Rộng đường cho tổ yến Đắk Lắk vươn xa
Đắk Lắk: Hy vọng mới cho tái canh cà phê tại Đắk Lắk Đắk Lắk: Bếp lửa miền sơn cước |
Định vị chất lượng
Đắk Lắk được đánh giá là địa phương có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, phù hợp để phát triển vùng nuôi yến, chất lượng sản phẩm tổ yến cao tương đương với yến đảo và yến miền Trung. Tuy nhiên, nghề nuôi yến với mục đích thương mại mới xuất hiện tại Đắk Lắk trong khoảng hơn 10 năm nay, nhưng lại phát triển rất mạnh mẽ, mang lại lợi nhuận cao cho chủ cơ sở nhà yến.
Theo số liệu từ các địa phương, toàn tỉnh có hơn 1.000 hộ nuôi chim yến, với khoảng 1.300 nhà yến trải khắp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột, các huyện: Ea Kar, Ea Súp, Krông Pắc...
Hiện nay, Đắk Lắk đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên về số lượng nhà yến và đứng trong top 10 tỉnh thành có số lượng nhà yến lớn nhất cả nước. Sản lượng tổ yến ước đạt 10 - 12 tấn/năm, chiếm khoảng 6,6% sản lượng tổ yến cả nước, sản lượng cao nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, đa số các chủ cơ sở nhà yến được trang bị kiến thức, chủ động chú trọng đầu tư áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình xây dựng, dẫn dụ, vận hành, khai thác. Ngoài DN, nhiều cơ sở nuôi yến cũng đã tham gia vào các chuỗi liên kết trong và ngoài tỉnh để gia tăng giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra.
Khâu sơ chế tổ yến tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung. |
Hiện nay, đã có một số DN xây dựng thương hiệu cho sản phẩm yến sào Đắk Lắk, tiêu biểu như thương hiệu Yến sào Thành Dung (huyện Krông Pắc). Đây là một DN nuôi yến khá sớm của tỉnh, với nhiều sản phẩm, như: yến tinh chế, yến hũ, sữa chua yến sấy thăng hoa… Theo bà Phạm Thị Phương Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung, tiềm năng phát triển nghề nuôi yến ở Đắk Lắk là rất lớn. Đặc biệt, chất lượng tổ yến của Đắk Lắk tốt chỉ sau yến đảo, mùi thơm cũng như sợi yến có độ dai, thơm. Lâu nay, sản phẩm của đơn vị cũng đã được nhiều khách hàng Trung Quốc tin dùng và chủ yếu bán qua con đường tiểu ngạch.
Sẵn sàng cho các lô hàng thông quan
Sau gần 5 năm nỗ lực trao đổi, đàm phán, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 9/11/2022. Đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm tổ yến của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường Trung Quốc và được kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Sản phẩm tổ yến của Đắk Lắk bày bán tại một cửa hàng ở huyện Krông Pắc. |
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, ngay sau khi Nghị định thư có hiệu lực, Sở đã chủ động cử cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo do Bộ NN-PTNT tổ chức. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định thư; phối hợp với Hội Yến sào Đắk Lắk tổ chức hội thảo: "Hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm tổ yến và tinh chế tổ yến - Quy trình vận hành nhà yến hiệu quả - Vệ sinh thú y nhà yến". Ngoài ra, một số DN sản xuất yến tại tỉnh đã triển khai thực hiện, hoàn thiện các điều kiện để đăng ký xây dựng mã định danh, sản xuất sản phẩm theo chuỗi truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn hướng đến phục vụ xuất khẩu. Sở đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Chi cục Thú y vùng V (trực thuộc Cục Thú y) tổ chức nhiều đợt lấy mẫu giám sát dịch bệnh tại các nhà yến của tỉnh Đắk Lắk trong chuỗi liên kết của các DN lớn trong lĩnh vực này để hướng đến phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quy trình để đề xuất UBND tỉnh xem xét cho chủ trương xây dựng “Đề án phát triển ngành hàng Yến sào tỉnh Đắk Lắk”.
Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Phương Dung, sau khi có thông tin tổ yến Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, công ty đã bắt tay ngay vào xây dựng hồ sơ sản phẩm. Công ty hiện đang liên kết với hơn 40 nhà yến trên địa bàn huyện Krông Pắc và một số địa phương khác, với sản lượng khoảng 6 tấn/năm nhằm chuẩn bị nguồn cung cho thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, Yến sào Thành Dung là một trong 4 DN của Việt Nam được xuất khẩu yến sào chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; công ty đang chuẩn bị đóng gói sản phẩm để xuất đi.
Hiện Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Khi yến sào xuất khẩu chính ngạch thì giá trị sẽ tăng lên 7 – 8 lần, mang về kim ngạch xuất khẩu lớn cho tỉnh. Theo đó, để có được lô hàng đáp ứng những quy định của thị trường nhập khẩu, Hội Yến sào Đắk Lắk đã thống kê số lượng, thông tin của các nhà yến để thực hiện cấp mã số định danh và quản lý nhà yến; tiến hành liên kết với một số DN trong chuỗi cung ứng liên quan đến xuất khẩu, đưa một số nhà yến của hội viên vào chuỗi xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Đến thời điểm này, các DN của Đắk Lắk đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, chờ cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá để đưa sản phẩm yến sào Đắk Lắk bước vào thị trường tỷ dân bằng con đường lớn.
Nguồn: Rộng đường cho tổ yến Đắk Lắk vươn xa