Quản lý mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu
Quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu Có đến 80% nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu |
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, Cục đã phối hợp với các nước nhập khẩu cấp 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đẩy mạnh việc thiết lập vùng trồng đủ điều kiện, chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV và triển khai văn bản 1776/ BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, phát triển và quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Cả nước hiện có trên 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu được cấp. Ảnh: TH. |
Theo đó đã phân cấp triệt để cho địa phương về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. 20 loại trái cây đã được các địa phương chịu trách nhiệm chủ động kiểm tra thực tế, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp. Cục Bảo vật thực vật có trách nhiệm tổng hợp danh sách các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đề nghị từ các địa phương, thực hiện đàm phán để được nước nhập khẩu phê duyệt, cấp mã số. Trên cơ sở thông tin về quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, thực tế thời gian qua, công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có nhiều thay đổi tích cực.
Xác định được vai trò quan trọng trong phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói các sản phẩm xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã tích cực phối hợp với các địa phương phát triển, mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng cũng như số lượng cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật được giao nhiệm vụ kiểm tra theo kế hoạch một số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại 13 tỉnh, thành: Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai và Bình Thuận. Cùng với việc phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói các sản phẩm xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật cũng thực hiện tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các loại quả tươi; trong đó chú trọng các loại quả chủ lực và các thị trường trọng tâm.
Cục Bảo vệ thực vật thống nhất với Cơ quan Kiểm dịch thực vật của Nhật Bản (MAFF) về yêu cầu nhập khẩu xoài và thanh long của Việt Nam sang Nhật Bản, sử dụng tem mới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản từ 01/8/2023; thống nhất với MAFF về phương án chuyển giao giám sát xử lý kiểm dịch thực vật các loại quả tươi của Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản kể từ tháng 4/2024. Với thị trường Trung Quốc, đơn vị trao đổi thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để góp ý hoàn thiện bản dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt, quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối tươi) xuất sang thị trường này. Đồng thời, tiếp tục quá trình đàm phán đối với sản phẩm trái cây có múi và dược liệu.
Trong bối cảnh Việt Nam xuất mạnh nông sản vào Trung Quốc, với việc tăng nhanh số lượng được cấp mã số vùng trồng, Trung Quốc càng tăng cường kiểm tra các quy trình, nhất là khi ngành chức năng phát hiện số lô vi phạm tăng. Khi vi phạm nhiều, phía Trung Quốc sẽ tăng cường tỷ lệ kiểm tra các lô hàng tại cửa khẩu, giám sát online tại vườn, tại cơ sở đóng gói, khiến cho chi phí xuất tăng lên. Các chuyên gia cho rằng, ngoài vai trò của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động đáp ứng các yêu cầu tại nước nhập khẩu. Đồng thời, liên tục cải tiến điều kiện sản xuất tại vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của các địa phương hiện còn thấp so với yêu cầu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự minh bạch và uy tín của nền nông nghiệp Việt Nam. Một số địa phương hiện chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Do đó, công tác giám sát sau cấp mã số còn bị buông lỏng. Cán bộ địa phương, doanh nghiệp chưa hiểu rõ quy định của các nước; cập nhật thông tin thay đổi điều kiện nhập khẩu của các nước còn chậm. Doanh nghiệp đầu tư chưa đúng mức để thiết lập và duy trì vùng trồng đáp ứng điều kiện của nước nhập khẩu; không tập huấn cho người sản xuất và nhân công làm việc tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Giám sát chất lượng nông sản tại các cơ sở đóng gói được cấp mã số là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được đẩy mạnh triển khai. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện Bộ đã làm việc với Bộ Tư pháp xin phép Chính phủ cho phép xây dựng hai nghị định, một nghị định hướng dẫn cấp mã số, vùng trồng cơ sở đóng gói đi kèm với đó là nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Bên cạnh áp dụng biện pháp mạnh để quản lý, phát huy vai trò giám sát của các nhân tố trong chuỗi, Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý sansangxuatkhau.ppd.gov.vn nhằm minh bạch hoá thông tin.
Hiện các mã số vùng trồng cơ sở đóng gói của Việt Nam đang phục vụ chủ yếu cho 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc. Theo Cục Bảo vệ thực vật, hệ thống "sansangxuatkhau" được triển khai sẽ giúp việc quản lý mã số vùng trồng dễ dàng và minh bạch hơn. Hệ thống này gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối giữa Cục Bảo vệ thực vật với các chi cục tại địa phương có các thông tin liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; 2 phần mềm đang được xây dựng về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho phép người nông dân và các cán bộ cơ sở có thể ghi chép trực tiếp, theo dõi thông tin về lô hàng xuất khẩu, cũng như đăng ký giám sát hàng năm thay vì phải đến trực tiếp tại chi cục Bảo vệ thực vật.
Hệ thống này cũng cung cấp thông tin về quy định của các nước cũng như quy định của Việt Nam về mã số vùng trồng, cơ sở đóng góp, kiểm dịch thực vật….Mỗi mã vùng trồng có sản lượng bao nhiêu chúng ta đều rõ. Mỗi khi người nông dân hay hợp tác xã nào đó xuất khẩu thì đều phải đăng ký sản lượng. Mỗi một lần container hàng đi thì nhập sản lượng đó vào phần mềm thì cơ quan quản lý sẽ nắm được, sẽ cấp quyền cho anh, cũng như ngân hàng cấp cho người dùng một mã OTP thì sẽ trừ dần sản lượng đó đi, như thế chúng ta sẽ nắm được khối lượng của từng mã. Đồng thời chủ thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mã này. Hệ thống này sẽ kết nối với các cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương và cả bộ phận ở cửa khẩu, để tránh việc không phải chủ thể của mã vùng trồng nhưng lại sử dụng mã vùng trồng.
Nguồn:Quản lý mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu