Ngân hàng MSB bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc trong bối cảnh nợ xấu hơn 4.200 tỷ đồng
Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB, mã: MSB) đã có thông báo về việc tiếp tục bổ nhiệm bà Đinh Thị Tố Uyên giữ chức vụ phó tổng giám đốc MSB - giám đốc Khối chiến lược. Quyết định có thời hạn 3 năm, kể từ ngày 17/2.
Bà Đinh Thị Tố Uyên là Cử nhân Kinh tế tại Trường Đại học Ngoại Thương. Bà có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing & Truyền thông nắm giữ các vị trí cao cấp tại các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước như: Giám đốc Marketing và Thương hiệu Techcombank; Giám đốc Marketing & Phát triển Kinh doanh British Petroleum (BP); Trưởng Phòng Marketing Shell Gas Vietnam …
Bà Đinh Thị Tố Uyên tiếp tục bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc ngân hàng MSB trong bối cảnh nợ xấu ở mức cao. |
Tháng 5/2015, bà gia nhập MSB và giữ chức vụ giám đốc Khối Marketing & Truyền thông, giám đốc Khối chiến lược. Đến tháng 4/2022, bà Uyên được bổ nhiệm giữ chức vụ phó tổng giám đốc MSB – giám đốc Khối chiến lược, quyết định có hiệu lực đến giữa tháng 2/2024.
Với quyết định bổ nhiệm trên, hiện Ban điều hành của MSB đang có 16 thành viên, trong đó ông Nguyễn Hoàng Linh giữ chức tổng giám đốc.
Với định hướng chiến lược trở thành ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, mang lại trải nghiệm thuận ích để cùng khách hàng và đối tác vươn tầm, MSB đã và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, đưa văn hóa làm việc số Agile trở thành DNA của Ngân hàng.
Các dự án công nghệ tại MSB được đầu tư bài bản với sự trợ giúp của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới nhằm số hóa, tự động hóa nhanh chóng hành trình phục vụ khách hàng và các quy trình vận hành trọng yếu. Từ đó, các dự án này giúp tối ưu hiệu quả hoạt động và gia tăng lợi thế cạnh tranh cho MSB dựa trên những sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng thuận tiện trên môi trường số, đặc biệt hướng tới khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Mục tiêu của mảng bán lẻ là hoàn thiện mô hình kinh doanh theo từng phân khúc cụ thể, đặt khách hàng làm trọng tâm. Sự trợ lực của các dự án số hóa và giải pháp số đang thúc đẩy chuyển dịch hoạt động dịch vụ và cung cấp giải pháp qua kênh online. Từ đó, bản đồ số hóa trong tổng thể hành trình phục vụ khách hàng đang được nâng cao, hướng tới đáp ứng hoàn hảo nhu cầu người dùng.
Ngân hàng cũng áp dụng hệ thống đánh giá rủi ro môi trường - xã hội theo chuẩn quốc tế trong quá trình phê duyệt khoản vay và đang trong quá trình xây dựng hệ thống này cho nghiệp vụ tài trợ thương mại. Trong năm 2024, MSB định hướng tập trung hướng xây dựng ngân hàng xanh, hỗ trợ hiệu quả hơn các ngành kinh tế xanh, tiếp tục nghiên cứu và xây dựng sản phẩm mới cho tệp khách hàng có yếu tố phát triển bền vững.
Về tình hình kinh doanh tại MSB, năm 2023, MSB lãi trước thuế hơn 5.800 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước. Như vậy, thực hiện được 93% mục tiêu 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm vừa qua.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của MSB tăng 25,5% so với cùng kỳ, lên 267.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 23,6%, đạt hơn 149.000 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2023, tổng nợ xấu của MSB ghi nhận 4.281 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,71% hồi đầu năm lên mức 2,87% vào cuối năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 67% so với đầu năm, ghi nhận 1.032 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) bất ngờ tăng gấp hơn 3 lần, từ 442,8 tỷ đồng lên gần 1.441 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng mạnh 79% lên hơn 1.807 tỷ đồng.
Đáng nói, ngân hàng MSB còn đang "ôm" gần 2.643 tỷ đồng nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng 58% so với đầu năm. Nợ nhóm 2 dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn tăng cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Nguồn:Ngân hàng MSB bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc trong bối cảnh nợ xấu hơn 4.200 tỷ đồng