Hậu Giang: Nông nghiệp bứt phá
Ngành nông nghiệp Hậu Giang đang đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất theo Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao gắn phát thải thấp, tăng trưởng xanh mà Chính phủ đề ra. |
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Qua đánh giá 6 tháng đầu năm nay, Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,04%, xếp thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long và xếp ở nhóm cao cả nước; trong đó, cả 3 khu vực kinh tế của tỉnh đều có mức tăng trưởng tăng, riêng khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp) tăng 3,79%, cao hơn so với kịch bản của tỉnh đưa ra là 3,5%. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành nông nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ
Trên cơ sở triển khai các cơ chế chính sách đặc thù ngành nông nghiệp và nguồn lực bố trí của tỉnh, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung đầu tư, hỗ trợ người dân và nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa, gieo sạ giống chất lượng cao, áp dụng các quy trình canh tác giảm chi phí, nâng cao năng suất, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến nông, thủy sản… Theo đánh giá của người dân và nhiều HTX, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ngày càng rộng rãi, đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng các nông sản trên địa bàn tỉnh.
Nông dân ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nhiều loại cây ăn trái cho năng suất, chất lượng cao. |
Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Kiến Thành, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, thông tin: “Trong vụ lúa Đông xuân, Hè thu vừa qua và vụ Thu đông đang canh tác, HTX tiếp tục được ngành nông nghiệp tỉnh, huyện hỗ trợ người dân sản xuất lúa theo chuỗi giá trị và áp dụng quy trình sản xuất theo đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp, tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL mà Chính phủ đề ra; qua đây góp phần tạo ra sản phẩm gạo an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập cho người dân. Điển hình, hiện HTX có 100ha lúa sản xuất đạt chuẩn VietGAP được người dân bán lúa tươi với giá cao hơn 300 đồng/kg so với ruộng ngoài mô hình”.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, tình hình tiêu thụ lúa trong vụ Đông xuân vừa qua và vụ Hè thu đang vào giai đoạn thu hoạch cuối vụ trên địa bàn tỉnh đều diễn ra ổn định, không xảy ra tình trạng tồn đọng, nông dân bán lúa rất thuận lợi. Trong đó, điển hình như vụ lúa Đông xuân 2023-2024, giá thành sản xuất ước tính bình quân là 3.560 đồng/kg, đây là con số thuộc nhóm thấp của vùng ĐBSCL; đồng thời lợi nhuận bình quân của người dân đạt 41,7 triệu đồng/ha, tăng 27% so với vụ Đông xuân cùng kỳ.
Cùng với lĩnh vực trồng trọt thì công tác phòng, chống thiên tai cũng ghi nhận nhiều sự nỗ lực từ các đơn vị có liên quan của ngành nông nghiệp tỉnh và lãnh đạo các địa phương, nhất là công tác ứng phó có hiệu quả về tình hình xâm nhập mặn cũng như mưa, giông nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho hay: Trong những tháng mùa khô vừa qua, địa phương phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật, thông tin nhanh và kịp thời về tình hình xâm nhập mặn; đồng thời chỉ đạo vận hành hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi để chủ động trong công tác ngăn mặn, cũng như thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi để người dân tranh thủ lấy, trữ và sử dụng nguồn nước ngọt có hiệu quả. Nhờ thực hiện tốt các công việc trên nên độ mặn cao nhất trên địa bàn huyện Long Mỹ trong mùa khô vừa qua đạt đến 10,7‰, tuy nhiên nước mặn không gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Một điểm đáng ghi nhận khác cho lĩnh vực nông nghiệp bứt phá là từ đầu năm đến nay, việc kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tiếp tục được quan tâm; nhờ vậy đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã dần đi vào nề nếp, giá bán sản phẩm chuỗi nông sản cao hơn so với giá thị trường, đồng thời thị trường tiêu thụ sản phẩm chuỗi, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn được mở rộng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Điển hình là chuỗi cá thát lát tiêu thụ tại thị trường Thành phố Hà Nội với tổng sản lượng trên 5 tấn/tháng; chuỗi trà mãng cầu cung ứng thực phẩm cho Thành phố Hà Nội với tổng sản lượng cung cấp 300 kg/tháng; chuỗi rau đã tiêu thụ được tại các siêu thị và cửa hàng Bách hóa xanh; sản phẩm chuỗi chanh không hạt tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang thị trường Hà Lan; chuỗi lươn tiêu thụ tại các tỉnh trong nước và xuất khẩu nước ngoài.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến, thị trường và phát triển nông thôn tỉnh, chia sẻ: Sau nhiều nỗ lực trong việc xúc tiến thương mại để quảng bá, kết nối tiêu thụ một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh thì điều phấn khởi là vào đầu năm nay Hậu Giang đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu chính ngạch về sản phẩm lươn thịt sang thị trường Trung Quốc, qua đây tạo ra nhiều tín hiệu khởi sắc cho người nuôi lươn tại Hậu Giang về thị trường tiêu thụ và giá bán. Cụ thể, giá bán lươn thịt của người dân được nâng từ 70.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg sau khi sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, với sản lượng bình quân vào lúc cao điểm là từ 5-6 tấn lươn thịt/ngày.
Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ đột phá
Nhằm đảm bảo đạt mức tăng trưởng kinh tế của ngành nông nghiệp tỉnh theo kế hoạch đề ra vào cuối năm nay, hiện ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến cuối năm, trong đó có những nhiệm vụ đột phá của ngành theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất hiệu quả vụ lúa Hè thu và Thu đông, cũng như đẩy mạnh sản xuất rau màu, cây ăn quả nhất là các cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao, sản xuất theo chuỗi giá trị và theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn có thị trường tiêu thụ tốt để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo chuyển đổi sản xuất gắn với chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá mới về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong nông nghiệp. Đặc biệt, tổ chức hướng dẫn các địa phương và nông dân tiếp tục đầu tư phát triển thủy sản, nhất là các đối tượng thủy sản tiềm năng, các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, kết hợp nuôi thủy sản trên ruộng lúa ở những vùng sản xuất lúa vụ 3 kém hiệu quả.
“Ngoài các công việc trên thì Sở NN&PTNT đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ định hướng vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, dự án đã triển khai đạt khoảng trên 60% khối lượng công việc và đang tiếp tục triển khai thực hiện các công việc còn lại để sớm hoàn thành theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh”, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm.
Cùng với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp đề ra, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh sớm đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện các nhiệm vụ đột phá được chỉ ra trong Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Cụ thể là xây dựng Đề án phát triển Trung tâm cung ứng, sản xuất giống nông nghiệp và Trung tâm cơ giới hóa vùng ĐBSCL; Đề án phát triển ngành nghề nông thôn gắn với HTX nông nghiệp, tạo việc làm cho lao động nông nhàn; Đề án quản lý vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc với nhóm cây ăn trái chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển HTX và chế biến, bảo quản; Đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm chủ lực; đồng thời phối hợp với ngành văn hóa và các địa phương của tỉnh trong việc phát triển du lịch nông nghiệp (kinh tế xanh)…