Hậu Giang: Tập trung phát triển 4 trụ cột
Hậu Giang: Huyện Long Mỹ hướng đến nông nghiệp xanh Hậu Giang: Quyết tâm mới của ngành nông nghiệp |
Homestay Mương Đình và Trang trại sữa dê Ngọc Đào là 2 điểm du lịch được huyện chọn xây dựng thành điểm sáng về du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp. |
Về công nghiệp, huyện có khu công nghiệp Tân Phú Thạnh thành lập từ năm 2009 với diện tích khoảng 200ha. Vị trí thuận lợi khi khu công nghiệp (KCN) này nằm dọc Quốc lộ 1A, cách sân bay Cần Thơ khoảng 15km, đường thủy thuận lợi khi giáp sông Ba Láng ở phía Tây. Tại đây, có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động với đủ lĩnh vực như dược phẩm, chế biến thực phẩm, nông sản, thức ăn chăn nuôi, may mặc thời trang… Huyện đang phối hợp cùng các ban, ngành tỉnh khẩn trương hoàn thiện các hạng mục hạ tầng, nhất là giao thông để tiếp tục phục vụ tốt cho các doanh nghiệp đang hoạt động và chào đón các nhà đầu tư mới. Hạ tầng xã hội các khu vực lân cận cũng được quan tâm, trên địa bàn có đầy đủ cơ sở đào tạo giáo dục, y tế, thương mại dịch vụ để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư cũng như lực lượng đông đảo lao động về đây làm việc.
Theo đánh giá của ông Đoàn Đình Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, vị trí hiện nay của công ty tại KCN Tân Phú Thạnh thuận lợi, công ty có thể tuyển được lao động đã qua đào tạo trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu về kiến thức và tay nghề. Mặt khác, người lao động cần cù, chịu khó và chịu làm. Càng nhiều lao động địa phương nắm giữ các vị trí cao hơn tại công ty là điều đáng tự hào và ghi nhận.
Theo kế hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025, huyện Châu Thành A quy hoạch và thành lập mới KCN Tân Hòa diện tích khoảng 210ha. Giai đoạn 2026-2030 thành lập mới KCN Nhơn Nghĩa A, diện tích khoảng 252ha. Vị trí các KCN mới thành lập khai thác tối đa lợi thế về giao thông cũng như hài hòa với điều kiện thực tế. Đây sẽ là động lực để phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt trên 17.000 tỉ đồng, tăng trưởng ngành công nghiệp trên 20%/năm, cơ cấu ngành công nghiệp tăng lên hơn 76% và đưa huyện cơ bản trở thành huyện công nghiệp.
Về nông nghiệp, huyện xác định thế mạnh và tập trung xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn sản xuất với chế biến, hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của huyện, giúp doanh nghiệp, người dân xây dựng quy trình chất lượng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý sản phẩm, mã vùng trồng với các loại trái cây như xoài, nhãn, mít, sầu riêng, chanh không hạt, ngoài ra còn tăng cường quảng bá thương hiệu nông sản trên sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội. Nâng chất phát triển khu cánh đồng số hóa trong sản xuất lúa từ 70-100ha tại xã Trường Long Tây; sản xuất lúa, chanh không hạt, mít, xoài cát đạt chuẩn, duy trì và phát triển 150ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Phấn đấu sản xuất nông nghiệp tăng trưởng hàng năm bình quân khoảng 2,5%, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân vùng nông thôn.
Trụ cột du lịch ở huyện Châu Thành A sớm khởi sắc khi đã có sản phẩm được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đón nhận. Homestay Mương Đình, xã Nhơn Nghĩa A, là sản phẩm du lịch đầu tiên của huyện và là điểm du lịch đầu tiên được tỉnh công nhận. Homestay có 14 phòng với không gian xanh mát, tổ chức chuyên nghiệp các hoạt động tham quan cảnh quan vùng nông thôn, vườn trái cây và trải nghiệm văn hóa địa phương. Dịp tết vừa qua, Homestay thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, đây cũng là điều đáng mừng cho bà chủ Homestay là bà Dương Thị Nhỏ. Bà Nhỏ chia sẻ: “Xuất phát từ ý tưởng nhưng dần dà sản phẩm du lịch hoàn chỉnh sau sự nỗ lực của các thành viên trong gia đình, có sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ tỉnh để tôi có dịp học hỏi, tham quan, từ đó rút kinh nghiệm để sản phẩm được nâng chất, tạo dấu ấn giữa rất nhiều điểm du lịch khác ở miền Tây”.
Được biết ngoài Homestay Mương Đình, Trang trại sữa dê Ngọc Đào cũng là điểm du lịch được huyện chọn xây dựng thành điểm sáng về du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tiêu biểu của huyện. Để đạt được mục tiêu này, cần sự quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng, đảm bảo mạng lưới đường giao thông thuận lợi đến các điểm du lịch.
Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết: Huyện còn định hướng chuyển đổi số theo 4 trụ cột là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng trên địa bàn. Huyện cũng có kế hoạch chuyển đổi số trong cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Trong thời gian qua, quá trình chuyển đổi số tại địa phương đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi mọi mặt về đời sống, hoạt động của người dân trên địa bàn. Các mô hình thiết thực từ phong trào chuyển đổi số như “Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt”, hỗ trợ người dân cài đặt hơn 24.800 tài khoản dịch vụ công trực tuyến và hơn 300 tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp trên địa bàn đã chấp nhận thanh toán không tiền mặt thông qua QR Code.
Nguồn: Tập trung phát triển 4 trụ cột