Hậu Giang: Thị trấn Vị Thanh vượt khó, đổi mới xây dựng quê hương
Hậu Giang: Mưa trái mùa gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất Hậu Giang: Xây dựng và nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” |
Giai đoạn 1978-1979, thị trấn Vị Thanh gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. |
Bên kia kênh Xà No, xã Vị Tân mới lập vào ngày 23-10-1978, thuộc huyện Long Mỹ liền ranh với thị trấn Vị Thanh. Về hướng Cần Thơ, giáp xã Vị Thanh; tức địa bàn làng Vị Thanh xưa. Về phía Tây Nam, giáp đất xã Hỏa Lựu, gần như là hướng đường cùng. Hướng thứ ba là cửa ngõ chính của thị trấn theo liên Tỉnh lộ 31, qua ngã ba Vĩnh Tường, rồi qua thị trấn Long Mỹ, hay ngược lên Cần Thơ.
Dù là đô thị huyện lỵ, nhưng địa bàn Vị Thanh được thuận lợi là kết cấu hạ tầng đô thị khá rộng, dễ xây dựng theo quy hoạch. Nhiều cơ sở quân sự hành chính của Quân khu 9 và tỉnh Hậu Giang đứng chân tại Vị Thanh như: Phi trường, Nhà máy xi măng (khu 404), Viện trường Y tế, các trường thiếu sinh quân, Trường Công Nông, Trường Đoàn, Trường Phụ nữ, Trường Xây dựng số 8, Nhà hát Mỹ Thanh (Kim Đô) và nhiều cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khách sạn, cơ sở in tư nhân...
Thuận lợi là vậy, nhưng thực trạng khó khăn, cũng không ít các ngành công thương nghiệp, đang trên quá trình cải tạo, còn hai thành phần kinh tế (quốc doanh và hợp doanh). Do đó, số hộ nông nghiệp tăng mạnh với phần đông cư dân hồi hương về vùng ven; đi kinh tế mới. Trong khi đó, thành phần mua bán, làm dịch vụ ngày càng giảm chỉ còn vài chục hộ lẻ tẻ. Nhiều cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đình đốn sản xuất, do thiếu phụ tùng, xăng dầu vận hành.
Từ thực tế này, khiến số người thất nghiệp càng nhiều, nên phát sinh thị trường chợ đen với nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Có thể ghi nhận: tình trạng lưu thông hàng hóa ách tắc; giao thông đi lại từ Vị Thanh đến Cần Thơ và các nơi bằng xe ngày càng giảm mạnh, phải chuyển sang tàu, đò. Điểm qua cơ sở vật chất, kỹ thuật nông nghiệp cũng rơi vào thế khó khăn, toàn thị trấn chỉ có 7 máy cày cùng đàn trâu ít ỏi. Trong khi có đến 2.619,51ha đất sản xuất, nhưng năng suất bình quân rất thấp, chỉ khoảng 2 tấn/ha. Người dân có tinh thần tăng gia sản xuất nhưng hiệu quả không cao. Năm 1976, sản lượng đạt 2.630 tấn/vụ. Về kinh tế vườn, chỉ có khoảng 2,4ha cây ăn trái, còn phần lớn là vườn tạp.
Kinh tế khó khăn, khiến các sinh hoạt văn hóa - xã hội thưa vắng: Rạp hát Mỹ Thanh lâu lắm mới có một vài gánh hát về. Khu hồ thủy tạ (hồ sen) không được sửa chữa, nên xuống cấp nặng, ít người lai vãng. Đường phố thị trấn khoảng 18 giờ chiều đã im vắng. Nhờ 2 máy phát điện, nên khu nội thị có điện đến 12 giờ, người dân lúc này chỉ có môn giải trí đắt nhất là xem truyền hình (Đài Cần Thơ).
Những năm 1978-1980, tình hình đời sống xã hội bộc lộ nhiều bất cập. Do ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt, sản xuất đình đốn, nên thị trấn có trên 50% hộ rơi vào cảnh nghèo khó, nhiều gia đình phải ăn độn, nhất là khi bước vào công cuộc cải tạo công thương nghiệp, rồi nông nghiệp.
Giai đoạn từ 1978-1986, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Hậu Giang, thị trấn Vị Thanh tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế.
Ở lĩnh vực công thương nghiệp: Sau bước đầu kiểm kê “cải tạo tư sản (X.1)” vào năm 1976 rồi bước vào cuộc cải tạo tư sản lần 2 (X.2) năm 1977; thị trấn phát động các cơ sở sản xuất đăng ký vào hợp doanh với nhà nước, thành lập các hợp tác xã mua bán để kịp thời thu mua nông sản hàng hóa; cũng như cung ứng các loại nhu yếu phẩm, vật tư nông nghiệp phục vụ đời sống và sản xuất.
Các ngành sản xuất của thị trấn gồm các cơ sở xay xát, lò đường, lò tương và sửa chữa cơ khí. Tuy nhiên, do lúa gạo ngày càng được kiểm soát chặt chẽ, lại thiếu phụ tùng, thiết bị thay thế, xăng dầu khan hiếm nên sản xuất thường bị đình trệ. Lúc này, các mặt hàng nhu yếu phẩm như: vải mặc, xà bông, đường, sữa, bột ngọt không đủ cung, đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, bắt đầu xuất hiện nạn đầu cơ, tích trữ, thị trường chợ đen lén lút hoạt động.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, thị trấn Vị Thanh cũng thực hiện cải tạo như những nơi khác, theo chủ trương của Trung ương và tỉnh Hậu Giang, nhằm xóa bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột của thực dân, phong kiến. Song song với thu hồi đất đai của những đối tượng địa chủ, phản động, tay sai của chế độ cũ để trang trải cho các hộ thiếu đất sản xuất - Chính quyền cách mạng tiến hành các nước hợp tác hóa nông nghiệp, tập thể hóa tư liệu sản xuất.
Trước hết, tiếp tục thực hiện trang trải đất đai, vận động nông dân vào làm ăn tập thể từ hình thức thấp “Tổ đoàn kết sản xuất”, rồi đến “Tập đoàn sản xuất”. Sau đó, tiến lên hình thức cao hơn là hợp tác xã nông nghiệp. Đầu năm 1978, thị trấn đã tổ chức được 97 tổ đoàn kết sản xuất. Dần dần, nâng chất để thành lập 3 Hợp tác xã nông nghiệp Vị Thắng, Vị Thành và Vị Hòa.
Ngày 3-5-1978, thị trấn Vị Thanh tiến hành đổi tiền lần thứ 2, thành công tốt đẹp. Theo chủ trương của tỉnh, huyện - nhiệm vụ trung tâm của thị trấn Vị Thanh là tập trung sản xuất nông nghiệp, mà chủ yếu là cây lương thực; phát động nhân dân “thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất lúa”, mở rộng diện tích vụ Hè thu, giảm dần lúa mùa. Tổ chức rầm rộ phong trào làm thủy lợi, dẫn nước vào nội đồng; mở rộng thêm diện tích cây khoai lang, hoa màu, cải tạo vườn tạp, làm kinh tế phụ gia đình tăng cường chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Tuy nhiên, thực tế tình hình đời sống, sản xuất tiếp tục diễn biến khó khăn, nhiều hộ nông dân về quê, đi kinh tế mới kết quả sản xuất không như mong muốn. Do phương thức canh tác lạc hậu, mặc dù được đầu tư khá nhiều công sức để cải tạo ruộng, vườn hoang hóa. Mặt khác, năm 1978-1979, cũng như nhiều nơi khác thị trấn Vị Thanh gặp phải nạn sâu rầy phá hại, rồi thiên tai lũ lụt bất thường...
Tháng 2-1982, huyện Long Mỹ chia tách thành huyện Long Mỹ và huyện Vị Thanh. Đây cũng là điều kiện tốt để thị trấn Vị Thanh tiếp tục làm tốt vai trò là thị trấn huyện lỵ, huyện Vị Thanh; thực hiện chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp; nhằm góp phần giải quyết tình trạng khó khăn về lương thực của đất nước.
Nguồn: Thị trấn Vị Thanh vượt khó, đổi mới xây dựng quê hương