Sơn La: Tích cực bảo vệ môi trường, phòng chống ô nhiễm
Nhận thức rõ tầm quan trọng về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, không khí, tỉnh Sơn La đã sớm xây dựng Kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả quản lý chất lượng môi trường.
Cùng với đó, chủ động rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, nhất là tại các lưu vực suối, hồ, khu vực lưu chứa, chôn lấp chất thải, khu vực khai thác tài nguyên, khoáng sản để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, cảnh báo người dân trong khu vực về nguy cơ sự cố, ô nhiễm môi trường.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Sơn La cho biết, năm 2024, Sở TN&MT đã hoàn thành kiểm tra 11/11 đơn vị theo kế hoạch đã đề ra, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Qua đó, đã phát hiện 3 tổ chức có hành vi vi phạm; đã lập biên bản vi phạm, trình cấp có thẩm quyền xử phạt với tổng số tiền trên 650 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong cấp, thu hồi Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện đối với UBND huyện Mai Sơn.
Giám sát và phối hợp giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đối với 11 cơ sở, trong đó, 5 cơ sở thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ TN&MT. Tiến hành xác minh 6 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường gồm: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại bản Khương Tiên, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.
Tình trạng rác thải y tế được vứt bỏ tại bãi rác huyện Mộc Châu; tình trạng ô nhiễm nước tại tổ 6 phường Chiềng Sinh thành phố; Xác minh, giải quyết kiến nghị của các hộ dân tại Bản Nong Ỏ, xã Púng Tra, huyện Thuận Châu; xác minh, làm rõ phản ánh hộ gia đình xả nước thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu…
Đồng thời, ban hành 12 văn bản xác minh, chỉ đạo xác minh thông tin phản ánh ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Kết quả xác minh, đa số cơ sở bị phản ánh đều thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, xã. Song, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT đã tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với UBND cấp huyện tiến hành xác minh, lấy mẫu phân tích, làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hoặc kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xác minh tính chính xác của thông tin.
Từ đó, đề xuất các giải pháp xử lý theo quy định, góp phần khắc phục tình trạng gây ô nhiễm cục bộ tại một số địa phương. Trong công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, đã tham mưu trình UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với một số đơn vị doanh nghiệp tại huyện Thuận Châu. Thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với 7 cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung.
Lực lượng chức năng tỉnh Sơn La kiểm tra khu vực xử lý nước thải tại doanh nghiệp chế biến cà phê tươi trên địa bàn huyện Thuận Châu. (Ảnh minh hoạ: NN). |
Trên cơ sở đó, Tổ công tác đã thành lập 3 Đoàn giám sát. Đến nay, 3 đoàn giám sát đã thực hiện giám sát đầu niên vụ với các cơ sở chế biến nông sản. Đồng thời xác minh 1 thông tin phản ánh về nước thải từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê tươi gây ô nhiễm nguồn nước mặt trên địa bàn xã Chiềng Ban, Chiềng Mai huyện Mai Sơn và phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Tại các huyện, thành phố, đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt.
Các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải đạt chuẩn. Chỉ đạo UBND cấp xã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động chế biến nông sản, không để phát sinh các cơ sở tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, công trình biện pháp bảo vệ môi trường hoạt động.
Đặc biệt giám sát hoạt động của các đơn vị không có công trình xử lý nước thải nhất là vào thời gian từ 18h đến 5h sáng ngày hôm sau, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sơn La cho biết, thời gian qua, công tác chỉ đạo, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường luôn được tỉnh Sơn La quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đã đổi mới công tác quản lý môi trường từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm môi trường. T
Trọng tâm là phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm từ hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi, thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh. Cùng với hoạt động kiểm tra, giám sát, đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện các thủ tục, hồ sơ về môi trường. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt. Bên cạnh đó, Sở TN&MT còn chú trọng phòng ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngay từ giai đoạn thẩm định các thủ tục hành chính về môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường)…
Người dân tổng vệ sinh môi trường tại khu vực sinh sống. (Ảnh minh hoạ). |
Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ môi trường hiệu quả, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị.
Triển khai Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Đồng thời chủ động tổ chức các hoạt động cộng đồng như: Ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hành động thiết thực, hiệu quả. Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích sử dụng từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Gắn trách nhiệm quản lý môi trường trên địa bàn quản lý với trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường thành điểm nóng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân…/.
Nguồn: Sơn La: Tích cực bảo vệ môi trường, phòng chống ô nhiễmvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvvv