Nội dung lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính trị của Đảng trong bối cảnh mới Giữ vững quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển trong tình hình hiện nay |
1. Đặt vấn đề
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Báo chí cách mạng Việt Nam xuất phát từ yêu cầu khách quan về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, các hoạt động đấu tranh cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí thể hiện ở nhiều khía cạnh, trên nhiều lĩnh vực, có thể khái quát ở mấy điểm chính sau: xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo; từ yêu cầu về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; từ nhu cầu của sự phát triển nền báo chí.
Có thể thấy, bản thân sự phát triển của báo chí đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng, báo chí phát triển, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nếu xa rời, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, báo chí sẽ không thực hiện được đầy đủ chức năng của mình, đặc biệt là trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác với các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch hiện nay.
2. Nội dung lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng
Đảng là tổ chức chính trị, chức năng của Đảng là lãnh đạo cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo chính trị, Đảng đề ra đường lối cách mạng, tổ chức thực hiện và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Đảng không can thiệp quá sâu, không bao biện làm thay công việc của các tổ chức thuộc đối tượng lãnh đạo của Đảng. Nội dung lãnh đạo của Đảng là những quyết định của Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách đối với công tác xây dựng nội bộ Đảng; các tổ chức, các lực lượng, các lĩnh vực hoạt động của Đảng và việc chỉ đạo thực hiện các quyết định đó nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng1.
Để lãnh đạo công tác báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hai vấn đề quan trọng Đảng phải quan tâm là xác định đúng nội dung và tạo lập phương thức lãnh đạo đúng đắn. Trong đó, nội dung lãnh đạo của Đảng được xác định cụ thể:
Thứ nhất, Đảng hoạch địch, bổ sung, phát triển đường lối và chiến lược công tác tư tưởng, công tác báo chí truyền thông và xây dựng đội ngũ người làm báo.
Đối với công tác tư tưởng, báo chí truyền thông, bảo vệ nền tảng tư tưởng, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Quan điểm này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp xây dựng và phát triển Báo chí cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng thì chuyên môn mới đúng”2, với nhận thức đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng nền Báo chí cách mạng là đề ra đường lối đúng đắn, như: Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại… Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị – xã hội, thuần phong mỹ tục”3.
Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) tiếp tục chỉ rõ vai trò của báo chí trong tình hình mới: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí và nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”4. Đây là nhân tố trọng yếu nhất để xác lập và nâng cao vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lĩnh vực và lực lượng này, là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp báo chí, là sự thể hiện năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho Đảng giữ được vai trò hạt nhân trong cơ chế lãnh đạo, quản lý sự nghiệp báo chí.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo việc tổ chức thực hiện đường lối, chiến lược công tác tư tưởng, công tác báo chí – truyền thông và xây dựng đội ngũ người làm báo.
Sau khi xác định đường lối chiến lược, quan điểm, chủ trương lớn và biện pháp cơ bản về xây dựng và phát triển báo chí, Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa nội dung đường lối thành Hiến pháp, pháp luật, hệ thống các chính sách, biện pháp cụ thể. Trên cơ sở đó, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt những nội dung đường lối, chiến lược, quan điểm, chủ trương đó tới hệ thống tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân để tổ chức thực hiện một cách thích hợp, như: triển khai thi hành Luật Báo chí năm 2016; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông.
Pháp luật hóa, thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương xây dựng và phát triển báo chí và đội ngũ người làm báo là một yêu cầu tất yếu khách quan trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Việc thể chế hóa thành các văn bản pháp luật, quy định của Nhà nước trở thành một công cụ hữu hiệu, vũ khí sắc bén để đội ngũ người làm báo thực thi nhiệm vụ và bảo đảm tính pháp lý trong hoạt động của mình, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản ánh kịp thời các thông tin, là cầu nối giữa Đảng và Nhân dân. Đây cũng là cơ sở, căn cứ để xây dựng đội ngũ người làm báo nhạy về chính trị, kinh tế, sâu sắc về khoa học – công nghệ, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của Nhân dân.
Thứ ba, Đảng lãnh đạo công tác chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ người làm báo.
Điều này được quy định bởi tính chất hoạt động của báo chí, đặc biệt là trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đang diễn ra hết sức phức tạp, liên quan đến sinh mệnh chính trị của quốc gia, dân tộc. Hoạt động báo chí, bảo vệ nền tảng tư tưởng trên báo chí có mối liên hệ mật thiết, liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi đội ngũ người làm báo trong quá trình sử dụng các biện pháp công tác không những phải bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ mà còn phải bảo đảm các yêu cầu về chính trị, pháp lý. Đây là cuộc đấu tranh không có ranh giới, không có trận tuyến rõ rệt nên để tổ chức hoạt động tốt cần có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.
Thứ tư, Đảng lãnh đạo công tác xây dựng đội ngũ người làm báo.
Tính đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 tạp chí (trong đó, có: 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 – 2025 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành báo chí5.
Hoạt động của đội ngũ người làm báo mang nhiều tính đặc thù, vì vậy, Đảng nhất thiết phải nắm chắc đội ngũ này, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát công tác xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo, bảo đảm cho đội ngũ này hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đảng xác địch, lãnh đạo xây dựng đội ngũ người làm báo là vấn đề trọng tâm, cốt lõi, một nội dung quan trọng, thường xuyên trong lãnh đạo của Đảng đối với báo chí thông qua các nội dung cụ thể: (1) Đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ người làm báo về chính trị, tư tưởng; (2) Đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ người làm báo về tổ chức; (3) Đảng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng và công tác đảng trong các cơ quan báo chí từ Trung ương đến cơ sở; (4) Đảng lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, kỹ thuật cho các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo; (5) Đảng lãnh đạo xây dựng hệ thống lý luận, khoa học – công nghệ đối với lĩnh vực báo chí.
Thứ năm, Đảng lãnh đạo tổ chức sự phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam với các ban, ngành, đoàn thể trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Mỗi cơ quan nhà nước, mỗi đoàn thể nhân dân có chức năng, nhiệm vụ riêng, song đều có nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do vậy, lãnh đạo nội dung này, Đảng cần xác định rõ trách nhiệm trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với mọi cơ quan, đơn vị và xây dựng cho được cơ chế tổ chức; chỉ đạo thực hiện sự phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, các ngành, đoàn thể, quần chúng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, tạo ra sự nhất trí về nhận thức chính trị, tư tưởng, sự đồng thuận xã hội, sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong toàn xã hội và toàn dân. Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp ủy đảng cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm và có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII). Đây là nguồn sức mạnh, là cơ sở để hình thành thế trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách vững chắc trên mọi địa bàn.
Với những nội dung lãnh đạo sâu sát, trực tiếp, thường xuyên của Đảng đối với báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã phát huy hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Thời gian qua, nhiều cơ quan báo, tạp chí đã mở các chuyên mục nổi bật với các bài phân tích, bình luận, phê phán các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị; phản bác những lời nói, hành động thiếu thiện chí, nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; phản bác sự vu cáo về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo; phê phán những quan niệm lệch lạc về phát triển kinh tế, văn hóa – văn nghệ, đạo đức lối sống.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như: một số tổ chức đảng cơ quan chủ quản chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, chưa nắm chắc các quy định để chỉ đạo, định hướng, quản lý cơ quan báo chí trực thuộc; chưa coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chưa làm tốt công tác tư tưởng dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp trong cơ quan báo chí; vẫn xảy ra tình trạng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; một bộ phận những người làm báo chưa tích cực học tập lý luận chính trị, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, ngại va chạm thực tiễn, né tránh những vấn đề gai góc, một số nhà báo đưa tin thiếu sự kiểm chứng, chạy theo tâm lý nhất thời của đám đông; vội vàng, cẩu thả trong cách giật tít, câu view, câu like, gây bức xúc dư luận, làm tổn hại đến uy tín, danh dự, hình ảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá.
3. Giải pháp đổi mới nội dung lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Một là, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của các cấp ủy và tổ chức đảng trong hệ thống tổ chức cơ quan báo chí ở nước ta.
Các cấp ủy đảng trong hệ thống tổ chức cơ quan báo chí phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và đảng ủy cơ quan chủ quản báo chí. Xây dựng mối quan hệ của các cấp ủy một cách đồng bộ, thông suốt, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hai là, đổi mới việc ra nghị quyết và thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với từng cơ quan báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Việc ra nghị quyết là nội dung lãnh đạo có tầm quan trọng hàng đầu của Đảng, là cơ sở để xác định đúng đắn chủ trương, phương thức và biện pháp cơ bản trên lĩnh vực hoạt động của báo chí trong từng thời kỳ. Đổi mới việc ra nghị quyết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng đối với báo chí là công việc thường xuyên, cần phải làm để nâng cao hiệu quả công tác, kịp thời xử lý, ứng phó, giải quyết các tình huống phát sinh từ thực tiễn.
Ba là, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ người làm báo có đủ năng lực, phẩm chất chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đổi mới việc lãnh đạo xây dựng đội ngũ người làm báo về tổ chức bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao, do đó, các cấp ủy đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức bộ máy, thường xuyên điều chỉnh, kiện toàn công tác tổ chức và cán bộ để thích ứng với tình hình nhiệm vụ mới và đòi hỏi của thực tiễn. Thường xuyên bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ kỹ thuật cho đội ngũ người làm báo nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, đấu tranh, phản bác với các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chú thích:
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Giáo trình cao cấp lý luận chính trị khối kiến thức thứ hai Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tập 6. H. NXB Lý luận chính trị, 2017, tr. 218.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 153.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 146.
4. Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
5. Số liệu về các cơ quan báo chí Việt Nam năm 2023. https://infographics.vn, truy cập ngày 20/3/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cương bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
2. Báo chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. https://www.xaydungdang.org.vn, ngày truy cập 19/3/2024.
3. Phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. https://www.tuyengiao.vn, ngày truy cập 20/3/2024.
4. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí hiện nay. http://lyluanchinhtri.vn, ngày truy cập 25/02/2024.
Nguồn: Nội dung lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng