Hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu bế tắc vì các nước bất đồng quan điểm
Các quốc gia Biển Đông Á cùng hành động để đối phó với ô nhiễm nhựa vì đại dương xanh Khi nhựa dùng một lần trở thành kẻ thù của thế giới |
Chai nhựa trên bãi biển Maccarese, phía Tây Rome, Italy |
Kỳ vọng xây dựng hiệp ước dựa trên khung pháp lý chung
Hơn 2.000 đại biểu đến từ 160 nước đã họp tại Uruguay trong vòng đầu tiên của 5 vòng đàm phán về ô nhiễm nhựa, đã được lên kế hoạch của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) thuộc LHQ về ô nhiễm nhựa nhằm hướng đến việc thiết lập một hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024.
Mức độ ô nhiễm nhựa gia tăng nhanh chóng là một vấn đề môi trường toàn cầu nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến các khía cạnh môi trường, xã hội, kinh tế và sức khỏe của sự phát triển bền vững.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, nhựa là nhiên liệu hóa thạch ở một dạng khác và kêu gọi các quốc gia giải quyết vấn đề ô nhiễm và sản xuất nhựa. Ông cũng thúc giục các nước nhìn xa hơn về vấn đề lãng phí và dừng sử dụng nhựa.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) dự báo, nếu không có các biện pháp can thiệp cần thiết, lượng rác thải nhựa xâm nhập vào các hệ sinh thái nước có thể tăng gần gấp ba lần, từ khoảng 9-14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2016 lên mức 23-37 triệu tấn mỗi năm vào năm 2040.
Tháng 3/2022, các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã nhất trí xây dựng một hiệp ước nhằm đối phó với thảm họa rác thải nhựa, nhưng hiện nay, họ vẫn có nhiều quan điểm bất đồng về các vấn đề chính, như có nên hạn chế sản xuất nhựa, loại bỏ dần các loại nhựa và hài hòa các quy tắc toàn cầu hay không.
Có hơn 40 nước tham gia liên minh tham vọng cao, bao gồm các nước thành viên EU, Thụy Sĩ, Ghana và nước chủ nhà Uruguay kỳ vọng, hiệp ước này được xây dựng dựa trên các biện pháp bắt buộc trên thế giới, bao gồm hạn chế sản xuất nhựa. Theo Thụy Sĩ, nếu không có khung pháp lý quốc tế chung, chúng ta sẽ không thể giải quyết thách thức toàn cầu ngày càng tăng về ô nhiễm nhựa.
Nguy cơ suy yếu hiệp ước toàn cầu
Tuy nhiên, mong muốn trên trái ngược với các cam kết mang tính quốc gia được ủng hộ bởi các nước như Mỹ và Saudi Arabia. Hai nước này cho rằng, kế hoạch quốc gia cho phép các chính phủ ưu tiên các nguồn lực và tập trung vào loại ô nhiễm nhựa nghiêm trọng nhất. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố, Mỹ cam kết hợp tác với các chính phủ và các bên liên quan khác trong suốt quá trình đàm phán của INC để phát triển một thỏa thuận toàn cầu đầy tham vọng, đổi mới và do quốc gia định hướng.
Washington mong muốn một hiệp ước giống với cấu trúc của Thỏa thuận khí hậu Paris, trong đó, các quốc gia đặt ra các mục tiêu và kế hoạch hành động giảm khí thải nhà kính của riêng họ.
Saudi Arabia hy vọng, Hiệp ước tập trung vào rác thải nhựa được xây dựng dựa trên cách tiếp cận từ dưới lên trên và dựa trên hoàn cảnh quốc gia.
Tuy vậy, các bên chỉ trích đánh giá, cách tiếp cận như vậy sẽ làm suy yếu một hiệp ước toàn cầu. Eirik Lindebjerg, lãnh đạo chính sách nhựa toàn cầu của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, mặc dù rất ít quốc gia phản đối mạnh mẽ nhưng điều này có nguy cơ làm suy yếu nghĩa vụ hành động của các quốc gia.
Tại các cuộc đàm phán ở Uruguay, các đại diện của ngành công nghiệp nhựa và hóa dầu đã đề cao vai trò thiết yếu của nhựa trong cuộc sống hàng ngày. Họ kêu gọi tập trung giải quyết rác thải nhựa hơn là các biện pháp làm suy yếu hoạt động sản xuất nhựa.
Ông Matt Seaholm, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội ngành công nghiệp nhựa (Mỹ), nói: “Chúng tôi hy vọng INC sẽ đi đến kết luận giống chúng tôi, đó là tăng cường tái chế nhựa sẽ cung cấp giải pháp tốt nhất để giảm rác thải nhựa”.
Tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) lo ngại, nếu không có một hiệp ước mạnh mẽ, sản lượng nhựa toàn cầu có thể tăng gấp đôi trong 10 -15 năm tới và tăng gấp ba lần vào năm 2050.
Một số nhà quan sát cho rằng, mặc dù một số quốc gia không thống nhất về cách tiếp cận mà hiệp ước nên thực hiện, nhưng dường như ngày càng có sự đồng thuận lớn về việc ô nhiễm nhựa không chỉ là rác thải nhựa kết thúc ở đại dương.
Ông Vito Buonsante, cố vấn chính sách của Mạng lưới loại bỏ chất gây ô nhiễm quốc tế (IPEN) nhấn mạnh: “Nhựa không còn được coi là vấn đề rác thải phổ biến. Mọi người đang thảo luận về nhựa như một vật liệu làm từ hóa chất ô nhiễm”.
Nguồn: Hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu bế tắc vì các nước bất đồng quan điểm