Kinh tế toàn cầu thiệt hại 143 tỷ USD mỗi năm do thời tiết cực đoan
WMO: Thời tiết cực đoan đang trở thành điều "bình thường mới" Hậu quả của đánh đổi thời tiết lấy kinh tế |
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu thiên tai quốc tế của Tổ chức Khí tượng Thế giới, nơi đã ghi nhận tổn thất do thời tiết cực đoan tăng gấp 7 lần kể từ những năm 1970. Bằng cách sử dụng phương pháp Phân bổ sự kiện cực đoan, các nhà nghiên cứu có thể xem xét tác động trực tiếp của khí thải do con người gây ra đối với các hiện tượng thời tiết khi đưa ra ước tính chi phí. Trong số 185 hiện tượng thời tiết được phân tích, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 64% thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra có thể là do bão, 16% do nắng nóng, 10% do lũ lụt và hạn hán và 2% do cháy rừng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, thiệt hại 143 tỷ USD mỗi năm, vẫn chưa phải là mức đánh giá đầy đủ vì hầu như không có dữ liệu về tổn thất liên quan đến thảm họa thiên tai ở các nước nghèo. Tổng số này cũng không tính đến tổn thất bổ sung do sản lượng giảm và mực nước biển dâng cao. Tổng thiệt hại trung bình nêu trên bao gồm tổn thất về người (90 tỷ USD) và thiệt hại về kinh tế (53 tỷ USD).
Nghiên cứu lưu ý những năm thiệt hại nặng nề nhất do thời tiết cực đoan trong thời gian nói trên gồm năm 2003 khi một đợt nắng nóng khắc nghiệt hoành hành ở châu Âu; năm 2008 khi cơn bão Nargis quét qua Myanmar; và năm 2010, khi Somalia và Nga lần lượt bị hạn hán và hứng chịu nắng nóng. Theo nghiên cứu, trong 2 thập kỷ nói trên, 1,2 tỷ người trên thế giới đã phải hứng chịu thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại trung bình mỗi năm 143 tỷ USD đối với nền kinh tế toàn cầu. |
Trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc COP27 vào năm 2022, các quốc gia đã thành lập Quỹ Tổn thất và Thiệt hại để viện trợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Các nước G20 chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải toàn cầu, nhưng các nước đang phát triển lại chịu phần lớn thiệt hại. Trong khi đó, nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho thấy hỗ trợ tài chính giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình chịu thiệt hại hiện thấp hơn nhu cầu ước tính từ 5 đến 10 lần và cần phải chi 300 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030 để bù đắp tổn thất.
Một số ước tính chi phí liên quan đến biến đổi khí hậu đã được thực hiện trong những năm gần đây, sử dụng các phương pháp tính toán khác nhau. Trong khi gần như tất cả đều tiết lộ tổn thất kinh tế cao đáng kinh ngạc do khủng hoảng khí hậu, các ước tính cũng chỉ ra những cách chuyển đầu tư sang các dự án năng lượng tái tạo và bền vững cũng như hỗ trợ kinh tế cho các nước thu nhập thấp và trung bình có thể giúp đảo ngược xu hướng này.
Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến xác suất các đợt nắng nóng ngay giữa mùa đông ở Nam Mỹ cao gấp 100 lần. Nhiệt độ nóng lên toàn cầu là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan hâm nóng phần lớn lục địa Nam Mỹ trong hầu hết tháng 8 và 9. Nhiệt độ ỏ đây đã tăng tới 4,3 độ C. Trên khắp phần lớn Brazil, Paraguay, Bolivia và Argentina, nhiệt độ tăng vọt trên 40°C vào cuối mùa đông và kéo dài đến mùa xuân.
Tuần trước, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết năm nay đang trên đà trở thành năm nóng nhất thế giới từng được ghi nhận. Các đợt nắng nóng mùa hè được ghi nhận ở Bắc bán cầu - gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - sẽ là tác nhân chính góp phần vào kỷ lục đó. Nghiên cứu cảnh báo rằng nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu đạt mức nóng hơn 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các đợt nắng nóng tương tự trong khu vực Nam Mỹ được dự đoán sẽ xảy ra cứ 5 hoặc 6 năm một lần.
Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng các quốc gia chưa thực hiện đủ nỗ lực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các mục tiêu khí hậu quốc gia hiện tại khiến thế giới có xu hướng ấm lên thêm 2,5°C (thay vì mục tiêu không để nhiệt độ vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp).
Tại Amazon của Brazil, nắng nóng đi kèm với hạn hán nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt, gây ô nhiễm, nguồn nước không thể uống được và người dân bản địa phải yêu cầu chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Trong khi đó, Argentina đang phải đối mặt với nạn cháy rừng do nắng nóng dữ dội và gió mạnh. Hàng chục người đã được sơ tán khỏi nhà khi lính cứu hỏa nỗ lực kiểm soát đám cháy ở tỉnh miền Trung Córdoba.
Nguồn:Kinh tế toàn cầu thiệt hại 143 tỷ USD mỗi năm do thời tiết cực đoan