Những dấu ấn nổi bật ngành du lịch Việt
Phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên Thúc đẩy thị trường khách du lịch quốc tế trong năm 2023 |
Năm ngoái, sau khi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong nước được bao phủ trên diện rộng, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh được nâng cao, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại một số địa phương diễn ra khả quan và an toàn…
Trong bối cảnh đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL), Tổng cục Du lịch, Chính phủ đã cho phép mở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022, ghi dấu mốc quan trọng khởi đầu cho sự phục hồi của du lịch Việt Nam.
Tại thời điểm đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chính sách mở cửa thông thoáng nhất, khi không yêu cầu tiêm phòng vaccine; không yêu cầu cách ly y tế; không yêu cầu xét nghiệm Covid-19; không yêu cầu khai báo y tế trước khi nhập cảnh.
Các chính sách về thị thực được khôi phục như khi chưa có dịch Covid-19, các đường bay trong nước và quốc tế từng bước hoạt động trở lại, các lĩnh vực thương mại, vận tải, dịch vụ sôi động trở lại…
Ngay sau khi du lịch được mở lại, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã triển khai mạnh mẽ chiến dịch truyền thông quảng bá du lịch với thông điệp “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) nhằm thu hút, mời chào khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam.
Cùng với đó, triển khai chương trình “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” dành cho khách du lịch nội địa.
Đồng thời, hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế, phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cung cấp các thông tin về mở cửa du lịch và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục đề xuất Chính phủ triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch.
Thống kê cho thấy năm 2022, du lịch Việt Nam đã đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt trên 70% so với kế hoạch năm; khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng gần 70% so với mục tiêu đặt ra, vượt xa con số 85 triệu lượt của năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 500.000 tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch.
Trong bối cảnh ngành du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn, nhu cầu du lịch phục hồi đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp quay lại thị trường. Sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành, số lượng hướng dẫn viên được cấp thẻ, cũng như có thêm nhiều khách sạn cao cấp 4 – 5 sao được đưa vào hoạt động đã cho thấy thị trường du lịch đang rất tích cực với những cơ hội kinh doanh mới được mở ra.
Cụ thể, đến hết năm 2022, cả nước có gần 2.900 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 837 doanh nghiệp so với năm 2021.
Về cơ sở lưu trú du lịch, khoảng 35.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 700.000 buồng, trong đó có 224 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao và 345 cơ sở lưu trú hạng 4 sao.
Thành công của Việt Nam trong nỗ lực tái thiết hoạt động ngành du lịch đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao thông qua các chỉ số và giải thưởng du lịch.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố chỉ số Năng lực phát triển du lịch Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52 trong số 122 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong số 3 quốc gia có mức tăng điểm cao nhất thế giới.
Việt Nam đạt nhiều giải thưởng danh giá của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới như Điểm đến di sản hàng đầu thế giớI, Điểm đến hàng đầu châu Á…
Nguồn:Những dấu ấn nổi bật ngành du lịch Việt