Khai thác lợi thế phát triển các ngành kinh tế biển
Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển |
Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển; 6/8 quận, huyện của thành phố tiếp giáp biển với hơn 92km bờ biển, 80% dân số đang sinh sống tại các quận, huyện ven biển. Thời gian qua, thành phố ban hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế biển nhằm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong các lĩnh vực cảng biển, du lịch biển, khai thác và chế biến hải sản...
Chương trình hành động về phát triển bền vững kinh tế biển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Địa phương này đặt mục tiêu đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Phát triển hài hoà các ngành kinh tế biển, từ du lịch và dịch vụ biển, đến phát triển kinh tế hàng hải với mục tiêu trở thành trung tâm cảng của miền Trung đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á, phát triển năng lượng tái tạo và khai thác hải sản bền vững… Mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển kinh tế biển bền vững và thịnh vượng.
Với vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, Đà Nẵng được định hướng phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm khu vực... Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ kinh tế biển, cùng với du lịch và công nghiệp công nghệ cao là 3 trụ cột để thành phố phát triển. Dự án Cảng Liên Chiểu là bước đi đầu tiên để hiện thực hoá tinh thần của Nghị quyết 43-NQ/TW cho sự phát triển của Đà Nẵng. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cảng biển Đà Nẵng cũng được xác định là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam.
Du lịch biển, đảo là một trong những sản phẩm được yêu thích nhất và được xác định là sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng. |
Cùng với nhiều chính sách và nỗ lực để thúc đẩy kinh tế biển, mới đây, ngày 08/2/2023, UBND thành phố đã ban hành văn bản số 514/UBND-SKHĐT triển khai thực hiện Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030. Với những chương trình hành động, Đà Nẵng phấn đấu nâng cao đóng góp của các ngành kinh tế biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước...
Với bờ biển dài 90km với nhiều bãi biển cát trắng mịn, sóng nước ôn hòa, nước ấm quanh năm, không sâu và có độ an toàn cao như: bãi biển Mỹ Khê, bãi biển Phạm Văn Đồng, bãi tắm Non Nước,… kết hợp với những loại hình du lịch thể thao biển, các khu nghỉ dưỡng sang trọng nằm gần biển… thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển ngành du lịch biển.
Để hiện thực hóa việc phát triển loại hình du lịch biển, đảo, vào tháng 5/2022, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ký ban hành quyết định 1315 về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng “Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cuối tháng 3/2023 tại kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong số đó đặt mục tiêu tổng quát xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á. Với sự đầu tư mạnh mẽ từ thành phố, Đà Nẵng sẽ càng chú trọng hơn để phát triển du lịch biển trong thời gian tới.
Khai thác tiềm năng du lịch biển luôn được ngành du lịch Đà Nẵng chú trọng bằng việc tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ, cùng các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch liên quan đến biển, để du lịch Đà Nẵng bứt phá, tạo điểm nhấn mới trong năm 2023. Du lịch biển, đảo là một trong những sản phẩm được yêu thích nhất và được xác định là sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của du lịch biển, ngành du lịch Đà Nẵng cũng đang từng bước tập trung các phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng biển từ trung đến cao cấp, du lịch MICE, du lịch văn hóa, thể thao. Song song đó, nhanh chóng triển khai các đề án liên quan đến du lịch biển như: "Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái"; "Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô"; "Quản lý và khai thác các bãi biển du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành" … để tạo sự đa dạng hấp dẫn cho du lịch biển thành phố trong tương lai.
Thành phố hướng tới mục tiêu hoàn thiện hạ tầng nghề cá,phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. |
Ngành khai thác và chế biến thủy hải sản cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đà Nẵng với khả năng khai thác trên 150.000-200.000 tấn hải sản hằng năm. Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư đồng bộ, phục vụ hiệu quả cho không chỉ ngư dân địa phương mà còn cho cả khu vực miền Trung. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, hiện nay, thành phố có hơn 1.200 tàu khai thác hải sản, cơ cấu tàu thuyền và nghề khai thác tại thành phố đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm mạnh các nghề khai thác cấm, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản như lưới kéo đôi, lưới kéo đơn, tăng các nghề khai thác vùng khơi có hiệu quả kinh tế và không gây cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản.
Đến nay trên địa bàn đã thành lập 94 tổ đoàn kết với 680 tàu cá tham gia. Cùng với sự phát triển về số lượng và cơ cấu tàu thuyền, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá tại Đà Nẵng những năm qua cũng được đầu tư, phát triển. Với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố, tạo thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo.
Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, địa phương này phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản toàn thành phố đạt 38.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 3 - 5%, sản lượng khai thác thủy sản chiếm 95 - 97%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 250 triệu USD. Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực gắn với ngư trường Hoàng Sa; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế biển, tạo các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm..
Đà Nẵng hướng đến mục tiêu phát triển thành một trung tâm kinh tế biển và trung tâm logistics lớn của Vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, cả nước và quốc tế. |
Cùng với các ngành kinh tế biển trên, Đà Nẵng còn có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi và là một trong những cửa ngõ hướng ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây, có tiềm năng trở thành một phần trong mạng lưới chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu do thuận lợi trong kết nối các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương... Đây chính là lợi thế tạo cơ hội lớn cho Đà Nẵng phát triển thành một trung tâm kinh tế biển và trung tâm logistics lớn của Vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, cả nước và quốc tế.
Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm. Quy hoạch Phát triển hạ tầng logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 5778/QĐ-UBND ngày 3/12/2018 và đã lồng ghép vào Đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg với tổng diện tích 229 ha, trong đó có 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Với lợi thế trong việc phát triển logistics, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư thích hợp, làm trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đến năm 2050 Đà Nẵng trở thành cửa ngõ chính ra biển của Hành lang kinh tế Đông – Tây và là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải châu Á – Thái Bình Dương. Đà Nẵng sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên thông, kết nối thuận lợi giữa hệ thống cao tốc, quốc lộ với đường vành đai, trục giao thông chính của thành phố đến cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực, theo chỉ đạo của Chính phủ, làm việc với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các trung tâm tài chính trên thế giới; đánh giá khả năng thu hút đầu tư khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng.
Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối trong nước, quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng biển Tiên Sa, hoàn thành xây dựng Cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt. Từ đó tạo sự năng động về kinh tế gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế…
Nguồn:Khai thác lợi thế phát triển các ngành kinh tế biển