Hiệp ước bảo vệ sự sống các đại dương chính thức được thông qua
Lượng lớn rác đại dương tràn lan tại bờ biển Vũng Tàu Rác thải nhựa: Mối hoạ đang xâm chiếm các đại dương |
Mới đây, hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới bảo vệ các vùng biển quốc tế đã được thông qua tại Liên hợp quốc, với tên gọi "Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia" (BBNJ), hay còn gọi là "Hiệp định Biển cả".
Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại. Đa số các nước đã hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua hiệp định và thể hiện ý định sớm ký và phê chuẩn để hiệp định sớm có hiệu lực, được thực thi đầy đủ và hiệu quả.
Hiệp ước này cũng là văn kiện thứ 3 thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Sau khi được Liên hợp quốc thông qua, hiệp ước cần được tối thiểu 60 nước thành viên Liên hợp quốc phê chuẩn để có hiệu lực áp dụng.
Thông qua hiệp ước này, một cơ quan mới nhằm quản lý việc bảo tồn sự sống ở đại dương và thiết lập các khu bảo tồn biển ở vùng biển quốc tế sẽ được xây dựng. Bên cạnh đó, hiệp định cũng thiết lập các quy tắc cơ bản để đánh giá tác động môi trường bởi các hoạt động thương mại và các nguyên tắc chia sẻ "nguồn gen biển" cho mục đích khoa học.
Hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới bảo vệ các vùng biển quốc tế đã được thông qua tại Liên hợp quốc, với tên gọi "Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia". |
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đây là một "thành tựu lịch sử", tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho việc mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế, vốn chiếm 60% diện tích các đại dương trên thế giới.
Ngoài ra, Việc thông qua Hiệp định có nhiều ý nghĩa quan trọng với các nước tham gia đàm phán, trong đó có Việt Nam, bởi việc đạt được sự đồng thuận về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia như bây giờ là nhờ một quá trình đàm phán kéo dài và phức tạp. Quá trình này đã kéo dài suốt 20 năm, từ các hoạt động trù bị cho Hội nghị liên chính phủ tới vận động tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Hiện nay, các nhà khoa học ngày càng nhận ra tầm quan trọng của các đại dương đối với sự sống con người. Đây là nơi tạo ra hầu hết lượng khí oxy mà con người hít thở hằng ngày, đồng thời giúp hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ khí thải CO2.
Ngoài ra, đại dương còn là “ngôi nhà” của các khu vực đa dạng sinh học, với các loài sinh vật có kích thước vi mô.
Hiện tại, hầu hết các khu vực biển được bảo vệ đều nằm trong lãnh hải của các nước thành viên Liên hợp quốc. Hiệp ước sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia, vốn đo bằng 200 hải lý (370km) tính từ đường cơ sở.
Hơn 60% đại dương nằm bên ngoài vùng EEZ. Hiệp ước cũng yêu cầu nghiên cứu tác động đối với môi trường từ các hoạt động như thăm dò, khai thác vùng biển sâu.
Văn kiện này cũng được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Ða dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal (Canada) tháng 12/2022.
Trong những năm qua, các hệ sinh thái đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khai thác thủy sản bừa bãi dù đây là nơi tạo ra tới 50% lượng oxy cho Trái Đất và góp phần quan trọng giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu nhờ hấp thụ phần lớn lượng CO2 thải ra từ hoạt động của con người.
Theo tổ chức Greenpeace, để đạt được mục tiêu sáng kiến 30x30, từ nay cho đến năm 2030, mỗi năm thế giới cần bảo vệ được 11 triệu km2 đại dương. Rất ít các vùng biển khơi được bảo vệ, trong khi vấn nạn ô nhiễm, axit hóa và đánh bắt cá quá mức đang là mối đe dọa ngày một lớn.
Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc từng nhấn mạnh, nếu Liên hợp quốc thông qua một thỏa thuận “mạnh mẽ và tham vọng,” thế giới có thể đạt được bước tiến quan trọng, đảo ngược xu hướng này và nâng cao “sức khỏe” của các đại dương cho thế hệ tiếp theo.
Nguồn:Hiệp ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ sự sống các đại dương chính thức được thông qua