Hậu Giang: Nâng tầm giá trị từ bưởi tạo hình
Hậu Giang: Góp sức cho nông thôn mới bền vững Hậu Giang: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Mở rộng, nâng cấp đô thị |
Ông Võ Trung Thành, “cha đẻ” của trái cây tạo hình |
Cung không đủ cầu
Đến xã Phú Tân, huyện Châu Thành, không khó để tìm được nhà ông Võ Trung Thành, “cha đẻ” của trái cây tạo hình. Năm nào cũng vậy, bưởi tạo hình của ông luôn được khách hàng đặt mua từ trước tết mấy tháng, nhiều người liên hệ trễ đành phải đợi năm sau.
Ông Thành chia sẻ: “Đứa em của tôi làm được khoảng 500 trái bưởi tạo hình ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Năm nay, không có trái cây để làm, các địa phương bán giá cao nên tôi không làm. Tết này chắc cháy hàng, đầu năm mưa nên bưởi ra bông, nếu mình làm đợt đó thì hiện đã chín, trái bị vàng mà còn khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch mà bây giờ vàng hết. Còn trái ra đợt sau thì vừa, trái xanh, đẹp, thị trường ưa chuộng”.
Chia sẻ về nghề, ông Võ Trung Thành cho biết, bắt tay vào lĩnh vực tạo hình trái cây từ năm 2008, là người tiên phong nên ông gặp nhiều khó khăn, trầy trật đủ thứ. Ông tìm các vật liệu làm cho có khung ốp vào trái bưởi rồi thổi chữ lên. Song song đó, ông cũng làm tạo hình cho bưởi. Cuối cùng, sau hàng tháng trời thử nghiệm, trái bưởi tạo hình hồ lô đầu tiên cũng gặt hái thành công.
Thời điểm đó, ông Thành mang sản phẩm tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Cần Thơ và may mắn đạt giấy khen mẫu mã sáng tạo. Thừa thắng xông lên, lão nông này quyết tâm phát triển mô hình trái bưởi hồ lô. Một năm sau, ông cho ra mắt bưởi tạo hình, rồi liên tiếp những sản phẩm bưởi có chữ Tài, Lộc, bưởi hồ lô in hình thỏi vàng, đồng tiền… ra đời sau đó.
Bên ly trà nóng, ông Thành nhớ lại: Bưởi tạo hình hồ lô, hồi năm 2020 là 1.200.000 đồng/trái mẫu mã đẹp nhưng hàng không đủ bán. Tôi chia sẻ nhiều người, nhiều nơi cùng sản xuất thì giá còn khoảng 300.000-400.000 đồng/trái, mình có lợi gấp 3 lần.
“Mỗi năm tôi đều cho ra mẫu khác. Vậy mới thành công, mình phải đi trước thị trường một bước. Tôi không ngại chuyển giao kỹ thuật cho nhiều nơi, từ Thanh Hóa tới Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh… Có những nơi đến học tập kinh nghiệm, còn có những nơi mời đến tập huấn cách làm tôi đều nhận lời. Điều quan trọng cây bưởi tốt mình mới làm đạt”, ông Thành bày tỏ.
Hơn chục năm kinh nghiệm, ông Thành đã có trong tay kha khá sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như: Bưởi tạo hình hồ lô, bưởi in chữ, bưởi thỏi vàng... Không chỉ làm giàu cho chính bản thân, ông Thành còn cùng bà con địa phương thành lập câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình, cùng nhau chia sẻ, giúp nhau làm kinh tế. Nhiều thành viên đã thoát nghèo, có của ăn của để sau quá trình cần cù, chịu khó với bưởi tạo hình.
Nhà vườn Võ Hồng Quốc, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết: “Từ khi làm bưởi hồ lô đến giờ, gia đình đã tôi gỡ được đất cầm cố, xây nhà cửa lại phát triển hơn hồi trước”.
Thành công từ sự kiên trì
Gia đình không ủng hộ, đồng vốn bỏ ra nhiều, thất bại liên tục,... đã có lúc khiến ông Thành mệt mỏi, thế nhưng với suy nghĩ “thất bại là mẹ thành công”, ông quyết tâm điều chỉnh những chỗ chưa hoàn thiện để ngày một hoàn thiện hơn.
“Mình té chỗ nào, mình đứng dậy chỗ đó. Làm bất cứ chuyện gì, lúc ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí là mình phải tốn kém rất nhiều, bỏ hết, làm lại từ đầu, nhưng nếu quyết tâm sẽ được thành công”, ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo lão nông này, mấu chốt chính nằm ở việc lập kế hoạch chi tiết, thời điểm nào, làm công việc gì và từng bước thực hiện. Khó ở đâu thì gỡ ở đó, dần dần những điểm yếu được khắc phục, đây cũng là kinh nghiệm để ông chia sẻ lại với những bà con có chung niềm đam mê.
Dù rất hút hàng và vẫn còn nhiều dự định còn ấp ủ, nhưng hiện tạo hình trái cây tại địa phương đang rơi vào thế khó do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Ông Thành cho hay: “Diện tích bưởi của huyện Châu Thành hiện nay đã rất thu hẹp. Trước đây, câu lạc bộ 24,6ha, hiện nay hầu như không còn. Muốn sản xuất, chúng tôi phải đi tìm vườn ở thành phố Ngã Bảy, hay tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng. Như vậy, sau khi trừ chi phí, thu nhập không bằng vườn nhà của mình. Tôi trăn trở và mong muốn làm thế nào để phục hồi vườn bưởi, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất. Tôi tin chắc rằng, trái cây tạo hình này không bị lỗi thời”.
Từ một trái bưởi chưng tết thông thường, nhưng khi tạo ra hình dáng mới thì giá trị tăng lên gấp 10 lần. Một mức hấp dẫn không chỉ với nhà vườn mà còn với cả những ai kinh doanh. Dẫu vậy, đây chỉ là trên lý thuyết, để có được sản phẩm chất lượng, người tạo hình phải chăm chút và tốn không ít công sức, chi phí và thời gian.
Làm nông luôn cần sáng tạo, làm mới mình để không chỉ tiết kiệm sức lao động mà còn để nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra. Làm giàu từ sản vật quê hương không khó, quan trọng có chọn đúng hướng đi và kiên trì với nó hay không mà thôi...
Nguồn: Nâng tầm giá trị từ bưởi tạo hình