Quảng Ninh: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng
Trường THCS Trần Hưng Đạo tổ chức các buổi ngoại khóa tại di tích lịch sử Bạch Đằng. |
Thời gian gần đây, nhiều trường học trên địa bàn TX Quảng Yên đã tổ chức ngoại khóa cho học sinh tại các điểm di tích. Trong đó, di tích lịch sử Bạch Đằng là địa điểm được nhiều trường tổ chức đến tham quan, trải nghiệm. Cô giáo Vũ Thị Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên) cho biết: Tại di tích lịch sử Bạch Đằng, học sinh được nghe những câu chuyện về các danh tướng Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo; được tham gia các hoạt động trải nghiệm như diễn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng, hoặc thực hiện các bài thi tìm hiểu về lịch sử. Qua hoạt động này, học sinh không chỉ học được kiến thức lịch sử, mà còn được bồi đắp tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa. Những giá trị truyền thống ấy sẽ khắc sâu trong tâm trí và trái tim, trở thành hành trang quý báu để các em bước vào tương lai.
Nguyễn Hà Minh Châu (lớp 8A, Trường THCS Trần Hưng Đạo) chia sẻ: Khi được tham quan trải nghiệm tại các di tích, em thấy rất tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc. Em hiểu rõ hơn ý nghĩa, giá trị của các chiến thắng trên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại, những hy sinh của lớp lớp thế hệ đi trước để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy, em luôn cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để sau này góp sức xây dựng, bảo vệ, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cùng với giáo dục lịch sử địa phương, TX Quảng Yên cũng quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích, nhằm tạo đà phát triển du lịch, mở rộng không gian kết nối du lịch từ di tích Bạch Đằng đến các điểm di tích, cũng như các địa phương trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2012, thị xã đã phối hợp lập quy hoạch tổng thể dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng. Giai đoạn 1 mới thực hiện GPMB và hệ thống hạ tầng kỹ thuật; triển khai các công trình kiến trúc. Tổng trị giá các hạng mục đã hoàn thành của dự án giai đoạn 1 là trên 99 tỷ đồng.
Tháng 8 vừa qua, Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO đã tiến hành thẩm định thực địa hồ sơ đề cử Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, trong quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.
BQL Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng phối hợp triển khai gắn mã QR tại di tích. |
BQL Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng cũng đã làm tốt việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo, khai thác và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích theo phân cấp và theo quy định của pháp luật; đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách tham gia giữ gìn, bảo vệ, phát huy các giá trị của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. Tăng cường ứng dụng công nghệ số vào công tác quảng bá, giới thiệu các điểm di tích. Đồng thời, phối hợp tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tư liệu trên các nền tảng truyền thông số, mạng xã hội tới nhân dân, du khách về giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.
Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng BQL Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, cho biết: Để phát huy hơn nữa giá trị của di tích, chúng tôi đã và đang chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ hướng dẫn viên, sưu tầm các tài liệu, kiến thức bổ sung thuyết minh cho di sản ngày một hoàn thiện hơn. Đặc biệt, giữ gìn các nghi lễ truyền thống của di tích; nâng cao vai trò của các dòng họ, tổ chức tín ngưỡng tôn giáo trong việc duy trì phối hợp tổ chức lễ hội và các ngày lễ quan trọng trong năm.
Nguồn: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng