Kiên Giang đầu tư 2 dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển
Kiên Giang đón nhận bằng di sản quốc gia Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực Kiên Giang: Tấm lòng của chủ quán bún đậu với người nghèo |
Với thực tế đó, đơn vị này đề xuất HĐND tỉnh Kiên Giang ban hành chủ trương đầu tư 2 dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển, gồm Dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần thuộc An Biên - An Minh và dự án đầu tư xử lý bờ biển thuộc địa bàn huyện Hòn Đất.
Theo đó, dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần thuộc An Biên - An Minh thực hiện giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn 2 huyện An Biên và An Minh, với chiều dài tuyến kè khoảng 15 km, kết cấu bằng bê tông cốt thép, tổng mức đầu tư khoảng 375 tỷ đồng. Dự án nhằm khắc phục, phòng chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển Tây trên địa bàn 2 huyện này, giúp tạo bãi gây bồi kết hợp trồng rừng phòng hộ ven biển, góp phần bảo vệ và cải thiện rừng ngập mặn, tạo tiền đề chuyển đổi diện tích trồng lúa sang sản xuất lúa - tôm, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Mặt khác, dự án góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường, ổn định khu dân cư, tạo điều kiện phát triển sinh kế, kinh tế trên diện tích khoảng 20.000 ha và hơn 30.000 người dân các xã ven biển khu vực dự án được bảo vệ an toàn, bền vững.
Tiếp đến, dự án đầu tư xử lý bờ biển thuộc huyện Hòn Đất thực hiện giai đoạn 2023 - 2025, với chiều dài tuyến kè khoảng 10 km, kết cấu bằng bê tông cốt thép, tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng. Dự án nhằm khắc phục, phòng chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển Tây khu vực huyện Hòn Đất (Kiên Giang), tạo bãi gây bồi kết hợp trồng rừng phòng hộ ven biển, góp phần bảo vệ và cải thiện rừng ngập mặn, tạo tiền đề chuyển đổi diện tích trồng lúa sang lúa - tôm, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo vệ ổn định khu dân cư, tạo điều kiện phát triển sinh kế, kinh tế cho diện tích khoảng 35.000ha và khoảng 60.000 người dân các xã ven biển của huyện Hòn Đất.
Kiên Giang được bố trí 500 tỷ đồng phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ, diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu cùng với nhiều yếu tố bất lợi khác đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Tây Nam bộ gây nên tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; trong đó, có Kiên Giang, xâm thực, xói lở bờ biển ngày càng khó lường và phức tạp.
Vì vậy, việc thực hiện 2 dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần thuộc An Biên - An Minh và dự án đầu tư xử lý bờ biển thuộc địa bàn huyện Hòn Đất sẽ bảo vệ, phòng chống sạt lở tuyến đê biển khu vực dự án, hỗ trợ sự phát triển tự nhiên, giảm sóng gây bồi tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn, bảo vệ đất sản xuất.
Cùng đó, khi 2 tuyến kè trong dự án hoàn thành kết hợp với các tuyến kè đã xây dựng hoàn thành trên tuyến đê biển hình thành hệ thống kè giảm sóng, tạo vành đai bảo vệ bờ biển đa tầng cho khu vực ven biển trên địa bàn các huyện An Biên, An Minh và Hòn Đất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ứng phóng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với kinh phí 4.000 tỷ đồng; trong đó, tỉnh Kiên Giang được bố trí 500 tỷ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi về kinh phí để tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện 2 dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần thuộc An Biên - An Minh và dự án đầu tư xử lý bờ biển thuộc địa bàn huyện Hòn Đất.
Kiên Giang là tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ, bờ biển dài khoảng 200km, từ Mũi Nai (TP. Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh), giáp tỉnh Cà Mau. Hiện tượng sạt lở bờ biển diễn ra theo mùa trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như dòng chảy từ thượng lưu về hạ lưu qua các sông, rạch thay đổi, đổ ra biển và những nguyên nhân, yếu tố bất lợi khác ảnh hưởng, gây sạt lở, xâm thực, xói lở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, sự xâm thực của biển và tình hình sạt lở hiện nay có xu hướng ngày càng mạnh hơn, mức độ sạt lở nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm.
Diện tích bãi bồi ven biển sạt lở trong 10 năm qua khoảng 500 ha, chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng ven biển từ 60 - 300 m. Một số khu vực ven biển trên địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất… tốc độ sạt lở có nơi mất đến 20 m rừng phòng hộ mỗi năm. Các đoạn bờ biển ngày càng bị xói lở, lấn sâu vào đất liền, đê biển, tác động bất lợi đến đời sống của cư dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục nghìn ha đất sản xuất vùng ven biển.
Ông Lê Hữu Toàn cho biết, vùng ven biển An Biên - An Minh, chiều dài bờ biển khoảng 59 km trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ven biển là rừng phòng hộ bảo vệ tuyến đê biển và diện tích đất sản xuất, sinh kế của người dân hơn 60.000 ha. Mặt khác, tỉnh đã và đang đầu tư kè phòng chống sạt lở tuyến bờ biển này 44 km, còn lại 15 km đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần cần ưu tiên đầu tư để khép kín toàn vùng ven biển An Biên - An Minh.
Tiếp đến, vùng ven biển huyện Hòn Đất, chiều dài bờ biển khoảng 51km, ven biển là rừng phòng hộ bảo vệ tuyến đê biển và diện tích đất sản xuất, sinh kế của người dân hơn 35.000 ha. Hiện trạng trên tuyến có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, mất rừng phòng hộ, sạt lở đến đê biển với tổng chiều dài khoảng 25 km. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư kè chống sạt lở được 6,5 km, còn lại khoảng 18,5 km bị sạt lở nặng cần đầu tư để kết hợp với các đoạn kè đã đầu tư xây dựng hoàn thành phát huy hiệu quả trong phòng chống sạt lở vùng ven biển Hòn Đất.
Nguồn:Kiên Giang đầu tư 2 dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển