Quy hoạch không gian biển đảm bảo phát triển bền vững
Khai thác lợi thế phát triển các ngành kinh tế biển Yếu tố tạo đột phá trong phát triển bền vững ở Việt Nam |
Tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, Chiến lược nêu rõ “khẩn trương xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”.
Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 24/7/2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch không gian biển quốc gia. Mục tiêu chung của nhiệm vụ này là: “Bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”.
Để phát huy hiệu quả và bền vững các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ biển cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước tình hình mới của đất nước, đòi hỏi phải lập “Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch), làm cơ sở cho quản lý phát triển bền vững vùng biển, hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng, an ninh, thực hiện kết nối 3 trụ cột của quá trình phát triển bền vững là tăng trưởng cao, đảm bảo ổn định và công bằng xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường biển, sức khỏe của biển cho hôm nay và cả các thế hệ mai sau.
Việt Nam có nhiều cơ hội trong khai thác không gian biển với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên. |
Nước ta có bờ biển dài hơn 3.260 km và vùng biển lớn đứng thứ 27 trong 157 quốc gia ven biển và các quốc đảo. Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, diện tích biển của nước ta khoảng 1 triệu km2 , chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển Việt Nam có địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự quan trọng trong khu vực và thế giới, là nơi giao thoa của nhiều văn hóa lớn, một giao điểm trọng yếu của các tuyến hàng hải trên thế giới, và có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của nhiều quốc gia.
Theo các số liệu điều tra trong các năm trở lại đây, biển Việt Nam có khoảng hơn 2.000 loài cá, trong đó 130 loài có giá trị kinh tế. Nguồn lợi hải sản phân bố rộng khắp trên các vùng biển của Việt Nam. Nước ta cũng được ghi nhận là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học biển cao so với các nước trong khu vực và thế giới, với các hệ sinh thái nhiệt đới phong phú với nhiều loài có giá trị kinh tế cao, nhiều loài đặc hữu. Cả nước (đến năm 2020) có 12/16 Khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích: 206.225 ha, trong đó có 185.000 ha biển, chiếm 0,185 % diện tích vùng biển Việt Nam.
Các hệ sinh thái biển cùng với địa hình, địa mạo và địa chất ven biển độc đáo đã hình thành nhiều kỳ quan thiên nhiên và bãi biển biển, tạo ra tiềm năng du lịch lớn, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Việt Nam. Địa hình, địa mạo và địa chất cũng hình thành những điều kiện thuận lợi cho phát triển các cảng biển nước sâu.
Khoáng sản biển phong phú và đa dạng, như dầu khí, băng cháy, sắt, titan, cát thủy tinh và các loại sa khoáng khác. Khoáng sản ven biển và trên các đảo cũng được đánh giá là khá phong phú; đã xác định được trên 300 mỏ và điểm quặng, điểm khoáng hóa có sắt, trên 59 mỏ và điểm quặng có Titan. Vùng ven biển cũng là nơi tập trung nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng, như đá vôi, xi măng, sét, đá ốp lát… Ngoài các tài nguyên nêu trên, trong các vùng biển của nước ta còn nhiều giá trị khác như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, năng lượng thủy triều...
Với những lợi thế trên Việt Nam có nhiều cơ hội trong khai thác không gian biển, tuy nhiên cũng đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, bất ổn trong bối cảnh khu vực và quốc tế, thiếu hiệu quả trong giải quyết các mối quan hệ hợp tác phát triển cản trở sự hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng và khai thác không gian biển của Việt Nam; Việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển thông qua đối thoại, đàm phán có khả năng gặp nhiều khó khăn, không ký kết được Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) trước năm 2030.
Bên cạnh đó, phát triển cho các ngành kinh tế biển và các địa phương ven biển gặp nhiều khó khăn, tiếp tục diễn ra tình trạng di cư ngược từ biển vào bờ, dẫn tới khả năng một số đảo trắng dân Biến đổi khí hậu có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến khai thác, quản lý và sử dụng biển và các chính sách phát triển để ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu không dễ thực hiện; Phối hợp, tích hợp trong quản lý và khai thác, sử dụng không gian biển của các ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn do lợi ích đan xen và trình độ quản lý chưa cao.
Dự thảo Quy hoạch được xây dựng đảm bảo việc quản lý, sử dụng hiệu quả không gian biển; tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển theo hướng tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển; phát triển văn hóa, xã hội, các giá trị tự nhiên, lịch sử; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích quốc gia trên biển, hải đảo; đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.
Quy hoạch hướng đến mục tiêu quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích bảo tồn biển hướng tới mục tiêu 6,0%14 diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000; phát triển mạnh và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ ven biển; hạn chế, giảm thiểu tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở, bồi tụ bờ biển; ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.
Tổ chức, bố trí không gian biển bảo đảm thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển; kiên trì xây dựng và duy trì môi trường ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở cho việc khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển và hải đảo.
Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thiện việc phân bổ không gian biển nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, hệ sinh thái biển và hải đảo, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được sử dụng hiệu quả, bảo đảm cân đối được yêu cầu về phát triển bền vững kinh tế biển, mục tiêu thiên niên kỷ về biển, văn hóa, quốc phòng an ninh; bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên; đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; hoàn thành mục tiêu Việt Nam là quốc gia giàu mạnh về biển.
Dự thảo Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng và hoàn thiện sẽ là cơ sở cho quản lý phát triển bền vững vùng biển, hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng, an ninh. |
Dự thảo Quy hoạch đã đề cập chi tiết đến nguyên tắc xử lý các khu vực chồng lấn trong sử dụng biển. Theo đó, thứ tự ưu tiên trong việc xử lý chồng lấn được thực hiện: dành riêng cho quốc phòng - an ninh; tuyến hàng hải; khu vực bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái biển; các khu vực dành cho phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới.
Thứ tự ưu tiên có thể được thay đổi tùy theo định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước cho từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết mâu thuẫn sử dụng dựa trên các quy định sử dụng, nêu rõ hoạt động nào được phép, không được phép hoặc hạn chế, được xây dựng trên cơ sở phân tích tính tương thích giữa các hoạt động sử dụng trong một vùng với nhau và với đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái của vùng đó.
Ngoài ra, Quy hoạch được xây dựng trên nguyên tắc phân vùng để thực hiện các mục tiêu khác nhau. Việc phân vùng sử dụng đất ven biển được thực hiện theo quy hoạch 4 vùng phát triển kinh tế được xác định tại Nghị quyết 36/NQ-TW; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh có liên quan. Phân vùng sử dụng biển sẽ dựa vào hệ sinh thái và nhu cầu sử dụng của các ngành kinh tế biển, có tính liên vùng, liên địa phương.
Bên cạnh đó, ranh giới phân định trên biển giữa các địa phương, vùng lãnh thổ chưa được xác định nên các vùng sử dụng có thể nằm trong hơn một vùng phát triển kinh tế biển. Phần quy hoạch chi tiết và phân vùng sử dụng đảo do các địa phương được phân cấp quản lý thực hiện theo định hướng phát triển các đảo trong Quy hoạch này. Riêng với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ nghiên cứu lập quy hoạch trong một văn bản khác. Dựa trên kết quả đánh giá, xác định rõ lĩnh vực, mức độ ưu tiên trong khai thác, sử dụng tài nguyên, lựa chọn phương án phân vùng tối ưu để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh.
Quy hoạch được đánh giá là sẽ cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Nguồn:Quy hoạch không gian biển đảm bảo phát triển bền vững