Ngành tài chính nỗ lực vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
“Chuyển dịch xanh” – Hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) Tài chính xanh cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 - Khơi thông nguồn lực tạo bước đột phá |
Ngày 27/6, Hội thảo “Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu” do VTV tổ chức với mục tiêu góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh, đưa nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thực hiện cam kết về Net Zero phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và hội nhập cùng xu hướng phát triển của thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương về phát triển kinh tế xanh, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo |
Ông cũng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu, có khả năng đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia, cộng đồng. Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu đang có xu hướng, diễn biến ngày càng phức tạp cả về mức độ lẫn tần suất.
Bộ trưởng cho biết, thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, trong thời gian qua, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương này, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh.
Trong đó, hệ thống chính sách thuế đã hướng đến bảo vệ môi trường, thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách.
Một là, các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường…
Hai là, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể:
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đối với thuế giá trị gia tăng, quy định tiền chuyển nhượng quyền phát thải (tín chỉ các-bon) không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng; quy định các hàng hóa, dịch vụ góp phần xanh hoá nền kinh tế, không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi thuế suất đối với những sản phẩm như xăng sinh học, xe ô tô thân thiện với môi trường...
Về chi ngân sách nhà nước, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm đã được bố trí đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối và đạt tỷ lệ khoảng 1,2% tổng chi ngân sách nhà nước.
Qua đó đã tạo nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia,... Bình quân 5 năm trở lại đây, bố trí chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường đạt trên 21.000 tỷ đồng mỗi năm.
Chi ngân sách nhà nước trên 21.000 tỷ đồng mỗi năm cho sự nghiệp môi trường |
Đối với chi đầu tư, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu. Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2025 được bố trí ở mức khoảng 23.500 tỷ đồng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.
Đối với thị trường carbon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.
Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn:Ngành tài chính nỗ lực vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050