Sạt lở bờ sông nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn của nhiều hộ dân ở Quảng Ngãi
Mới đây, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cho biết, do mưa, lũ trong thời gian qua, nhất là đợt mưa, lũ vào cuối tháng 11 vừa qua khiến vị trí bờ sông Trà Khúc, đoạn qua thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn tiếp tục gia tăng mức độ sạt lở, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều hộ dân trong khu vực.
Sạt lở bờ sông Trà Khúc, đoạn qua thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh uy hiếp nhiều hộ dân (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Trước đó, tháng 12/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở núi, bờ sông, hư hỏng tại các công trình do mưa, lũ gây ra, trong đó điểm có sạt lở bờ sông Trà Khúc, đoạn qua thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn, nhưng do không có kinh phí nên chưa triển khai được.
Đến cuối tháng 11/2024, mưa, lũ dâng cao làm điểm sạt lở bờ sông Trà Khúc, đoạn qua thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn dài khoảng 5,5km tiếp tục gia tăng mức độ sạt lở, đe dọa trực tiếp đến an toàn của 6 hộ/25 khẩu và các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực. Nguy hiểm nhất, sạt lở ăn sâu đến gần nền nhà của một hộ gia đình.
Ngoài việc triển khai tình huống ứng phó ban đầu, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tịnh đã có Tờ trình đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi sớm công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa, lũ gây ra đối với khu vực sạt lở bờ sông Trà Khúc, đoạn qua thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh.
Trước sự cần thiết của việc khắc phục điểm sạt lở bờ sông Trà Khúc, đoạn qua thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí khoảng 25 tỷ đồng cho huyện Sơn Tịnh triển khai các biện pháp khắc phục mang tính kiên cố, giúp người dân an tâm, ổn định cuộc sống.
Sạt lở bờ sông Trà Khúc tại thôn An Thọ) là 1 trong nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang diễn ra khá nghiêm trọng, tại địa bàn Quảng Ngãi.
Theo thống kê mới đây nhất (ngày 11/12/2024) của chính quyền Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn tỉnh còn có ít nhất 7 khu vực bờ sông, bờ biển đang bị sạt lở, đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 210 hộ dân.
Quảng Ngãi vẫn còn có 160 điểm nguy cơ sạt lở đồi núi |
Điều đáng nói khác là cùng với sạt lở bờ sông, bờ biển còn có 160 điểm nguy cơ sạt lở đồi núi (trong đó có 67 điểm đang nguy cơ cao khi có mưa lớn kéo dài); hàng loạt công trình hạ tầng và dân sinh khác, đặc biệt là thủy lợi cũng đang lâm vào tình cảnh bị hư hại, do mưa lũ gây ra.
Trước tình hình và diễn biến nêu trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cấp, ngành chủ quản và liên quan tổ chức kiểm tra hiện trường, đề xuất cấp thẩm quyền các biện pháp xử lý, khắc phục.
Tuy nhiên với số lượng vị trí, công trình…bị sạt lở và hư hỏng nhiều, trong khi nguồn kinh phí của địa phương đang gặp khó khăn, kéo dài…UBND tỉnh đề nghị bộ, ngành và cấp thẩm quyền T.Ư xem xét, hỗ trợ cho Quảng Ngãi 1.280 tỷ đồng, để khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở.
Sạt lở đất có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Dưới đây là một số tác động chính: Thiệt hại về đất đai: Sạt lở đất làm mất đi lớp đất màu mỡ, gây khó khăn cho việc trồng trọt và phục hồi hệ sinh thái. Mất đa dạng sinh học: Lũ quét và sạt lở có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài động thực vật, dẫn đến giảm đa dạng sinh học. Ô nhiễm nguồn nước: Sạt lở có thể mang theo chất thải, hóa chất và rác thải, gây ô nhiễm các nguồn nước như sông, suối. Tăng nguy cơ thiên tai: Những khu vực đã trải qua lũ quét và sạt lở đất có thể dễ bị tổn thương hơn trong các trận lũ lụt hoặc sạt lở tiếp theo. Hủy hoại cơ sở hạ tầng: Các công trình như cầu, đường giao thông và nhà cửa có thể bị phá hủy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế. Thay đổi địa hình: Sạt lở có thể làm thay đổi cấu trúc địa hình, ảnh hưởng đến dòng chảy của nước và làm tăng khả năng xảy ra lũ quét trong tương lai. |
Nguồn: Sạt lở bờ sông nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn của nhiều hộ dân ở Quảng Ngãi