Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức báo động
AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao. VN Air là ứng dụng được nghiên cứu và phát triển bởi Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Tổng Cục Môi trường-Bộ Tài nguyên và Môi trường. VN Air sử dụng nguồn dữ liệu được khai thác từ kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục do Tổng cục Môi trường quản lý và các trạm quan trắc môi trường do các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương quản lý.
Liên tục những ngày gần đây, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) ở ngưỡng cao. Báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu. Ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng từ điều kiện khí hậu, thời tiết.
Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong khu vực miền Bắc nói chung và TP. Hà Nội nói riêng, mức độ bụi PM2.5 thường tăng cao từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí thường xảy ra trước và sau các đợt không khí lạnh tràn về, với mức độ gia tăng đột biến vào ban đêm và sáng sớm. Cụ thể, tại thời điểm trưa ngày 14/1, tại khu vực số 556 Nguyễn Văn Cừ, Đại học Bách khoa (đường Giải Phóng) và khu vực công viên Nhân Chính (quận Thanh Xuân), chất lượng không khí ở mức xấu, chỉ số AQI dao động từ 168 đến 196.
Lúc 12h ngày 14/1, số liệu trên cổng thông tin quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đo được, trên địa bàn TP. Hà Nội có 1 khu vực chất lượng không khí ở mức rất xấu (màu tím) là phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chỉ số AQI ở mức 226; có 6 khu vực chất lượng không khí ô nhiễm ở ngưỡng xấu (màu đỏ), gồm: Xã Vân Hà (huyện Đông Anh) chỉ số AQI là 178, xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) 170, xã An Khánh (huyện Hoài Đức) ở mức 163...; 5 khu vực khác ở ngưỡng kém.
Ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. (Ảnh minh hoạ: VA). |
Còn số liệu từ cổng thông tin quan trắc môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, tại khu vực số 556 Nguyễn Văn Cừ, Đại học Bách khoa (đường Giải Phóng) và khu vực công viên Nhân Chính (quận Thanh Xuân), chất lượng không khí ở mức xấu, chỉ số AQI dao động từ 168 đến 196. Chuyên gia môi trường cho biết, với chỉ số AQI ở ngưỡng xấu đến rất xấu, bắt đầu ảnh hưởng sức khỏe đến nhiều người.
Do đó, người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường. Không chỉ có TP. Hà Nội, không khí tại TP. HCM cũng đạt ngưỡng ô nhiễm trong ngày hôm qua (14/1).
Cụ thể, theo hệ thống quan trắc không khí IQAir và Airvisual, chỉ số chất lượng không khí của TP. HCM ở mức màu đỏ "không lành mạnh". Chỉ số ô nhiễm trung bình đo được là 194. Với chỉ số này, TP. HCM nằm trong danh sách 4 thành phố lớn ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Theo hệ thống giám sát không khí trực tuyến IQAir (thuộc Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), những ngày qua, chất lượng không khí ở TP. HCM đều ở mức độ không tốt và có xu hướng ngày càng xấu đi.
Đến sáng hôm qua (14/1), chỉ số ô nhiễm không khí ở TP. HCM ở mức “rất không tốt” là 214 (xếp hạng ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới, chỉ sau thủ đô Darka của Bangladesh). Số liệu quan trắc cho biết, mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều nơi trên địa bàn Thành phố đã vượt mức đỏ chuyển sang màu tím - chỉ số AQI (201 - 300) với chất lượng không khí rất xấu, có thể gây hại đến sức khỏe của người dân. Ngay cả những địa điểm có vị trí nằm gần biển và lá phổi xanh của Thành phố như Đường số 1 (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) cũng chỉ số AQI đạt ngưỡng ở mức 239.
Cùng thời điểm, chỉ số chất lượng không khí AQI tại Hà Nội là 159, xếp thứ 14 trong danh sách quan trắc toàn cầu. Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), TP. Hà Nội cũng như miền Bắc đang trong mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm.
Đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, Hà Nội và các địa phương ở miền Bắc đang trong "mùa ô nhiễm không khí" nghiêm trọng nhất năm, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm.
Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh... Lý giải về tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội, Đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, Hà Nội chưa kiểm soát được nguồn thải gây ô nhiễm.
Không khí ở Hà Nội luôn ở mức báo động đỏ hoặc tím nhưng điều nguy hiểm hơn nằm ở xu hướng ô nhiễm luôn tăng mà không có dấu hiệu giảm xuống. Điều này sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng người già và trẻ em.
Người dân nên đeo khẩu trang, bảo vệ hệ hô hấp khi tham gia các hoạt động ngoài trời. (Ảnh minh hoạ: Internet). |
Do đó, người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao và thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia môi trường.
Các chuyên gia khí tượng dự báo, tình trạng hanh khô, ít mưa ở phía Bắc còn kéo dài đến gần Tết Nguyên đán (tuần giáp Tết có thể nắng ấm, nhưng vẫn ít mưa, tạnh ráo). Tình trạng này càng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin, tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Đặc biệt, có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân trước những ảnh hưởng có hại của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân, nhất là những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe. Các khuyến cáo này được đưa ra dựa trên chỉ số chất lượng không khí AQI.
Khi chỉ số AQI chất lượng không khí ở mức kém đã có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là nhóm người nhạy cảm, cần giảm hoặc hạn chế các hoạt động ngoài trời để tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí.
Nguồn: Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức báo động