Rạn san hô lớn thứ ba thế giới bị tẩy trắng
El Nino đe dọa sự phục hồi của rạn san hô Great Barrier Reef Australia hủy dự án khai thác than để bảo vệ Rạn san hô Great Barrier |
Khu vực ngoài khơi bờ biển Florida, những rạn san hô bị tẩy trắng trên diện rộng, nguyên nhân là do đợt nắng nóng vào cuối tháng 7 vừa qua. Có những thời điểm nhiệt độ nước biển ở khu vực này lên tới hơn 38 độ C. Theo các nhà khoa học tại Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), một số khu vực xung quanh đảo Florida Keys liên tục ghi nhận mức nhiệt tăng cao, thậm chí có những thời điểm nhiệt độ tăng cao 2 lần so với nhiệt độ thông thường. Đây được xem là mối đe dọa trực tiếp đến sự sống của các rạn san hô quanh đảo.
Tính riêng trong mùa hè này, nhiệt độ bề mặt đại dương ngoài khơi bờ biển Florida đã tăng lên trên 32 độ C. Rạn san hô Florida là rạn san hô lớn thứ ba thế giới, có tổng chiều dài hơn 560 km, trải từ đảo Dry Tortugas thuộc Vịnh Mexico đến Vịnh nhỏ St. Lucie Inlet cách Miami khoảng 185 km về phía bắc.
Hệ sinh thái tại đây là môi trường sống của hàng ngàn loài sinh vật biển, có vai trò rất lớn trong công tác bảo vệ, chống xói mòn và hỗ trợ thúc đẩy du lịch dựa trên một số hoạt động trải nghiệm như lặn biển, câu cá. Các rạn san hô được tạo thành từ các sinh vật nhỏ liên kết với nhau, màu sắc và thức ăn của các rạn san hô này bắt nguồn từ tảo biển sống bên trong chúng. Khi nhiệt độ quá cao sẽ phá hủy tảo bẹ và cỏ biển, gián tiếp làm cho các rạn san hô có màu trắng hoặc bị tẩy trắng.
Rạn san hô lớn thứ ba thế giới bị tẩy trắng (Ảnh minh họa). |
Hiện tượng tẩy trắng san hô đã xuất hiện dọc theo bờ biển Thái Bình Dương tại Colombia, Costa Rica, El Salvador, Mexico và Panama, cũng như dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Belize, Cuba, Puerto Rico và quần đảo Virgin tại Mỹ. Trước tình trạng nhiệt độ nước biển tăng cao, một số cá thể cá mập ngoài khơi bờ biển Oaxaca, Mexico đã biến mất.
Các nhà khoa học nhận định rằng hiện tượng này có thể sẽ sớm ảnh hưởng đến vùng biển Caribe và kéo theo sau đó là tình trạng tẩy trắng toàn cầu. Theo tính toán của các chuyên gia, các rạn san hô chiếm chưa đến 1% diện tích đại dương, nhưng ở một số thời điểm có tới 25% sinh vật biển phải sống phụ thuộc vào những rạn san hô này. Về mặt kinh tế, lượng hàng hóa và dịch vụ do các rạn san hô cung cấp được định giá lên tới 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Hội đồng Khoa học về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cảnh báo, trong trường hợp nền nhiệt toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C có thể làm rạn san hô ở các đại dương suy giảm từ 70-90%. Và nếu các nước không giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính, các rạn san hô có thể bị tẩy trắng hoàn toàn vào cuối thế kỷ này.
Nguồn:Rạn san hô lớn thứ ba thế giới bị tẩy trắng