Quảng Ninh: Phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số
Đồng bào dân tộc Sán Chỉ thôn Khe Lục (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) biểu diễn văn nghệ đón khách du lịch. |
Đầu năm 2024, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, 6 hộ dân đồng bào Sán Chỉ thôn Khe Lục (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) mạnh dạn xây dựng khu homestay và thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng. Mô hình chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 3/2024, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Sán Chỉ. Đây là mô hình du lịch cộng đồng thôn, bản đầu tiên được triển khai tại huyện Tiên Yên.
Từ mô hình này, người dân địa phương chú trọng hơn đến việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào, phát huy thế mạnh nông nghiệp để phục vụ phát triển du lịch bền vững. Chị Trần Thị Phấu (thôn Khe Lục) cho biết: Chúng tôi giữ nguyên những nét truyền thống của nhà sàn Sán Chỉ, sàn gỗ, xung quanh đắp gạch đất, mái lợp ngói âm dương; tường rào sân, vườn nhà xếp đá, không xây, trát. Sân rộng là nơi giao lưu biểu diễn hát Soóng cọ, múa Tắc xình, đánh quay. Du khách đến đây còn được trải nghiệm những món ăn đặc sản vùng miền, giao lưu văn hóa, văn nghệ, tham gia nấu rượu, quạt thóc, ngâm chân, tắm lá thuốc..
Du lịch cộng đồng tại Am Váp Farm, xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long). Ảnh: Am Váp Farm. |
Phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa cũng là hướng đi mới của cộng đồng người Dao xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long). Nắm bắt xu hướng du lịch trải nghiệm ngày càng phát triển, nhiều hộ dân ở đây cùng nhau triển khai mô hình du lịch cộng đồng Am Váp Farm. Du khách đến đây được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên trong lành của núi rừng, trải nghiệm những hoạt động sản xuất, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu trang phục, văn hóa truyền thống. Trong hướng đi này, cộng đồng người Dao nơi đây luôn đặt yếu tố thiên nhiên và văn hóa làm giá trị cốt lõi để phát triển bền vững.
Từ chủ trương khai thác bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, huyện Bình Liêu (trên 96% dân số là người DTTS) đã xây dựng các mô hình: Bản văn hóa người Tày ở Đồng Thanh (xã Hoành Mô); bản văn hóa người Dao ở Nà Nhái (xã Vô Ngại), Sông Moóc (xã Đồng Văn)... Đồng thời chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; tổ chức thường niên các hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch, như: Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng cọ, Lễ hội đình Lục Nà, Hội hoa Sở, Hội Mùa vàng... với rất nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, các trò chơi dân gian thú vị. Thông qua các hoạt động, sự kiện đã góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước.
Đồng bào DTTS huyện Đầm Hà vẫn còn giữ được những nét văn hóa đặc trưng có thể khai thác, phát triển du lịch. |
Bình Liêu đã xây dựng Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030; ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU (ngày 31/3/2023) về phát triển du lịch huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh giải pháp phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên; tập trung xây dựng, hình thành các bản văn hóa của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, tạo nên điểm nhấn, gia tăng các trải nghiệm của du khách.
Tỉnh đang triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Trong đó tập trung khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng báo các dân tộc, gắn với phát triển du lịch.
Nguồn: Phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số