưng và ấp 5, xã Thuận Hòa; vùng trồng lúa thực hiện ở ấp 9, xã Thuận Hưng và ấp 7, xã Lương Nghĩa. Còn vùng trồng khóm, thực hiện tại HTX Phúc Thịnh, ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, diện tích 50,2ha với 22 hộ.
Huyện xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Phối hợp với Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện; phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng gắn với các điểm di tích lịch sử; tranh thủ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của địa phương. Tập trung tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với thị trường, phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết: Huyện sẽ chú trọng nhân rộng các mô hình hiện có chứ không phát triển các mô hình mới, chú trọng sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời, đầu tư công nghệ sinh học, ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ thông tin, công nghệ số để làm ra sản phẩm chất lượng, cạnh tranh về giá cả. Riêng đối với cây lúa, huyện xác định sản xuất an toàn, sạch, đảm bảo chất lượng. Với khóm, chanh không hạt, bưởi, mãng cầu, thủy sản,… huyện đã phân vùng sản xuất phù hợp với điều kiện và thế mạnh của vùng. Đặc biệt, với việc cống Cái Lớn - Cái Bé đã vận hành sẽ tạo thuận lợi cho huyện Long Mỹ tập trung khai thác thủy sản trên sông kết hợp du lịch nông nghiệp.
Nguồn: Huyện Long Mỹ hướng đến nông nghiệp xanh