Tập đoàn Thành Huy lại bị cảnh cáo vì chậm tiến độ
Chậm tiến độ thi công, Tổng công ty Trường Sơn và Cienco 4 bị cảnh cáo Vừa bị cảnh cáo chậm tiến độ, Tập đoàn Thành Huy đã xin nhận thầu cao tốc Bắc - Nam |
Ban QLDA Mỹ Thuận vừa có văn bản cảnh cáo việc chậm tiến độ thi công nhà thầu phụ Thành Huy thuộc gói thầu XL-02, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, tại Văn bản 2789 được ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận ký gửi đích danh ông Nguyễn Phi Long - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Huy nêu rõ: "Theo ý kiến thống nhất tại cuộc họp ngày 7/9/2022 do Ban QLDA Mỹ Thuận chủ trì, nhà thầu cam kết tiến độ thi công tại gói thầu XL-02 thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 với các mốc thời gian như sau: Cầu kênh 19/5 hoàn thành bê tông bản nắp mố M1, mố M2 và bê tông bản mặt cầu trước ngày 30/9/2022; đắp gia tải giai đoạn 2 (khối lượng còn lại khoảng 2.350m3) hoàn thành trước ngày 15/9/2022".
Tuy nhiên, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, từ ngày 10/9/2022 đến nay, tiến độ thi công của nhà thầu vẫn không chuyển biến đáng kể, cụ thể: Khối lượng đắp gia tải giai đoạn 2 trên tuyến chính thi công cầm chừng, mới đạt 3.050 m3/5.400 m3; cầu kênh 19/5 lao dầm xong từ ngày 15/9/2022, nhưng đến nay nhà thầu chưa tổ chức thi công dầm ngang và bản mặt cầu.
Từ đó, Ban QLDA Mỹ Thuận cảnh cáo Công ty CP Tập đoàn Thành Huy chưa nghiêm túc thực hiện kế hoạch do chính đơn vị đề ra và các yêu cầu của Ban QLDA Mỹ Thuận để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đặc biệt là cầu kênh 19/5 chưa có kế hoạch thi công bản mặt cầu.
Cũng về việc chậm tiến độ, trước đó vào đầu tháng 8/2022, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy cũng nằm trong danh sách nhà thầu (Tập đoàn Miền Trung - Tập đoàn Thành Huy - Công ty TNHH Như Nam) bị Ban QLDA Mỹ Thuận phát văn bản cảnh cáo tại một công trình khác do chậm tiến độ thi công là dự án đầu tư xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên.
Đáng chú ý, dù đang chậm thi công và bị chủ đầu tư cảnh cáo ở hai dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và tuyến tránh Long Xuyên nhưng trong tháng 9/2022, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy đã phát văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT xin tham gia thi công dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với tổng giá trị đề xuất đảm nhận khoảng 3.000 tỷ đồng
Cụ thể, đơn vị này xin chỉ định thầu đoạn cuối của dự án thành phần Hàm Nghi – Vũng Áng với chiều dài khoảng 14,2km (Km554+00-Km568+200) và đoạn đầu của dự án thành phần Vũng Áng - Bùng với chiều dài khoảng 10km (Km568+200-Km577+800).
Để chuẩn bị cho công tác lựa chọn nhà thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, đầu tháng 9/2022, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có phương án dự kiến phân chia quy mô của các gói thầu.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị phân chia gói thầu với phạm vi khoảng 20 - 40 km/1 gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Theo đó, 12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729 km, dự kiến chia khoảng 30 gói thầu, số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/1 gói thầu.
Để được lựa chọn làm nhà thầu thi công tại các gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 theo hình thức chỉ định thầu, chắc chắn các nhà thầu sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chí từ phía bên mời thầu đưa ra, trong đó một trong những tiêu chí quan trọng nhất là năng lực và kinh nghiệm thi công. Theo quy định của pháp luật hiện hành về lựa chọn nhà thầu, để có thể tham gia vào các gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thì nhà thầu phải từng thực hiện các hợp đồng tương tự ít nhất bằng 50% giá trị của gói thầu đang xét. Do đó, để tham gia vào các gói thầu nhỏ nhất của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (dự kiến là 3.000 tỷ đồng) thì nhà thầu phải đáp ứng điều kiện quan trọng là đã từng thực hiện các hợp đồng trị giá 1.500 tỷ đồng. Nếu xét theo tiêu chí này, số lượng các nhà thầu trong lĩnh vực xây lắp giao thông hiện có thể đáp ứng điều kiện này không nhiều. |
Nguồn: Tập đoàn Thành Huy lại bị cảnh cáo vì chậm tiến độ