Quy hoạch các khu xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường
Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các tàu du lịch Giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp |
Nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn chất thắi rắn, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư, xây dựng được 36/43 bãi rác theo quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trung bình trên địa bàn tỉnh đạt 83%, thành phố Sóc Trăng đạt trên 98%. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay phổ biến là thu gom, đổ đống để rác tự phân hủy yếm khí ngoài trời như bãi rác thị trấn Cù Lao Dung, bãi rác xã Thạnh Phú, bãi rác Trần Đề; hoặc ủ rác thải, để rác tự phân hủy yếm khí trong nhà có mái che, như tại bãi rác xã Trường Khánh; hoặc sử dụng phương pháp đốt, tại các bãi rác Thuận Hòa-Châu Thành; thị xã Ngã Năm, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa...; hay công nghệ phân tách loại dòng thải để tách riêng phần hữu cơ tiến hành ủ phân compost, phần vô cơ tiến hành chôn lấp như tại nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Sóc Trăng. Tại tỉnh Sóc Trăng hiện chưa có đơn vị có chức năng xử lý chất thải rắn công nghiệp.
Cùng với những kết quả đã đạt được trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bãi rác chưa được đầu tư, xây dựng, chưa được áp dụng các phương pháp xử lý rác hiện đại nên gây tình trạng ô nhiễm tại các bãi rác. Tại một số khu vực, cụm dân cư ý thức về bảo vệ môi trường nói chung hay thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng của một bộ phận người dân còn hạn chế.... nên vẫn còn xảy ra tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định.
Nước thải từ các bãi xử lý chất thải rắn (CTR) tự ngấm vào đất, thải trực tiếp vào các kênh, rạch gây ô nhiễm nguồn nước. Đối với chất thải rắn công nghiệp: Hiện nay tỉnh chưa có hạ tầng xử lý chất thải công nghiệp. Bởi vậy cần rà soát, quy hoạch và dự báo nhu cầu phát thải chất thải rắn công nghiệp, từ đó xem xét có nên quy hoạch xây dựng các nhà máy xử lý rác thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh hay tiếp tục xử lý ở các nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp ở tỉnh khác.
Tỉnh Sóc Trăng quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn phải phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng. |
Ngành chức năng tỉnh dự báo tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp đến năm 2030: Khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế; Tốc độ tăng trưởng của từng ngành. Dựa trên các báo cáo đánh giá môi trường thời kỳ 2011-2020, dự báo tốc độ phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường khoảng 9-10%/ năm (ước tính), tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng công nghiệp và kinh tế.
Dự báo khối lượng chất thải rắn công nghiệp tại các cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch: Đến năm 2025-2030, dự kiến tỉnh Sóc Trăng có 18 CCN với diện tích 980,91 ha đi vào hoạt động, do đó khối lượng chất thải rắn công nghiệp từ diện tích trên sẽ phát sinh khoảng 644 tấn/ngày. Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại (CTNH) trong chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) tại Sóc Trăng khoảng 7-15%. Theo thống kê năm 2020, số lượng các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh là 47.787 gồm 43.564 cơ sở sản xuất công nghiệp và 4.223 cơ sở kinh doanh dịch vụ. Tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTRCNTT) phát sinh là 525,3tấn/ngày. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội 8,5%/năm cho giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó là sự xuất hiện thêm các cơ sở kinh doanh, thì lượng CTRCNTT dự báo phát sinh là 21.200 - 21.600 tấn/tháng.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt, dự báo đến năm 2030, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 618 tấn/ngày, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn khoảng 597 tấn/ngày. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng như sự phát triển của nông thôn đã khiến cho khối lượng chất thải rắn xây dựng ngày càng gia tăng. Theo thống kê từ các địa phương, lượng chất thải rắn xây dựng ước bằng 14% - 17% tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh, hoặc bằng 19% - 22% lượng chất thải rắn sinh hoạt.
Theo định hướng phát triển đô thị tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030: tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 45% với 30 đô thị. Do đó, ngoài khối lượng dự báo nêu trên, khối lượng chất thải rắn xây dựng theo dự báo tăng 259-298 tấn/ngày (năm 2030) theo sự gia tăng tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nếu xét đến các điều kiện thuận lợi, với tốc độ tăng trưởng công nghiệp 14- 15%/ năm cho thời kỳ 2021-2030, khối lượng CTRCNTT phát sinh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng khoảng 3.269 tấn/ngày vào năm 2025; khoảng 5.120 tấn/ngày vào năm 2030, trong đó khoảng 4.908 tấn/ngày là chất thải rắn CNTT từ hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ và 298 tấn/ngày chất thải rắn xây dựng. Dự báo trong thời gian tới tổng lượng rác thải nguy hại của các ngành gia tăng khoảng 10 - 15%/năm.
Trước dự báo trên, tỉnh Sóc Trăng triển khai quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn phải phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khu xử lý chất thải rắn phải đảm bảo xử lý 100% lượng chất thải rắn phát sinh trong phạm vi phục vụ của mỗi cơ sở. Khu xử lý chất thải rắn phải đảm bảo xử lý tập trung, liên đô thị, liên vùng, hạn chế xử lý phân tán, gây ô nhiễm môi trường. Khu xử lý chất thải rắn phải đảm bảo thuận tiện giao thông, không gây cản trở các hoạt động giao thông chung, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và cảnh quan xung quanh.
Đối với xử lý chất thải rắn đô thị, thực hiện đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn liên hợp quy mô toàn tỉnh, đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hạn chế chôn lấp chất thải, nhà máy xử lý chất thải rắn thông thường ở khu đã quy hoạch (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú); Đối với xử lý chất thải rắn nông thôn, thực hiện đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn liên xã để thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Đối với xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, thực hiện kêu gọi các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường từ bên ngoài tỉnh hoặc sớm thành lập đơn vị trong tỉnh có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các doanh nghiệp để tái chế thành nguyên liệu sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho một số ngành công nghiệp như dược phẩm, hóa chất,...Trong giai đoạn hiện nay, tạo điều kiện cho phép Công ty CP Công trình Đô thị Sóc Trăng thêm chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Đối với xử lý chất thải y tế và chất thải nguy hại, thực hiện đầu tư xây dựng Cụm xử lý chất thải y tế nguy hại.
Địa phương này chú trọng lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phải căn cứ theo tính chất và thành phần của chất thải và các điều kiện cụ thể của từng địa phương (Ảnh minh họa). |
Bên cạnh đó, địa phương này chú trọng lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phải căn cứ theo tính chất và thành phần của chất thải và các điều kiện cụ thể của từng địa phương; Khuyến khích lựa chọn công nghệ đồng bộ, tiên tiến cho hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải rắn để tạo ra nguyên liệu và năng lượng; Khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý triệt để chất thải, giảm thiểu khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất sử dụng chôn lấp và bảo đảm vệ sinh môi trường; Các công nghệ áp dụng là: Tái chế, tái sử dụng - Chế biến - Đốt - Chôn lấp hợp vệ sinh. Lựa chọn công nghệ tân tiến nhất, hiện đại, thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm môi trường, chi phí đầu tư và vận hành phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh.
Ưu tiên phương pháp đốt rác thải phát điện là một trong những phương pháp kinh tế tuần hoàn, tiên tiến nhất hiện nay, được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Để thực hiện, cần thu hút đầu tư thực hiện dự án Nhà máy phát điện sử dụng chất thải rắn tại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, quỹ đất đã bố trí thực hiện dự án 5ha; dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp (nguy hại và không nguy hại), vị trí thực hiện dự án tại xã Phú Mỹ huyện Mỹ Tú, quỹ đất đã bố trí thực hiện dự án 3.81 ha.
Đối với chất thải sản xuất công nghiệp: Nguồn chất thải sản xuất công nghiệp: được phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế hoặc chuyển giao cho các cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp; Thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường; ưu tiên xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp; Tăng cường tái chế, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Chất thải rắn nguy hại: Chất thải nguy hại được xử lý chung theo quy hoạch vùng và theo quyết định số 3545/QĐ- UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ngày 09 tháng 12 năm 2019. Được quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ nguồn thải đến thu gom, vận chuyển và xử lý cuối cùng. Đa dạng hóa công nghệ xử lý chất thải rắn nguy hại bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại...
Hệ thống các khu tập trung và xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh chia làm 3 cấp. Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn cấp 1 (Diện tích 20ha - 40ha): Giải quyết cho khu vực thành phố Sóc Trăng, đáp ứng cho quy mô thành phố loại 2 và là khu liên hiệp xử lý chất thải rắn chính của tỉnh. Tại khu liên hiệp xử lý cấp 1 sẽ từng bước xây dựng đồng bộ các công trình xử lý chất thải rắn, ưu tiên cho phương pháp xử lý vi sinh, phương pháp thu hồi, tái chế, chôn lấp hợp vệ sinh kết hợp đốt tiêu hủy.
Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn cấp 2 (Diện tích 2ha - 3ha): Đặt tại khu vực các thị trấn, đáp ứng cho quy mô đô thị loại III, IV, V. Tại các khu liên hiệp xử lý cấp 2, chất thải rắn được phân loại, tái sử dụng một phần, sản xuất phân vi sinh quy mô nhỏ, xây dựng các ô chôn lấp hợp vệ sinh kết hợp đốt tiêu huỷ. Các khu tập trung và xử lý chất thải rắn cấp 3 (Diện tích 0,5ha - 1ha): Đặt tại các khu dân cư nông thôn cấp xã, đáp ứng cho các khu dân cư nông thôn có điều kiện phát triển. Các khu này tiếp nhận lượng chất thải rắn chưa được xử lý tại các hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng... sản xuất phân vi sinh quy mô nhỏ, chôn lấp hợp vệ sinh kết hợp đốt tiêu hủy.
Việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trên nhằm giúp địa phương này thực hiện hiệu quả mục tiêu về môi trường tại Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt chú trọng đến các mục tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt 98 - 99%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt 75%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%....
Nguồn:Quy hoạch các khu xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường