Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với tăng trưởng xanh
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh từ khí sinh học Đánh thức tiềm năng điện gió trong phát triển kinh tế-xã hội |
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, bảo tồn tài nguyên năng lượng là giải pháp quan trọng trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các ngành nghề
Để triển khai thực hiện chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (SDNL TK&HQ) cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 (VNEEP3), Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch và mục tiêu hành động với những mục tiêu cụ thể như, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy SDNL TK&HQ thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực SDNL TK&HQ.
Hình thành thói quen SDNL TK&HQ trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; TKNL trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019-2030 đã đề ra 2 mục tiêu cụ thể. Ở giai đoạn 1, từ 2019-2025 phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Giai đoạn 2, từ 2025-2030 đạt mức TKNL 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Gần đây nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 đã được phê duyệt với mục tiêu rõ rệt là tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ.
Trên cơ sở Quyết định 280/QĐ-Ttg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình VNEEP3, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Khung kế hoạch 5 năm bám sát 9 hợp phần của Chương trình với đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể. Các hoạt động tập trung vào: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý; Hỗ trợ kỹ thuật tài chính thúc đẩy TKNL; Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam; Tăng cường năng lực; Đẩy mạnh truyền thông, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học.
Đánh giá về tiềm năng TKNL của Việt Nam trong tương lai, bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) cho hay: Việt Nam là quốc gia có cường độ tiêu thụ năng lượng cao nhất trong khu vực, do đó tiềm năng tiết kiệm năng lượng nói chung, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp còn rất nhiều. Trong thời gian vừa qua chính phủ đã có những luật, chương trình thúc đẩy SDNL TK&HQ. UNIDO cũng đã đồng hành cùng chính phủ, cũng như các bộ ngành áp dụng các giải pháp và công nghệ mới, xây dựng những chính sách về tiêu chuẩn, quy chuẩn TKNL trong rất nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.
Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí trong sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, chiếu sáng công cộng, cho đến tiêu thụ năng lượng tại công sở và hộ gia đình. Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sử dụng hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh năng lượng
Vấn đề an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện, và an ninh năng lượng nói chung cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đang có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, nên đã và đang có nhu cầu gia tăng năng lượng cao. Tuy nhiên, chi phí năng lượng và giá nguyên vật liệu cao, sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự phát triển của nền kinh tế.
Do đó, phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, cùng với những ứng dụng công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ giúp làm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Hơn thế nữa, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là vấn đề cấp thiết đi đôi với sử dụng tiết kiệm và hiệu quả ở nhiều quốc gia hiện nay, chứ không riêng Việt Nam.
Trong những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.
Ngày 7/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Mặt khác, ngày 11/2/2020, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính Trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã nêu rõ tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Tiết kiệm năng lượng có những lợi ích rất to lớn như bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia; Bảo vệ môi trường, giảm rác thải, hiệu ứng nhà kính; Giúp cho ngành năng lượng nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển bền vững.
Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt, như tiết kiệm năng lượng; quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản. |
Nguồn: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với tăng trưởng xanh