Hậu Giang: Nước rút thực hiện các hoạt động khoa học - công nghệ cấp huyện
Hậu Giang: Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu Hậu Giang: Đa dạng các nguồn vốn huy động trong xây dựng nông thôn mới |
Tiếp tục tập trung ứng dụng KH&CN cho nông nghiệp
Tại Hậu Giang, nhiều năm qua, hoạt động KH&CN cấp huyện luôn tập trung ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, thông qua việc triển khai các đề tài, dự án phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế của từng địa phương.
Huyện Vị Thủy dành phần lớn kinh phí sự nghiệp KH&CN để thực hiện dự án “Trồng rau thủy canh trong nhà màng theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ số”, do kỹ sư Nguyễn Ngọc Hà làm chủ nhiệm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là cơ quan chủ trì. Dự án triển khai mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng với diện tích gần 200m2 tại hộ anh Phan Văn Út, ở ấp 7, xã Vị Thủy. Nông hộ tham gia dự án được hỗ trợ xây dựng nhà màng, cung cấp giống và kỹ thuật trồng rau thủy canh với các loại rau như: cải thìa, cải xà lách, cải bó xôi, cải bẹ xanh, cải ngọt,...
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh Khóm ở Hậu Giang” của thành phố Vị Thanh góp phần nâng tầm giá trị nông sản đặc trưng này. |
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Dự án được thực hiện từ tháng 5 vừa qua. Sau 2 vụ trồng rau, mô hình đã dần đi vào ổn định. Chúng tôi đã giúp nông hộ nắm vững được kỹ thuật canh tác. Rau thu hoạch đã được bán tại các chợ ở địa phương, được người tiêu dùng chấp nhận với mức giá cao hơn rau thường”.
Sau khi kết thúc dự án, mô hình trồng rau thủy canh này sẽ tiếp tục được duy trì, là cơ sở để người dân tham quan, học hỏi và nhân rộng tại địa phương trong thời gian tới.
Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ, Sở KH&CN tỉnh, đang chủ trì thực hiện dự án cấp huyện “Xây dựng mô hình trồng, chế biến ổi ruột đỏ tại huyện Long Mỹ, Hậu Giang”. Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình trồng ổi ruột đỏ tại địa phương, dự án còn tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng chuyên canh ổi ruột đỏ, kỹ thuật cải tạo đất phèn và ứng dụng các chế phẩm vi sinh trong canh tác ổi ruột đỏ,... Tiếp nhận các quy trình công nghệ ổi sấy dẻo từ Trường Đại học Cần Thơ. Qua đó, từng bước nâng tầm giá trị trái ổi ruột đỏ tại huyện Long Mỹ nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Bên cạnh đó, còn có nhiều đề tài, dự án KH&CN cấp huyện khác đang được triển khai như: dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh Khóm ở Hậu Giang” của thành phố Vị Thanh; dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai (Annona muricata L.) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang” của huyện Phụng Hiệp; dự án “Xây dựng dự án nuôi lươn đồng thương phẩm an toàn sinh học gắn với kiểm soát an toàn thực phẩm” của huyện Châu Thành;...
Nhìn chung, các đề tài, dự án sử dụng kinh phí sự nghiệp KH&CN cấp huyện đều được triển khai dựa trên thế mạnh vốn có và định hướng phát triển nông nghiệp của từng địa phương.
Nước rút...
Hoạt động KH&CN cấp huyện do phòng kinh tế hoặc phòng kinh tế - hạ tầng của các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện. Hàng năm, Sở KH&CN tỉnh tổ chức hội đồng đánh giá, xếp hạng phong trào thi đua của ngành cho các phòng, ban chuyên môn cấp huyện. Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành, hội đồng sẽ chấm điểm và xếp hạng cho các đơn vị. Do đó, trong những tháng cuối năm, các địa phương đang tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ KH&CN với quyết tâm cao.
Cuối năm cũng là lúc các đề tài, dự án đang đi vào giai đoạn “nước rút”. Trong những tháng qua, huyện Phụng Hiệp đã tổ chức nghiệm thu, kết thúc 2 dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chế biến sau thu hoạch rau Đắng đất Polygonum aviculare L. tại huyện Phụng Hiệp” và “Xây dựng mô hình hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang”. Hiện tại, địa phương này đang thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán cho các dự án trên; đồng thời, tập trung duy trì, nhân rộng kết quả nghiên cứu trên địa bàn huyện.
Từ kinh phí sự nghiệp KH&CN năm nay, thành phố Ngã Bảy đang triển khai mô hình “Nuôi lươn sinh sản trong bể không sử dụng bùn” và mô hình “Nuôi ếch thương phẩm theo chuỗi liên kết”. Hiện nay, mô hình nuôi lươn đang phát triển tốt và sắp bước vào giai đoạn sinh sản, chuẩn bị con giống để thả nuôi ếch tại 2 hộ nông dân trên địa bàn. Ông Trương Văn Chín, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Dự kiến các mô hình trên sẽ được nghiệm thu vào cuối năm nay. Chúng tôi tập trung thực hiện các mô hình mang tính ứng dụng, nếu hiệu quả thì sẽ tiến hành nhân rộng tại địa phương trong thời gian tới”.
Bên cạnh những hoạt động trên, các huyện, thị, thành phố còn tập trung thực hiện việc theo dõi, quản lý các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang, đảm bảo an toàn bức xạ trên địa bàn. Hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ. Thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trên lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ,... Với những nỗ lực đó, hoạt động KH&CN cấp huyện hứa hẹn sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Nguồn: Nước rút thực hiện các hoạt động khoa học - công nghệ cấp huyện