Tây Ninh: Cù lao- dấu tích trăm năm
Tây Ninh: Nữ sinh nghèo nỗ lực vượt khó Tây Ninh: Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi kết hợp theo chuỗi giá trị |
Bến thuyền cũ từ khu phố 1 sang cù lao.
Trong bài “Rừng trong phố” đăng trên Báo Tây Ninh số ra ngày 14.6.2023, có một cái tên thường được ông Năm, người coi giữ trên cù lao nhắc đến với vẻ tự hào. Đấy là đất nhà hàng xóm của ông là của thầy giáo Văn. Mặt khác, chúng tôi đã biết phần đất ấy từng thuộc về hậu duệ của cụ Nguyễn Cư Hiến, tự Quốc Biểu- một trong những người con của nhà giáo nổi tiếng đất Tây Ninh Dương Minh Đặng.
Dò tìm trong gia phả họ Dương- làng Ninh Thạnh Tây Ninh, mới biết rằng thầy giáo Văn chính là con rể của cụ Quốc Biểu. Ông chính là chồng của bà Việt Nữ, con gái lớn của cụ Quốc Biểu, tên thường gọi là Nguyễn Thị Hiệp, tự Ngọc Bích.
Bà Việt Nữ cũng là một nhân vật được ghi vào hầu hết các trang sử sách Tây Ninh từ thời kỳ đầu, sau cuộc cách mạng mùa thu diễn ra ngày 25.9.1945 ở Tây Ninh. Như sách Truyền thống cách mạng của phụ nữ Tây Ninh (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh, năm 1991) có đoạn: “Ở vùng thị xã Tây Ninh, ta có tổ chức lãnh đạo, có người phụ trách từ đầu là chị Việt Nữ.
Sau mấy tháng hoạt động, khi giặc chiếm thị xã, Ban Chấp hành lâm thời Hội Phụ nữ tỉnh rút về phân tán. Chị Việt Nữ cùng các chị Tư Chia, Sáu, Liên ở lại hoạt động bí mật. Các chị lo tổ chức vận động bà con ở Thị xã làm lương khô cho bộ đội rút ra ngoài tỉnh lỵ hoạt động kháng chiến… Lần Ty Thông tin cần chữ in, đích thân chị xuống Sài Gòn mua chữ in, đem về trộn trong gạo chở xe bò ra, sàng lấy chữ và đãi sạch gạo để dùng luôn cả gạo… Chị đã 2 lần bị ngồi tù vì bọn chúng (TD Pháp- TV)…” (trang 49-50).
Tập kỷ yếu 66 năm truyền thống Báo Tây Ninh (2012) cũng ghi nhận những tờ báo cách mạng được xuất bản đầu tiên ở Tây Ninh là tờ Tin tức, phát hành vào tháng 10.1946. Sau 3 số (3 tháng) thì được nâng cấp lên thành tờ báo Dân Quyền: “Luật sư Dương Minh Châu (nguyên Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh- TV) giao cho một người cháu của ông ở thị xã Tây Ninh là bà Việt Nữ, cơ sở hậu cần tiếp tế của Ban Tuyên truyền, tìm cách móc nối với ông Phan Minh Chọn (tức Phan Văn) là cơ sở cách mạng đang làm việc trong xưởng in Sở Trường Tiền của Pháp tại Tây Ninh.
Hai tờ Dân Quyền số 1 và 2 in bằng đất sét được chuyển đến ông Phan Văn. Ông đem báo về Sở Trường Tiền in lại bằng sương sa và bí mật phổ biến trong hàng ngũ Nam Thành đoàn, một tổ chức tiến bộ của tầng lớp trí thức, công chức, học sinh, tiểu tư sản thành thị…”.
Như vậy thì, bà Việt Nữ không chỉ là người có công đầu với phong trào cách mạng của phụ nữ Thị xã (nay là TP. Tây Ninh) mà còn là người có công đầu với sự ra đời và phát triển Báo Tây Ninh.
Chồng bà Việt Nữ, ông giáo Lê Chí Thành, tự Cổ Lệ chính là người đứng tên mua một phần đất trên cù lao Gò Chẹt. Biết được điều này là nhờ gia phả họ Dương- Ninh Thạnh. Gia phả cho biết một trong 6 người con của ông Lê Chí Thành và bà Việt Nữ là Đại tá Lê Sự (nay đã mất). Lúc sinh thời, ông Sự đã về đây tiếp tục quản lý phần đất của cha để lại ở Cù lao.
Đáng chú ý, không chỉ là con rể cụ Quốc Biểu, Cổ Lệ - Lê Chí Thành còn là một thành viên trong văn đàn Quốc Biểu được lập năm 1923. Do vậy, ông đã “mua đứt” một phần cù lao để làm nơi hội họp, đàm đạo văn thơ và dĩ nhiên, các vấn đề “quốc sự” liên quan đến vận mệnh nước nhà.
Lại nói về cụ Quốc Biểu, người được coi là “chủ suý” của văn đàn. Thì cụ chính là một trong 10 nhân vật lịch sử Tây Ninh được kể đến trong sách Tây Ninh xưa. Trong đó, thời cận đại chỉ có 2 người là cụ Võ Văn Sâm và Quốc Biểu. Theo những ghi chép khá chi tiết của tác giả Huỳnh Minh, thì Quốc Biểu là một nho sĩ có tinh thần yêu nước.
Trong các “bạn giao kết” của ông có cả các nhà cách mạng Trần Huy Liệu và Nguyễn An Ninh. Do vậy, “óc cách mạng của ông bắt đầu chớm nở, thường dùng những bài thơ xướng hoạ để thức tỉnh nhân dân đứng lên chống Pháp…”.
Từ một bài thơ hoạ được coi là tuyệt tác, Huỳnh Minh phân tích: “Mượn lấy vần thơ kêu gào đoàn kết, phổ ra ý chí quật cường quật khởi, mày gốc rậm xin người gắng chí, vạch mây trời cầu bạn ta tay, có nghĩa đen là đế quốc đã đặt ra một nền tảng vững chắc như một gốc cây trên đất nước ta, nên ông khuyên cùng nhau cố gắng mày (mài) dũa (giũa) nhiều người, lâu ngày gốc cây cũng phải tróc gốc, vạch mây mù cho ánh mặt trời để cho mặt trời soi sáng cả sơn hà. Thanh thế hạc bầy kêu rạp tiếng, Nước non riêng thú! Biết là ai? Có nghĩa đen là: chúng ta như hạc bầy bay khắp gầm trời, cùng chung nhau chống xâm lăng thì non nước này riêng về chúng ta, đâu còn là của ai nữa…”.
Về chuyện mua đất cù lao Gò Chẹt, cũng là có lý do. Đấy là thoạt đầu cụ Quốc Biểu “mua một vuông đất ở Suối Độn (đường đi núi Bà) cất một túp lều tranh giữa rừng suối hoang vắng, ngày trồng rau cải nhưng nhiều đêm có cuộc hội họp giữa các văn nhân Sài Gòn, nhất là cụ Nguyễn An Ninh thường lui tới giữa đêm khuya giá rét…
Lúc bấy giờ có nhà sư cách mạng danh hiệu là Nhất Thiện cùng ông lên Đánh bạc (núi Bà Đen) cất am giả, dứt bỏ cuộc đời cho người Pháp không còn hoài nghi nhưng trong thâm tâm là để cử đồ đại sự. Ty Mật thám lại sai người giả khách thập phương đến đây viếng cảnh, thấy thế Quốc Biểu bèn vào nơi Gò Chẹt- một cù lao tứ bề nước chảy, cũng một định hướng là mượn lấy vần thơ để cổ động phong trào chống Pháp…”.
Như chúng ta đã biết, các ông trong văn đàn Quốc Biểu đã “mua đứt” một phần gò trên cù lao (do thầy giáo Văn- Cổ Lệ Lê Chí Thành đứng tên) để phục vụ cho mục đích trên. Câu chuyện này đã xảy ra vào thập niên 20 của thế kỷ 20.
Một trăm năm đã trôi qua kể cả từ ngày văn đàn Quốc Biểu ra đời. Nước vẫn miệt mài chảy trôi quanh bốn bề Gò Chẹt. Thơ các cụ cũng chỉ còn lại đôi bài được Huỳnh Minh chép lại. Nhưng thiên nhiên vùng cù lao có lẽ vẫn như xưa.
Con cháu các cụ vẫn kiên trì giữ lại một chút kỷ niệm của ông cha, dù đất gò vẫn trảng vẫn rừng, bóng cả cây cao cùng lùm bụi. Không chỉ có chim kêu mà còn cơ man muỗi với vắt rừng. Những căn lều xưa thời văn đàn tụ họp cũng không còn. Chỉ còn lại túp lều của ông Nguyễn Sự- một Đại tá Chính uỷ trung đoàn của Quân giải phóng miền Nam, tụ hội với bạn bè khi ông đã về hưu.
Cũng có thêm một túp nhà sàn, cây chống tôn thiếc xuềnh xoàng để con cháu nơi xa về nghỉ tạm. Còn nữa, là một tháp mộ kiêm bia tưởng niệm dòng họ Dương do ông Nguyễn Sự xây, quy tụ một số hài cốt người thân khi Nhà nước giải toả nghĩa địa “Đất thánh” để xây chợ phường 3. Tháp cao chừng 2 mét, có hình chóp nhọn hình tam giác, đứng chơ vơ lút trong cỏ giữa rừng. Có lẽ đấy là những tàn tích cuối cùng của văn đàn Quốc Biểu.
Nghĩ cho cùng, giữ được như thế cũng là biết bao cố gắng, kiên trì. Trải qua trăm năm, ba bốn đời người, trên mảnh đất hoang vu hầu như không sinh lợi. Nhưng, người hàng xóm duy nhất của con cháu ông Sự là gia đình ông Năm với hơn nửa gò còn lại vừa bán đi. Người mua có lẽ có một dự báo tốt đẹp về tương lai của vùng đất mang tên Gò Chẹt. Có thể ông đã đúng, vì trước sau gì thì miền đất nước “vang bóng một thời” này sẽ được phục hồi, vang bóng hơn xưa.
Nguồn: Cù lao- dấu tích trăm năm