Quảng Ninh: Đòn bẩy phát triển địa bàn vùng khó ở Đầm Hà
Tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng Lâm đang được gấp rút hoàn thiện. |
Xuất phát là xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện Đầm Hà với 96% dân số là đồng bào DTTS, nhưng nay đến Quảng Lâm ai nấy đều ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt ở nơi đây. Đó là những con đường được bê tông hóa, những dãy đường điện chiếu sáng thẳng tắp khắp 6 thôn, bản của xã, những ngôi trường được xây sửa khang trang, sạch đẹp chuẩn bị đón năm học mới… Kết quả tích cực này chính là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cũng như sức mạnh đoàn kết của nhân dân.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm Hoàng Văn Bổng nhấn mạnh: Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện, Quảng Lâm đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, với mục tiêu “Sản xuất phát triển - Diện mạo sạch đẹp - Cuộc sống sung túc - Thôn xóm văn minh - Quản lý dân chủ”. Từ đó, tiếp tục phát huy vai trò đi đầu của cán bộ, đảng viên, sự chung tay góp sức của nhân dân trong việc cụ thể hóa nghị quyết. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực tạo sức chuyển biến đồng bộ về hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, như huy động nhân dân hiến trên 58.000m2 đất, đóng góp hơn 12.000 ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình công cộng...
Cán bộ thôn Thanh Bình, xã Quảng Lâm tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân xây dựng nếp sống văn minh. |
Không riêng xã Quảng Lâm, hệ thống giao thông ở các xã khó khăn trên địa bàn Đầm Hà cũng đã khởi sắc. Huyện luôn quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hoàn thiện hạ tầng đô thị, nông thôn, tập trung vào các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trong năm 2023, nhiều công trình giao thông kết nối, trọng điểm tại các xã, thôn khó khăn đã được gấp rút triển khai, hoàn thiện, như: Đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng An; cải tạo đường tràn vào thôn Yên Sơn (xã Dực Yên); đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng Lâm (đoạn từ Km0+715 đến Km8+536)…
Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn trên địa bàn tiếp tục nâng cao với thu nhập bình quân tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020, huyện đã tích cực chỉ đạo triển khai Nghị quyết 06 gắn với Đề án xây dựng NTM huyện Đầm Hà giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hình thành trung tâm sản xuất giống, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn theo quy hoạch xa khu dân cư.
Năm 2023, huyện Đầm Hà phấn đấu đưa 2 xã còn lại là Quảng Lâm và Quảng An đạt chuẩn NTM nâng cao; 6/8 xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu. Huyện cũng đang triển khai 4 mô hình thí điểm trồng na, bưởi, chanh leo, mít tại các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Quảng Lâm, với diện tích 3ha/xã. Từ đó, từng bước mở rộng mô hình trong toàn huyện theo định hướng quy trình VietGAP, chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Lãnh đạo huyện Đầm Hà kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Trường THCS Quảng An. Ảnh: Quốc Nghị (Trung tâm TT-VH Đầm Hà) |
Cùng với đó, công tác giáo dục, y tế, dịch vụ công cũng được chú trọng cải thiện chất lượng. Ông Phạm Văn Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đầm Hà, cho biết: Huyện ủy Đầm Hà đã ban hành Đề án phát triển GD&ĐT trong vùng DTTS, miền núi của huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, tin học; củng cố năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường. Đến nay, hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, duy trì 100% trường đạt chuẩn mức độ 1, có 5 trường đạt chuẩn mức độ 2. Chất lượng giáo dục đại trà ngày càng được nâng lên, chất lượng mũi nhọn có bước phát triển. Hằng năm tỷ lệ học sinh chuyển lớp và chuyển cấp đạt 98%. 100% cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn…
Có thể thấy các giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU đã, đang và sẽ tiếp tục tạo động lực quan trọng giúp Đầm Hà nâng cao chất lượng đời sống cho người dân vùng DTTS, miền núi, qua đó góp phần đưa địa phương phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Nguồn: Đòn bẩy phát triển địa bàn vùng khó ở Đầm Hà