Hà Nội: 15°C
Thừa Thiên Huế: 17°C
TP Hồ Chí Minh: 25°C
Quảng Ninh: 11°C
Hải Phòng: 16°C

Ngoại giao kinh tế trong đổi mới và hội nhập quốc tế

Ngoại giao kinh tế ra đời cùng với các mối quan hệ kinh tế giữa các nước trong quan hệ quốc tế. Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế đã và đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng, mang tính quyết định trong các hoạt động ngoại giao của một quốc gia. Trên cơ sở phân tích vai trò của ngoại giao kinh tế trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, bài viết gợi mở một số giải pháp thúc đẩy, phát huy hiệu quả của ngoại giao kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Cuốn sách của Tổng Bí thư: 'Kim chỉ nam' cho công tác đối ngoại
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế năm 2023 - Ảnh: baochinhphu.vn

Ngoại giao là chìa khóa kiến tạo, củng cố và phát triển các mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quân sự... của một quốc gia với thế giới. Xác định vai trò quan trọng của công tác đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao kinh tế đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta chú trọng đổi mới tư duy lý luận, từ đó đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức, chủ trương, quan điểm cũng như áp dụng, triển khai các chính sách ngoại giao kinh tế trong thực tiễn mang lại hiệu quả. Nhờ đó, ngoại giao kinh tế ngày càng có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, tham mưu tư vấn xây dựng các chính sách kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về kinh tế với các đối tác có nền kinh tế phát triển trong khu vực và thế giới; khai mở thị trường hàng hóa; thu hút đa dạng đối tác nước ngoài cũng như nguồn vốn FDI; qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường lao động, thu hút khách du lịch quốc tế..., góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam năng động và hội nhập với quốc tế.

1. Ngoại giao kinh tế từ góc độ lý luận

Hoạt động ngoại giao hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích kinh tế cho các nước ra đời từ sớm, manh nha là các hoạt động thương mại giữa các quốc gia. Ngày nay, ngoại giao kinh tế phát triển rộng với nhiều nội dung, hình thức mới và là một trong những hoạt động trọng tâm của hoạt động ngoại giao.

Theo cách hiểu phổ quát, ngoại giao kinh tế là việc thực hiện các biện pháp kinh tế trong hoạt động ngoại giao với mục tiêu đem lại lợi ích kinh tế tối đa, từ đó xây dựng các chính sách, triển khai các hoạt động đối ngoại, ngoại giao tương ứng trong thực tế. Trong phạm vi hẹp, ngoại giao kinh tế là các hoạt động ngoại giao được tiến hành bằng các biện pháp có tính kinh tế nhằm đạt được mục đích về lợi ích kinh tế. Xét theo nghĩa rộng hơn, ngoại giao kinh tế không chỉ là các hoạt động mang lại lợi ích kinh tế mà bao hàm trong đó là các lợi ích chính trị, an ninh và được thực hiện là thông qua các biện pháp kinh tế...

Trong A Dictionary of Diplomacy, Berridge và James cho rằng: Ngoại giao kinh tế liên quan đến các vấn đề chính sách kinh tế, ngoại giao kinh tế sử dụng các nguồn lực kinh tế hoặc là phần thưởng hoặc các biện pháp trừng phạt, nhằm theo đuổi một mục tiêu chính sách đối ngoại cụ thể(1).

Tại Việt Nam, Nghị định 08/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10-02-2003 “về hoạt động của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế” nêu rõ: ngoại giao kinh tế là hoạt động nhằm thúc đẩy thương mại, hợp tác về đầu tư, khoa học công nghệ, du lịch, lao động, dịch vụ, thu ngoại tệ; đồng thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hoạt động kinh tế đối ngoại.

Như vậy, đặc trưng trong nội hàm khái niệm ngoại giao kinh tế là sự đa dạng về mặt chủ thể thực hiện, nhưng đều có chung mục đích là thúc đẩy các hoạt động thương mại, kinh tế của quốc gia phát triển.

Giữa ngoại giao và kinh tế có mối quan hệ biện chứng. Xuất phát từ các mục tiêu kinh tế, hoạt động ngoại giao xây dựng các mối quan hệ với các quốc gia khác nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Tùy theo tính chất và tiến độ cần đạt được của các mục tiêu kinh tế mà các chính sách đối ngoại sẽ được xây dựng, điều chỉnh về đối tượng, đối tác; về mức độ tập trung ưu tiên; cấp độ vĩ mô hoặc vi mô, tính chất dài hạn hoặc ngắn hạn. Do đó, những thay đổi trong các mục tiêu kinh tế sẽ ảnh hưởng, làm thay đổi, điều chỉnh căn bản trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia trong từng bối cảnh. Mặt khác, yếu tố tài chính cùng cơ sở vật chất là tiền đề bảo đảm cho mọi hoạt động đối ngoại, trong đó có hoạt động ngoại giao.

Ngược lại, tính chất và mức độ của hoạt động ngoại giao là nền tảng, cơ sở để tiến hành hoạt động kinh tế đối ngoại giữa một quốc gia với các nước khác trên thế giới. Do đó, mức độ thực hiện các hoạt động ngoại giao có ảnh hưởng, góp phần thúc đẩy và hỗ trợ các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các quốc gia. Ngoại giao là phương tiện thiết lập các mối quan hệ, xây dựng cơ sở pháp lý và tạo môi trường để hoạt động kinh tế đối ngoại được triển khai thuận lợi nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho quốc gia. Trên cơ sở kết quả của các hoạt động ngoại giao, chính phủ và các cơ quan chức năng của mỗi quốc gia sẽ đưa ra quyết sách về mục tiêu và chính sách kinh tế hợp lý để các chính sách đối ngoại đạt được hiệu quả kinh tế tối đa.

Lịch sử quan hệ quốc tế giữa các nước trên thế giới cho thấy, hoạt động kinh tế đối ngoại có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các quốc gia. Các nước có mối quan hệ ngoại giao gắn bó, thân thiết thì mức độ triển khai các hoạt động kinh tế giữa họ càng lớn, do đó hoạt động ngoại giao kinh tế có sự phát triển nhanh trên cả bề rộng lẫn chiều sâu, cả về chất và lượng.

Trường hợp của Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc là minh chứng điển hình cho sự ảnh hưởng của hoạt động ngoại giao đối với kinh tế đối ngoại. Trong 70 năm qua, hai nước đình chiến, quan hệ giữa hai nước tuy có lúc hòa dịu nhưng chủ yếu vẫn luôn ở trong tình trạng căng thẳng, do đó quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai bên không thể triển khai. Trong khi đó, ở một bối cảnh khác, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc cho thấy sự ảnh hưởng tích cực từ hoạt động ngoại giao đối với kinh tế đối ngoại. Từ năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc trở thành “Đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI”, là “Đối tác hợp tác chiến lược” năm 2009 và “Đối tác chiến lược toàn diện” năm 2022. Hai nước đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, hợp tác phát triển, từ đó mang lại nhiều lợi ích kinh tế lớn cho hai bên.

2. Ngoại giao kinh tế trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế

Thứ nhất, ngoại giao kinh tế góp phần quan trọng trong hoạch định đường lối, xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế đất nước

Các hoạt động ngoại giao kinh tế là một trong những cơ sở để Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan hoạch định đường lối đối ngoại; xây dựng chủ trương và xác định các chính sách phù hợp, đặc biệt là chính sách đối ngoại hướng đến mục tiêu kinh tế; đồng thời xây dựng thể chế kinh tế phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận, kết quả của các hoạt động ngoại giao, trong đó có ngoại giao kinh tế là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta xác định và thực hiện chủ trương bình thường hóa, thúc đẩy quan hệ đối tác với Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển; xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực, tiến tới gia nhập ASEAN... và tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ đó, Việt Nam đã thoát khỏi vòng cấm vận và từng bước hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và dần trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, tin cậy của nhiều đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi ngành ngoại giao triển khai thực hiện Nghị định số 08/2003/NĐ-CP ngày 10-02-2003 của Chính phủ về hoạt động của cơ quan đại diện ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh đổi mới toàn diện và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hoạt động ngoại giao kinh tế của Việt Nam đã có nhiều đổi mới, gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với phương châm “đột phá - mở đường, tham mưu - thông tin, song hành - hỗ trợ, đôn đốc triển khai”, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, ngoại giao kinh tế góp phần mở rộng các quan hệ song phương; thúc đẩy các quốc gia tham gia các thể chế đa phương trong khu vực và toàn cầu

Ngoại giao kinh tế góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thể hiện nổi bật trong các hoạt động ngoại giao kinh tế, mở rộng quan hệ song phương; thúc đẩy tham gia các thể chế đa phương trong khu vực và toàn cầu. Trong quan hệ song phương, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần tích cực thúc đẩy các mối quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước lớn để phục vụ kinh tế. Trong tham gia các thể chế đa phương khu vực, toàn cầu và hội nhập quốc tế, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần tích cực trong thiết lập quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước châu Á, châu Âu, châu Đại Dương, châu Mỹ, châu Phi. Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đã triển khai quan hệ hợp tác đa phương để phục vụ kinh tế như: xây dựng, vun đắp mối quan hệ Việt Nam - ASEAN, Việt Nam - EU, trở thành thành viên tích cực của ASEM, gia nhập APEC và UN.

Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế Việt Nam đã góp phần tích cực trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương với nhiều nước ở khắp các châu lục. Đến năm 2021, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, qua đó tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi bên và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới(2). Nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác song phương với các quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược trong thời kỳ mới, Việt Nam đã nâng tầm “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc (năm 2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016). Đây là minh chứng phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ Việt - Trung, Việt - Nga, Việt - Ấn thời gian qua.

Cùng với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác là bạn bè truyền thống, quan hệ kinh tế, quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và các đối tác cũng từng bước được cải thiện.

Với các nước ASEAN, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cao cấp với 9/9 nước thành viên, trong đó có 5 nước là Đối tác chiến lược và 2 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại là Campuchia và Lào là quan hệ đặc biệt. Các hoạt động này góp phần nâng cao tầm vóc và chất lượng hợp tác với các quốc gia, củng cố hơn nữa vị thế quốc tế của Việt Nam, phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.

Với chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, ngoại giao kinh tế Việt Nam đã tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, đa dạng về cấp độ, hình thức, phương thức và có nhiều chuyển biến cả về số lượng (hơn 70 cơ chế, tổ chức) và chất lượng(3).

Trong hợp tác kinh tế đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại các cơ chế khu vực và quốc tế quan trọng như: WTO, APEC, ASEM, ASEAN, Hợp tác tiểu vùng Mê Kông, v.v., qua đó mở ra nhiều cơ hội thương mại và đầu tư mới cho Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và phát triển xuất khẩu, tăng trưởng GDP.

Việt Nam hiện đã phát huy tốt vai trò thành viên tích cực trong Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, Chủ trì Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hội đồng Kinh tế - Xã hội ECOSOC nhiệm kỳ 2016 - 2018 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Thứ ba, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Thông qua các hoạt động ngoại giao cụ thể, tích cực, chủ động, đặc biệt là chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác lớn, thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, ngoại giao kinh tế Việt Nam đã tranh thủ được nguồn ngoại lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 244 thị trường và đối tác, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng và gia tăng dòng vốn FDI từ các đối tác hàng đầu trên thế giới. Đến năm 2022, Việt Nam đã thu hút được các nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 36.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 440 tỷ USD. Đã có 71 nước công nhận thể chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 - 2019 của Việt Nam đạt 6,26% (bình quân thế giới là 3,69%), quy mô GDP từ 66,4 tỷ USD năm 2006 tăng lên 261,6 tỷ USD năm 2019, GDP bình quân đầu người từ 797 USD năm 2006 tăng lên 1.154 USD năm 2008, đưa Việt Nam bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, đến năm 2019 đạt 2.740 USD(4). Thông qua các hoạt động ngoại giao, nhiều đối tác lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... đã có nhiều dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong các lĩnh vực then chốt như: giáo dục, y tế, kết cấu hạ tầng..., góp phần thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Một trong những thành tựu nổi bật của ngoại giao kinh tế Việt Nam trong hội nhập quốc tế đầu thế kỷ XXI là việc tham gia đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương đã có nhiều đóng góp lớn trong việc đàm phán và ký kết thành công các FTA song phương, đa phương với các đối tác lớn trên thế giới. Qua đó, giúp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đồng thời tạo ra những động lực đổi mới trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến năm 2021, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 FTA, trong đó có 14 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, 03 FTA đang đàm phán (gồm RCEP (ASEAN+6); Việt Nam - EFTA và Việt Nam - Ítxaren). Các FTA này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường thế giới, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Trong đó, việc Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết thành công 02 FTA thế hệ mới là CPTPP (có hiệu lực từ ngày 14-01-2019) và EVFTA (có hiệu lực từ ngày 01-8-2020) góp phần nâng tầm vị thế đất nước trong cộng đồng quốc tế.

3. Giải pháp phát huy hiệu quả ngoại giao kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, cạnh tranh và hợp tác sẽ tiếp tục tồn tại song song, tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ có xu hướng trỗi dậy nhiều hơn trước, đặc biệt là khi các cường quốc đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện và sức ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu. “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn”(5). Phát triển bền vững trở thành xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới; trong đó kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và tăng trưởng xanh là những mô hình phát triển đang được nhiều quốc gia lựa chọn. Mặt khác, những ảnh hưởng sâu rộng và đa chiều từ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Trước những thách thức và cơ hội của hội nhập quốc tế sâu rộng đem lại, hoạt động ngoại giao kinh tế của Việt Nam cần đổi mới trên mọi phương diện, cả về hình thức và nội dung theo phương châm “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế”(6).

Nhằm tăng cường phát huy hiệu quả của ngoại giao kinh tế trong xu hướng vận động mới của thế giới, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, các chủ trương về ngoại giao kinh tế của đất nước cần tiếp tục bám sát xu thế phát triển của kinh tế thế giới. Các cơ quan, bộ, ngành chức năng liên quan cần nhanh nhạy, kịp thời tham mưu Đảng và Chính phủ những chiến lược phát triển kinh tế phù hợp với bối cảnh khu vực và thế giới với các nhiệm vụ cụ thể và giải pháp khả thi, từ đó góp phần tích cực mang lại lợi ích cho đất nước trên mọi phương diện, bao gồm lợi ích kinh tế.

Thứ hai, hiện nay, các tổ chức quốc tế, các cơ chế đa phương, các đối tác phát triển đang quan tâm và chú trọng, ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho các dự án mang tính cộng đồng, toàn cầu, như: chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số. Ngoại giao kinh tế của Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng đó. Các hoạt động ngoại giao không chỉ cần phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước mà còn cần đẩy mạnh xu thế hợp tác kinh tế xanh, kinh tế số nhằm thu hút tốt hơn sự quan tâm của các đối tác. Do đó, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tăng cường thúc đẩy hợp tác với các đối tác nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, gia tăng tốc độ và sức mạnh tổng thể phục vụ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nước trên cơ sở bảo đảm thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Thứ ba, tăng cường sử dụng công nghệ mới, tiên tiến, đặc biệt là các kết quả công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm mang lại hiệu quả tối đa.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của các chủ thể hoạt động kinh tế đối ngoại. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm mang lại các kết quả tích cực, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, thúc đẩy hiệu quả hội nhập quốc tế và không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Ngoại giao kinh tế đã và đang là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta chủ trương gắn kết chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, gắn kết ngoại giao với kinh tế. Trong thời kỳ đổi mới, ngoại giao kinh tế Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Những kết quả đạt được tuy còn chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng đã tạo tiền đề quan trọng để hoạt động ngoại giao kinh tế Việt Nam tiếp tục triển khai mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về đường lối, thể chế, nguồn lực và hợp tác sẽ góp phần hữu hiệu trong nâng cao hiệu quả, bảo đảm kết quả các hoạt động ngoại giao, góp phần mang lại tối đa lợi ích kinh tế cho quốc gia.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)

Ngày nhận bài: 4-8-2023; Ngày bình duyệt: 18-8-2023; Ngày duyệt đăng: 24-8-2023.

(1) G.R.Berridge, A.James: A Dictionary of Diplomacy, Basingstoke, 2023.

(2) Vũ Văn Hiền: Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại theo Cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn.

(3) Lê Hoài Trung: Đối ngoại đa phương góp phần đẩy mạnh hội nhập, tăng cường sức mạnh đất nước, 2019, https://baoquocte.vn.

(4) International Monetary Fund: Gross Domestic Product (GDP), 2020, https://imf.org/datamapper/datasets/WEO/1.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.105.

(6) Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10-8-2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

NGUỒN: Ngoại giao kinh tế trong đổi mới và hội nhập quốc tế

TS BÙI THỊ HUYỀN

Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

lyluanchinhtri.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước

Đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước
Tỉnh Long An luôn xác định "nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương". Vậy nên tỉnh đã đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước nhằm bảo vệ tài nguyên nước mặt, nước ngầm, tránh ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Hoa hậu Thùy Tiên hóa ‘chiến thần livestream’ để ‘chốt đơn’

Hoa hậu Thùy Tiên hóa ‘chiến thần livestream’ để ‘chốt đơn’
Sau Linh Miêu, Hoa hậu Thùy Tiên tiếp tục 'chốt đơn' dự án điện ảnh mới.

Thua sốc Philippines, tuyển Thái Lan nhận tin kém vui từ FIFA

Thua sốc Philippines, tuyển Thái Lan nhận tin kém vui từ FIFA
Thua sốc Philippines, đội bóng xứ chùa Vàng còn phải đón nhận tin kém vui từ FIFA.

Nông nghiệp tiếp tục “bứt phá” trong xuất khẩu

Nông nghiệp tiếp tục “bứt phá” trong xuất khẩu
Nông nghiệp Việt Nam năm 2024 vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhờ đó nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất siêu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam nhờ đó đã đạt nhiều kỷ lục mới với 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.

Trung Quốc lên kế hoạch xây đập thuỷ điện lớn nhất thế giới

Trung Quốc lên kế hoạch xây đập thuỷ điện lớn nhất thế giới
Trung Quốc đã phê duyệt việc xây dựng một đập thủy điện khổng lồ tại Tây Tạng. Đây sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới với công suất gấp ba lần công trình đập Tam Hiệp.
Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Gửi tương lai

Net Zero - Gửi tương lai

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

5 Minute Countdown Timer

5 Minute Countdown Timer

Need a 5 minute timer for your next event? Look no further! This timer is perfect for morning services, youth sessions, ceremonies, church meetings, and many other things! Enjoy this nice and simple universal design to fit whatever you need it for.
Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

The milky way is such a common subject to shoot for stills and timelapse. While many sequences feature wide-angle shots of our home galaxy, there seem to be lacking many close-ups (medium format, deep-sky timelapse). That's how I made the latter my specialty over the past 4 years, with a hand-crafted workflow that enabled me to produce some of the best detailed/colored time lapses of the milky way on the market for that resolution.
NOX ATACAMA | 8K

NOX ATACAMA | 8K

The Atacama desert is home to the darkest and cleanest skies in the world. A view to the nightsky rewards with uncountable numbers of stars and fantastic nebulas in one of the most quiet a empty places on earth. Not a single noise distracts from the grand show the nightsky has to offer. The environment is harsh though. Filmed in freezing temperatures, altitudes up to 5000m/16000ft, salt lakes and icy slopes, the Atacama is not friendly to life and equipment. Though it provides without doubt for epic and vast vistas of one of the greatest landscapes on earth.