Ninh Thuận: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ Dự án Cảng tổng hợp Cà Ná
Ninh Thuận: Tổng kết Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải Ninh Thuận: Gấp rút thực hiện Dự án Môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm |
Mặc dù đang trong thời điểm thời tiết khá thuận lợi để triển khai thi công đẩy nhanh tiến độ, song hiện nay trên công trường Cảng tổng hợp Cà Ná các hoạt động thi công đang bị đình trệ; phương tiện máy móc và nhân công tại các hạng mục công trình rất hạn chế, triển khai cầm chừng. Theo đại diện đơn vị chủ đầu tư (Tập đoàn Trung Nam) hiện nay khu bến cảng Cà Ná giai đoạn 1 có tổng giá trị khối lượng thực hiện đạt 2.449/5.626 tỷ đồng, đạt tỷ lệ khoảng 43,5% tổng mức đầu tư. Đối với Bến 1A, đã cơ bản hoàn thành xây dựng bến cảng, công bố luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến, hệ thống phao tiêu báo hiệu và đang trong giai đoạn khai thác thử nghiệm. Tính đến ngày 9/12, cảng đã tiếp nhận 52 chuyến tàu với tổng lượng hàng hóa qua cảng đạt khoảng 112.000 tấn, chủ yếu là hàng rời (muối, tro xỉ, đá xây dựng). Đối với Bến 1B đã cấp giấy phép xây dựng từ giữa tháng 7/2022, theo đó các hạng mục như cầu cảng và kè bảo vệ bờ 1B, san lấp xử lý nền, san lấp bãi hàng đã tiến hành thi công... Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc nên đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công, một số hạng mục đang tạm dừng triển khai.
Do khó khăn về vật liệu san lấp và đá xây dựng, một số hạng mục của dự án Cảng tổng hợp Cà Ná đang triển khai cầm chừng. Ảnh: A.Tuấn |
Khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án đó là nguồn cung cấp vật liệu san lấp và đá xây dựng công trình. Theo báo cáo của chủ đầu tư, tổng nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp cho giai đoạn 1 là 4,415 triệu m3, gồm 3,48 triệu m3 vật liệu san lấp và khoảng 0,935 triệu m3 đá xây dựng, đắp kè. Trong giai đoạn 1A, nhu cầu vật liệu san lấp cần khoảng 1 triệu m3 và khoảng 400.000 m3 đá xây dựng, đắp kè cơ bản đã đáp ứng đủ nhờ tận thu từ nạo vét cảng cá Cà Ná, đất đá dọc tuyến đường ven biển, dự án điện mặt trời 450 MW và mua từ các mỏ trong vùng để phục vụ san lấp, đủ nhu cầu vật liệu để hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, giai đoạn 1B với nhu cầu vật liệu san lấp lớn hơn, khoảng 2,48 triệu m3 và lượng đá xây dựng, đắp kè khoảng 0,535 triệu m3, đến nay chưa có nguồn vật liệu chính thức để triển khai. Trong dự kiến sẽ sử dụng các nguồn vật liệu từ nạo vét cảng Ninh Chữ và khai thác tại khu vực núi Đá Giăng.
Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đối với khu vực núi Đá Giăng trữ lượng dự kiến khoảng 10 triệu m3, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức đấu giá thí điểm khu vực mỏ đá Hòn Giài để xem xét, triển khai đấu giá các khu vực tiếp theo. Như vậy phải sau khi hoàn thành việc tổ chức đấu giá thí điểm mới tiếp tục xem xét, triển khai đấu giá các khu vực tiếp theo, để có nguồn nguyên liệu phục vụ san lấp cảng Cà Ná và các dự án trọng điểm phía Nam.
Đối với phương án nạo vét cảng Ninh Chữ (khoảng 1 triệu m3), mặc dù từ tháng 9/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, làm cơ sở triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên đến tháng 11, thời điểm hết thời hạn nộp hồ sơ chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký. Do đó, UBND tỉnh đã cho gia hạn thời gian nộp hồ sơ đăng ký để đảm bảo mục tiêu cạnh tranh, công bằng minh bạch và hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo để lựa chọn nhà thầu.
Cảng tổng hợp Cà Ná. Ảnh: V.Nỷ |
Phương án đề xuất của đơn vị chủ đầu tư là sử dụng tro xỉ than từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, đây là vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đòi hỏi phải đảm bảo đúng các quy định, không làm thẩm thấu ra nước biển. Nguồn tro, xỉ phải được chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp; quá trình thi công chủ dự án phải tổ chức giám sát môi trường, được cơ quan có thẩm quyền theo dõi hướng dẫn, thường xuyên lấy mẫu tro, xỉ thí nghiệm định kỳ nhằm kiểm soát chất lượng. Do đó, UBND tỉnh đang xem xét, chỉ đạo xử lý nếu không đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt thì không được phép sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp.
Một khó khăn nữa đó là về cơ chế đầu tư, quản lý, vận hành các cụm, bến cảng của Cảng biển tổng hợp Cà Ná. Theo quy định về quản lý hoạt động hàng hải phải bố trí đầy đủ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển bao gồm: Cảng vụ hàng hải, hải quan, biên phòng cửa khẩu cảng, kiểm dịch y tế và động, thực vật. Hiện chủ đầu tư đã xây dựng nhà văn phòng tạm để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi đưa bến cảng 1A vào vận hành khai thác trong tháng 12/2022. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khu nhà văn phòng, điều hành theo quy hoạch được duyệt, sẵn sàng cho công tác vận hành chính thức. Tuy nhiên, hiện nay dự án còn thiếu thủ tục về nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy để vận hành chính thức do chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với đường ống HDPE sử dụng cho hệ thống cấp nước chữa cháy. Hiện chủ đầu tư đang khẩn trương phối hợp, xin ý kiến hướng dẫn của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để có cơ sở sớm hoàn tất thủ tục nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy đưa vào vận hành chính thức.
Nguồn: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ Dự án Cảng tổng hợp Cà Ná