Tây Ninh: Giữ hương vị tết
Tây Ninh: Nhiều hoạt động thu hút du khách trong dịp tết Tây Ninh: Tết ấm tình đồng đội |
Ngày tết vui tươi tại gia đình bà Hiên
Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, hân hoan đón chào năm mới bên những người thân yêu. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng nét văn hoá cổ truyền của dân tộc trong dịp tết vẫn được gìn giữ, lưu truyền thế hệ mai sau.
Ngày tết của mỗi gia đình
Bà Vũ Thị Kim Chi (68 tuổi) và ông Nguyễn Đức Bạo (73 tuổi) ngụ thị trấn huyện Tân Châu từ miền Bắc vào Tây Ninh đã mấy mươi năm mà vẫn giữ phong tục tết ở quê. Bà Chi nói: “Tôi nghĩ phong tục ngày tết không bao giờ bỏ được vì đó là truyền thống văn hoá của dân tộc mình”.
Với bà Chi, nét đặc biệt chính là sự “cộng đồng” của những người trong họ hàng, thân tộc. “Chúng tôi vào đây đã mấy mươi năm, anh em họ hàng hai bên khá đủ đầy. Tết đến là đi thăm, chúc tết từng nhà. Thói quen đó đến giờ vẫn duy trì”.
Ngày tết trong gia đình bà Chi không thể thiếu bánh chưng- món bánh đặc trưng của người miền Bắc. Bà nói: “Nếu không có bánh chưng thì không có vị tết. Vì vậy, tết năm nào tôi cũng gói nhiều bánh chưng. Phần để gia đình, phần chia cho các con và biếu sui gia, họ hàng”.
Bà Chi chia sẻ ngày tết cả gia đình cùng sum vầy trong lễ đón giao thừa, uống chung rượu, cùng nhau chúc tết, mừng tuổi, chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm. Ngày thường, trong nhà chỉ có vợ chồng bà Chi, ông Bạo thì tết đến, các con ở xa về và các con ở gần đến chung vui. Truyền thống đó không những để cho lớp người cao tuổi vẫn được sống trong không khí Tết cổ truyền, mà còn để thế hệ trẻ cũng như con cháu hiểu về phong tục tết cổ truyền của dân tộc.
Bà Dương Thị Thu Phượng (khu phố 1, phường 1, thành phố Tây Ninh) chia sẻ, trước tết, gia đình có truyền thống con cháu sẽ đến thăm hỏi những người lớn tuổi, sau tết sẽ là những cuộc đoàn tụ gia đình.
Những năm gần đây, nhà ít người nên ngày tết bà không gói bánh hay chuẩn bị gì nhiều. Nhưng bà vẫn tự tay nấu mâm cơm cúng ông bà. Những việc như viếng mộ, dọn dẹp, sắm sửa vẫn thực hiện theo nếp xưa. Gần tết, các con bà Phượng đều về dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón tết cùng bà. Bà nói: Tết là dịp sum họp. Tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng nhau chuẩn bị cho ngày Tết, người lớn thì tất bật dọn dẹp, sắm sửa, trẻ con thì náo nức vui đùa. Cả gia đình cùng nhau đi tảo mộ, mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Đêm giao thừa, con cháu, họ hàng cùng tề tựu về nhà thờ tổ để đón phút giây chuyển giao năm mới. Sau đó chúc tết nhau; cùng trò chuyện vui vẻ, chúc lời tốt đẹp cho một năm mới.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hiên, 68 tuổi, ngụ ấp Long Hải, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành là một gia đình nông thôn điển hình. Với gia đình bà Hiên, gói và nấu bánh tét đón giao thừa được duy trì nhiều năm nay.
Ngày cuối năm, bà Hiên gói bánh, các con bà canh bánh chờ giao thừa. Việc này trở thành “nếp nhà” bao nhiêu năm qua. “Gói bánh tuy cực nhưng vui, các con tôi tề tựu đông đủ, chia việc nhau làm nên nhanh chóng”- bà Hiên chia sẻ.
Đây là thời điểm quý báu để gia đình đoàn tụ sau một năm làm việc, mọi người có thêm thời gian quây quần bên nhau, kể về một năm cũ đã qua và hy vọng một năm mới sung túc. Các thành viên được gắn kết với nhau hơn, đặc biệt là các cháu nhỏ cũng rất vui vẻ và háo hức được xem ông bà, bố mẹ gói bánh, được học cách gói bánh.
Bà Hiên trang trí cây cảnh đón tết
Cùng gìn giữ nét truyền thống
Hiện nay ngày tết đã được đơn giản hơn so với trước đây, nhưng không ít các gia đình vẫn gìn giữ những phong tục cổ truyền ngày Tết, với mong muốn làm cho các thế hệ trong gia đình gắn kết hơn và trân quý những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Với gia đình ông Nguyễn Đức Bạo, một gia đình có truyền thống cách mạng, công chức mẫu mực, những bữa cơm sum họp ngày tết, ông bà “tranh thủ” hướng dẫn, chỉ dạy cách sống cho các con, các cháu.
Ông nói: “Chúng tôi đến hiện tại vẫn còn phải học hỏi không ngừng, học hỏi những cái hay và bỏ đi những cái chưa tốt. Học để rút kinh nghiệm trong cuộc sống. Và với gia đình tôi, ngày tết vẫn phải duy trì, để giáo dục cho con cháu về những truyền thống tốt đẹp. Ông bà, cha mẹ có mẫu mực mới làm gương cho con cháu, con cháu có ngoan ngoãn thì mình mới có tiếng nói”.
Bà Hiên chuẩn bị thực phẩm cho ngày tết.
“Những ngày tết, các con cháu dù bận bịu vẫn cố gắng về sum họp, chúc tụng. Điều đó mang đến niềm vui cho người già. Người lớn tuổi, nhận những lời chúc, món quà- dù nhỏ từ con, cháu đều rất hạnh phúc vì sự quan tâm của con cháu với mình. Còn với các con, cháu, được mừng tuổi, nhận lời chúc từ ông bà, cha mẹ đều vui vẻ”- bà Phượng lý giải.
Ngày nay, người trẻ có thể thích cuộc sống tự do, nhưng những gì thuộc về truyền thống phải gìn giữ. Bà Phượng chia sẻ: “Dù lớn tuổi nhưng tôi vẫn mong tết. Một năm mới bắt đầu, thời gian của mình sẽ ngắn đi.
Mỗi năm đến tết, với tôi là được ở gần con cháu, có dịp nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn đạo lý của gia đình, không được quên nguồn gốc tổ tiên”. Còn bà Nguyễn Thị Hiên cho biết: “Tôi vui vì trong nhà con dâu vẫn khéo léo với những món ngon ngày tết. Các con, dâu rể trong nhà đều thích cùng chung tay làm việc ngày tết”.