Phát triển Carbon thấp - Để kinh tế song hành với bảo vệ môi trường
Đơn vị nào có thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường? Hoàn thiện hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu |
Kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. |
Chuyển dịch hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Tại hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu tại Glasgow, Scotland do Liên hiệp quốc bảo trợ cuối năm 2021, Việt Nam đã có các cam kết cụ thể cùng 150 quốc gia đưa mức phát thải ròng về zero vào năm 2050. Các cam kết này sẽ tạo ra các thách thức lớn, đồng thời mở ra các cơ hội đầu tư mới, thị trường tài chính xanh khổng lồ tại Việt Nam.
Theo nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Ellen Macarthur, chuyển đổi năng lượng, cùng với tiết kiệm sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Việc áp dụng các nguyên tắc loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm, nguyên liệu và tái tạo thiên nhiên trong mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, nông nghiệp. Cụ thể là việc giảm thiểu và loại bỏ chất thải và ô nhiễm sẽ giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị bằng cách luân chuyển, thu giữ lại năng lượng có trong các sản phẩm và vật liệu, tái tạo tự nhiên giúp cô lập và thu giữ được carbon.
Quỹ Ellen Macarthur đã tính toán và đưa ra ví dụ minh họa: Thế giới có thể giảm 38% lượng khí thải từ vật liệu xây dựng vào năm 2050 bằng cách loại bỏ chất thải trong các tòa nhà và quá trình xây dựng, chia sẻ mục đích sử dụng các tòa nhà nhiều hơn; tái sử dụng và tái chế vật liệu xây dựng. Tương tự như vậy, có thể giảm một nửa lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm vào năm 2050 thông qua các biện pháp tuần hoàn trong nông nghiệp.
Chia sẻ về các lợi ích của kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia chỉ ra rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...
Xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân...
Xây dựng thị trường carbon với lộ trình từng bước
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp trong dài hạn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại COP-26. Để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này, Việt Nam phải hướng tới một nền kinh tế carbon thấp trong đó việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.
Việt Nam đang chuẩn bị khá đầy đủ về cơ sở pháp lý, định hình rõ nét những nhiệm vụ chính cho việc hình thành và phát triển thị trường carbon. Đồng thời, Việt Nam đã triển khai một số dự án tham gia thị trường carbon tự nguyện, trao đổi theo nhu cầu các bên, phổ biến là Tiêu chuẩn carbon chứng nhận (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS)...
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước, với lộ trình vận hành chính thức từ năm 2028. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Thị trường carbon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, bù trừ tín chỉ carbon.
Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế. Theo đó, quy định cụ thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tổ chức và phát triển thị trường carbon. Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch tín chỉ carbon. Khuyến khích các dự án đầu tư mới áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ ít phát thải khí nhà kính hoặc tham gia vào các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đối với lộ trình phát triển thị trường carbon Việt Nam, giai đoạn đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đối mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc, và sẽ cần huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon) được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.
Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế carbon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá carbon nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng dầu (32 – 76 USD/tấn CO2)cao hơn nhiều so với than (0,22 – 0,42 USD/tấn CO2 phát thải).
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cả hai công cụ thuế carbon và thị trường carbon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, thị trường carbon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn. Giải pháp này cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải. Tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới phát triển bền vững.
Nguồn:Phát triển Carbon thấp - Để kinh tế song hành với bảo vệ môi trường