Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Ảnh minh họa: IT |
1. Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình C.Mác phân tích chủ nghĩa tư bàn và xây dựng nên chủ nghĩa xã hội khoa học
Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn được C.Mác đặt vấn đề một cách tổng quát trong Hệ tư tưởng Đức và được thể hiện phong phú trong nhiều vấn đề lý luận cũng như quá trình tổng kết thực tiễn cách mạng châu Âu sau năm 1848. C.Mác viết: “Sự sản xuất ra những ý niệm, những quan niệm và ý thức thì lúc đầu là trực tiếp gắn liền mật thiết với hoạt động vật chất và với sự giao tiếp vật chất của con người - ngôn ngữ của cuộc sống hiện thực”(1). Những khuynh hướng duy tâm trong nhận thức mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn được mô tả là: “Chính con người là kẻ sản xuất ra những quan niệm, ý niệm, v.v. của mình... Ý thức... không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là sự tồn tại được ý thức..., và tồn tại của con người là quá trình đời sống hiện thực của con người”(2). Theo C.Mác, ý thức của con người nảy sinh và hình thành đồng thời với hoạt động của con người. Do vậy, những tư tưởng cách mạng hình thành trong các hoạt động cách mạng, những tư tưởng XHCN hình thành trong phong trào hiện thực xây dựng CNXH của đông đảo quần chúng nhân dân.
C.Mác cho rằng, đời sống xã hội là tổng thể những mối liên hệ phong phú, đa dạng, phức tạp của nhiều chủ thể xã hội. Xã hội công nghiệp hiện đại phát triển từ sự vận động của các chủ thể xã hội tạo nên. Tuy nhiên, trong các xã hội khác nhau, các chủ thể quyết định nhất đến sự phát triển của xã hội là khác nhau. Từ trong lòng chế độ phong kiến, khi người nông dân gia nhập hàng ngũ công nhân làm thuê cho CNTB là họ tham gia vào hình thành một cuộc sống xã hội mới, phát triển hơn. Với chiêu bài kêu gọi dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, giai cấp tư sản thu hút được sự quan tâm của nông dân. Họ có được sự tự do hơn trong chế độ phong kiến. Nhưng, trên thực tế, khi gia nhập vào phương thức sản xuất TBCN, người công nhân rơi vào tình cảnh “tha hóa của lao động” trong CNTB. C.Mác phân tích bản chất, nguyên nhân, con đường và cách thức diễn ra sự tha hóa trong lao động của người công nhân trong thực tiễn của CNTB. Từ đây, ông bắt đầu hình thành lý luận CNXH khoa học.
Khi đặt nền tảng lý luận cho CNXH khoa học, C.Mác đã tổng kết sâu sắc phong trào công nhân. Năm 1880 (trước khi mất 3 năm), C.Mác đã xuất bản một bộ bảng hỏi với 101 câu hỏi về điều kiện làm việc, tiền lương, giờ làm, ảnh hưởng của chu kỳ thương mại, cũng như về các tổ chức bảo vệ công nhân, đình công, các hình thức đấu tranh khác và kết quả của chúng(3). Bảng hỏi này được xuất bản trên tờ Parisian Revue Sociale không phải để cung cấp số liệu cho cuộc điều tra xã hội học hay là số liệu cho thống kê kinh tế, mà là cách thức để C.Mác thông tin tới công nhân những vấn đề của họ, giúp họ có thể mô tả với đầy đủ kiến thức về những tệ nạn mà họ phải chịu đựng giống như “họ, và không phải bất kỳ vị cứu tinh nào, có thể cung cấp một cách mạnh mẽ các biện pháp khắc phục những căn bệnh xã hội mà họ phải gánh chịu”(4).
Trong CNXH khoa học, C.Mác xây dựng một tập hợp các khái niệm để hiểu rõ hơn về mâu thuẫn giữa lao động và tư bản. Ông nhắc rất nhiều lần rằng, lý thuyết của các ông là lý thuyết mở đối với phong trào của những người lao động. C.Mác nhận định: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(5). C.Mác nhấn mạnh lý thuyết khoa học về CNCS chỉ có được khi phong trào cộng sản là có thật trong thực tế của CNTB. Bất cứ lý thuyết nào cũng phải hướng đến hiện thực hóa trong thực tế đời sống xã hội, qua đó nó được chính thực tiễn xã hội chứng minh. Trong bộ Tư bản, C.Mác đã phân tích CNTB, những yếu tố tạo động lực thúc đẩy CNTB phát triển, những mâu thuẫn mà CNTB không thể tự giải quyết trong khuôn khổ của hệ thống thể chế kinh tế và chính trị của nó.
2. Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
C.Mác đã chỉ ra rằng, lý luận lấy thực tiễn làm mục tiêu, sự phát triển của thực tiễn chính là sự hiện thực hóa, biểu hiện trong thực tiễn sự phát triển của lý luận. Những mô hình thực tiễn thành công là sự hiện thực hóa sâu sắc những vấn đề lý luận. Trong tác phẩm Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, C.Mác cho rằng: “không thể nhận định về một thời đại đảo lộn như thế căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất xã hội(6). Vì vậy, khi Đảng bônsêvích Nga giành được chính quyền, bắt tay vào xây dựng mô hình Xôviết đã buộc V.I.Lênin phải nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề mà C.Mác đã đề cập như nhà nước, cách mạng, nền chuyên chính vô sản, phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng các quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất... Một loạt tác phẩm V.I.Lênin viết trong thời kỳ này đều thể hiện tinh thần này.
Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn cụ thể: “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(7). Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có những ý rất quan trọng: Tổng kết lý luận để nhận thức chân giá trị khoa học trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; dùng kết quả của tổng kết lý luận đó làm công cụ định hướng cho tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của Đảng; dùng kết quả đó để định ra đường lối, phương châm... trong lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây”(8). Đây chính là sự thấm nhuần nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng trong cách mạng Việt Nam.
Một là, từ nắm bắt chân giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tổng kết thực tiễn cách mạng, Đảng ta nhận thức rõ hơn về mô hình và con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam. Cụ thể như sau:
Nhận thức ngày càng rõ hơn những vấn đề và cách thức để xây dựng “một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(9).
Nhận thức rõ và sâu sắc hơn về sự kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam: “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”(10).
Đảng đã ban hành nhiều chủ trương và Nhà nước ban hành những chính sách, pháp luật để chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, phân phối mang nặng tính bình quân sang quan hệ hàng hóa, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vừa phân phối theo lao động, theo vốn, hiệu quả kinh doanh, vừa theo hướng bảo đảm phúc lợi xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế của Nhà nước với hai thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể sang quản lý nhà nước về kinh tế với nhiều thành phần kinh tế, đa dạng hình thức sở hữu.
Chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước về kinh tế thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế.
Ban hành những chủ trương xây dựng bộ máy nhà nước và ban hành pháp luật để dần hình thành Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, có nhiều những chủ trương, chính sách hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; mở rộng dân chủ cho nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà vẫn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và quản lý của Nhà nước; xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với những hình thức phong phú, đa dạng, hài hòa các lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Chính vì vậy, những khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là những định hướng lý luận cho tổng kết thực tiễn của Đảng ta: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”(11). Đây chính là những định hướng rất quan trọng để Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách mới nhằm xây dựng nền dân chủ XHCN.
Hai là, sẽ rất nguy hại nếu vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giáo điều về CNXH chi phối
Biểu hiện nghiêm trọng nhất của bệnh giáo điều về CNXH là việc đơn giản hóa những quy luật của sự vận động của lịch sử. Để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, khái giản hóa lý luận sẽ giúp cho những nhà lãnh đạo, chỉ đạo nắm bắt được những điều căn bản nhất để có thể vận dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, khái giản hóa rất dễ vi phạm nguyên tắc khách quan, lệ thuộc vào yếu tố chủ quan của những nhà lãnh đạo mà bỏ qua những chứng cứ khoa học hay những dữ liệu thực tế.
Quan điểm giáo điều về CNXH còn thể hiện ở nhận thức về con đường xây dựng CNXH là con đường thẳng, không thấy sự quanh co, phức tạp của quá trình phát triển. Phát triển cần nhiều yếu tố và quan trọng nhất là khai thác tối đa và hiệu quả những yếu tố đó vào phát triển bền vững. C.Mác nhận định rằng: lịch sử bắt đầu từ đâu thì tiến trình tư tưởng cũng cần được bắt đầu từ đó. Bằng suy luận lý thuyết, C.Mác nêu con đường quá độ trực tiếp từ một nước tư bản phát triển lên CNXH; nếu cách mạng vô sản thành công ở những nước tư bản phát triển, giai cấp vô sản chỉ cần xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất, xác lập chế độ công hữu tư liệu sản xuất và thay đổi nhà nước thì nước đó có thể xây dựng CNXH.
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”(12). Đây là dự báo của C.Mác từ thực tiễn ở nước TBCN phát triển hơn thời điểm đó. Chúng ta đã từng vận dụng máy móc luận điểm này vào điều kiện Việt Nam khác rất xa so với thực tiễn của những nước đã trải qua CNTB. Hệ quả là đất nước rơi vào tình trạng trì trệ, chậm phát triển, thậm chí có thời đoạn còn lâm vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội.
Bệnh giáo điều về CNXH cũng thể hiện ở những mệnh đề lý luận khó vận dụng vào thực tiễn, khó xác định những căn cứ thực tiễn để ban hành chủ trương, chính sách xây dựng CNXH. Theo lý luận của triết học Mác, khi hình thành một phương thức sản xuất, tức cơ sở hạ tầng của xã hội thì có kiểu kiến trúc thượng tầng tương ứng. Trước năm 1986, ở Việt Nam nhiều chủ trương đã sa vào khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của kiến trúc thượng tầng, xây dựng các thiết chế kiến trúc thượng tầng từ các quan hệ sản xuất vượt quá xa so với trình độ của lực lượng sản xuất. Kết quả là các yếu tố của kiến trúc thượng tầng không ăn khớp với các quan hệ kinh tế, không phản ánh các quan hệ kinh tế. Việc thiết lập chế độ sở hữu công về tư liệu sản xuất về cơ bản là xuất phát từ ý chí chủ quan vì muốn nhanh chóng có CNXH, không xuất phát từ thực trạng kinh tế kỹ thuật của nước ta khi đó. Nhiều bất cập và sự không hiệu quả của nền kinh tế đã bị vẻ bề ngoài của kiến trúc thượng tầng che lấp, bảo vệ, nên ẩn chứa nguy cơ của khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội từ bên trong.
Ba là, cần làm phong phú hơn lý luận về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam thông qua tham khảo, tổng kết các khuynh hướng mácxít ở các nước tư bản phát triển
Hiện nay, nhiều trường phái mácxít mới (Neo-Marxism) trở thành hợp phần bên trong của các trường phái triết học phương Tây hiện đại. Các nhà triết học phương Tây tìm thấy ở C.Mác những gợi ý để giải quyết những vấn đề của xã hội công nghiệp hiện đại. Hầu hết những trường phái triết học phương Tây hiện đại đều có một nhánh là triết học mácxít. Các trường phái mácxít mới phát triển học thuyết Mác theo cách thức khác nhau. Có những lý do chủ quan, khách quan để họ lảng tránh đề cập trực diện đến chính trị của CNTB, nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực để phát triển triết học Mác của họ trong giới hạn của hệ thống các thể chế kinh tế và chính trị của CNTB. Nghiên cứu, tổng kết lý luận giúp chúng ta tìm kiếm những vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện phát triển chủ nghĩa Mác cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra sự phát triển của CNTB là: “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển,.., đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước..., chủ nghĩa tư bản thế giới đã ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy các chính sách “tự do mới” trên quy mô toàn cầu; và nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”(13). Để có thể chỉ ra những mâu thuẫn cơ bản của CNTB, phương thức khá hữu hiệu đó chính là tổng kết lý luận của những trường phái mácxít mới trong lòng CNTB. Những kết quả của tổng kết này gợi ý cho chúng ta những vấn đề lý luận mà C.Mác đã đặt nền tảng để tổng kết CNTB hiện đại, hoàn thiện lý luận về xây dựng CNXH ở Việt Nam.
3. Tiếp tục hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo nguyên tắc lấy thực tiễn làm nền tảng, là cơ sở
Một là, hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam chính là vì mục tiêu thực tiễn: thúc đẩy quá trình xây dựng CNXH thành hiện thực ở Việt Nam. Mục tiêu của việc hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH thực chất là vì sự phát triển của thực tiễn, khẳng định tính đúng đắn của con đường đất nước ta đang đi và để con đường đó ngày càng được hoàn thiện hơn, phù hợp với thực tiễn hơn.
Hai là, tổng kết thực tiễn là cách tốt nhất để hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam
Lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay rất cần có những chương trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận một cách toàn diện, huy động được đông đảo đội ngũ cán bộ khoa học và cán bộ hoạt động thực tiễn tham gia. Sự phối hợp giữa những cán bộ khoa học của các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng với đội ngũ cán bộ khoa học ở các trường đại học, các viện nghiên cứu và cán bộ hoạt động thực tiễn là rất cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ này.
Ba là, không phát triển lý luận, không chứng minh được sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ không có sự đổi mới đúng đắn trong thực tiễn xây dựng CNXH
C.Mác là người đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”(14). V.I.Lênin đã nhắc nhở rằng, “chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động”(15). Như vậy, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là phương thức để chứng minh được sức sống của nó. Nhiệm vụ hoàn thiện lý luận về con đường đi lên CNXH chính là phương thức tốt nhất để phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin.
Về mặt thực tiễn, tại Đại hội XIII, Đảng ta nhận định rằng: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(16). Điều này cho thấy, thành tựu trong thực tiễn phát triển đất nước có được là do Đảng có quan điểm chỉ đạo định hướng đúng đắn. Theo đó, chúng ta đã xác định được tính đúng đắn của những quan điểm lý luận làm nền tảng cho quyết định đúng trong đường lối, chủ trương của Đảng lãnh đạo đổi mới đất nước theo mục tiêu CNXH. Tuy nhiên, yêu cầu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo định hướng XHCN đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, bổ sung và hoàn thiện lý luận để tiếp tục thúc đẩy quá trình hiện thực hóa mục tiêu đã xác định.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)
Ngày nhận: 26-4-2023; Ngày bình duyệt: 14-7-2023; Ngày duyệt đăng: 24-8-2023.
(1), (2), (5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.37, 37-38, 51.
(3) https://www.marxists.org/history/etol/newspape/ni/vol04/no12/marx.htm.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.15.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.95.
(8), (9), (10), (11), (13) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.23, 24, 29, 28, 18-19.
(12) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.616.
(15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.36, Sđd, tr.796.
(16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.103-104.
TS. Phạm Anh Hùng
Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
lyluanchinhtri.vn