Nhân rộng mô hình cơ sở y tế thích ứng biến đổi khí hậu
Đô thị miền Trung: Phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu Phát triển bền vững từ thích ứng biến đổi khí hậu |
Cơ sở y tế dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu
Nhiều năm nay, thiếu nước vào mùa khô luôn là nỗi ám ảnh của người dân ở vùng núi cao, thời tiết khắc nghiệt ở nước ta. Là một kỹ thuật viên bệnh viện vùng cao phía Bắc, anh Đặng Xuân Thuận ở bệnh viện Bắc Hà (Lào Cai) thường trăn trở khi nguồn nước sạch của bệnh viện rất hạn chế. Nước dẫn từ khe núi vào bể chứa của xã không ổn định, vào mùa khô thường xuyên thiếu nước, trong khi địa hình vùng núi Bắc Hà cũng không phù hợp để khoan giếng. Việc thiếu nước cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ, gây khó khăn trong việc vận hành máy móc. Công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của bệnh nhân và bác sỹ không được đảm bảo, không phù hợp với hoạt động y tế.
Ban Giám đốc bệnh viện Yên Thành và cán bộ kỹ thuật của WHO khảo sát hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện |
Cũng trong tình cảnh tương tự, bác sỹ Trần Đức Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Yên Thành (Nghệ An) hồi tưởng giai đoạn trước năm 2021, bệnh viện huyện Yên Thành thường xuyên thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là vào mùa khô hạn. Bệnh viện Yên Thành nằm ở địa thế cao, chênh lệch hơn 10m so với vị trí nhà máy nước của huyện, lại cách khá xa nên lượng nước cung cấp từ nhà máy chỉ đạt 1/3 nhu cầu, gây khó khăn cho công tác vận hành trong điều kiện thời tiết miền Trung nhiều nắng, gió. Ngoài những bất tiện từ thiếu nước sinh hoạt cho bác sỹ và bệnh nhân, hệ thống xử lý nước thải bằng men vi sinh của bệnh viện Yên Thành cũng thiếu nước nên hoạt động kém hiệu quả. Đây là những điều trăn trở lớn của bác sỹ Linh, người làm công tác quản lý lâu năm của bệnh viện Yên Thành.
Không chỉ nơi núi cao, Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh dù ở vùng trũng ngập nhưng cũng thường xuyên thiếu nước. Chia sẻ về nghịch lý này, Mai Trang, kỹ thuật viên môi trường của bệnh viện cho biết: Khả năng thiếu nước ngọt phục vụ hoạt động khám chữa bệnh trong mùa khô do hạn hán làm tình trạng xâm mặn ngày càng nặng. Nước ở khắp nơi nhưng là nước lợ, không sử dụng được cho hoạt động khám chữa bệnh và sinh hoạt của bệnh nhân.
Đây là kết quả khảo sát thực trạng WASH (nước sạch và vê sinh môi trường) năm 2021 của bệnh viện, dựa trên tình hình xâm nhập mặn sâu và kéo dài vào năm 2016 cùng kịch bản biến đổi khí hậu. Theo số liệu từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, từ nửa cuối tháng 12/2022, hạn mặn bắt đầu xâm nhập vào khu vực gần cửa sông. Độ mặn cao nhất và xâm nhập sâu nhất xuất hiện vào tháng 2, tháng 3/2023. Độ mặn 4‰ có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 45-57 km; độ mặn 1‰ có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 54 - 68 km. Tình trạng này kéo dài tác động không nhỏ đến công tác vận hành hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh.
Đoàn công tác của WHO và Giám đốc bệnh viện Bắc Hà (Lào Cai) trao đổi với bệnh nhân trong khuôn viên bệnh viện |
Bệnh viện Bắc Hà, Yên Thành và Cù Lao Minh là những điển hình khác nhau tại 3 miền về cơ sở y tế dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của WHO, nhìn rộng ra quy mô toàn quốc, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước BĐKH, các CSYT cũng được xếp vào đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai và ô nhiễm môi trường.
Xây dựng mô hình cơ sở y tế 4N
Từ năm 2021 -2023, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với WHO tại Việt Nam đã hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình CSYT 4N tại 3 bệnh viện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), Yên Thành (tỉnh Nghệ An) và Cù Lao Minh (tỉnh Bến Tre).
Tùy vào điều kiện thực tế ở mỗi bệnh viện, các đơn vị đã đưa ra phương án giải quyết tình trạng thiếu nước. Ở Bệnh viện Bắc Hà, hệ thống thu hứng và xử lý nước mưa được lắp đặt tại trạm y tế Bảo Nhai giúp giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, Bệnh viện Yên Thành được lắp đặt hệ thống lưu giữ và xử lý nước bề mặt giúp đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh. Tại Bệnh viện Cù Lao Minh, dự án hỗ trợ lắp đặt hệ thống lọc và xử lý nước lợ giúp bệnh viện chủ động nước sinh hoạt trong điều kiện ngập mặn do hạn hán và nước biển dâng ở miền Nam.
Đại diện WHO và Cục Quản lý môi trường y tế trao đổi về mô hình xử lý nước lợ thành nước ngọt ở bệnh viện Cù Lao Minh (Bến Tre) |
Ngoài việc hỗ trợ lắp đặt các hệ thống xử lý nước giúp bệnh viện chủ động ứng phó với điều kiện khí hậu thay đổi, dự án triển khai nhiều hoạt động thảo luận, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về truyền thông, nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, năng lượng xanh, bền vững... Mô hình cơ sở y tế 4N hiện đang được chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng trên cả nước.
Đây có thể xem là một trong những nỗ lực của ngành y tế góp phần hiện thực hóa cam kết môi trường của Việt Nam, hướng tới mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra 2 cam kết tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26). Thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi thiên nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết định phát triển. Thứ hai , Việt Nam sẽ tận dụng các nguồn lực trong nước, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Ở khía cạnh trách nhiệm môi trường của ngành y tế, các CSYT cũng góp phần gây ô nhiễm rác thải nhựa và phát thải khí nhà kính do xử lý rác thải chưa triệt để, sử dụng nước và năng lượng chưa hiệu quả. Theo Cục Quản lý môi trường y tế, để nhân rộng mô hình cơ sở y tế 4N, việc tham gia của các bên liên quan và các đối tác, các nhà tài trợ tiềm năng là hết sức quan trọng. Không chỉ cơ quan quản lý, các bên liên quan khác như các Viện và Trường, Ban giám đốc các CSYT, các nhóm công tác nước sạch và vệ sinh môi trường, chống nhiễm khuẩn, các Sở y tế, CDC tương ứng của các tỉnh và cả cộng đồng cần chung tay hành động!
Nguồn: Nhân rộng mô hình cơ sở y tế thích ứng biến đổi khí hậu