Tây Ninh: Phát triển các vùng nuôi thuỷ sản tập trung, chuyên canh hiện có
Tây Ninh: Chuyện người trẻ về quê lập nghiệp Tây Ninh: Dự thảo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050: 3 vùng kinh tế - 4 trục động lực |
Người dân thu hoạch thuỷ sản. Ảnh: Vũ Nguyệt
Nuôi tập trung, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế địa phương
Thời gian qua, ngành thuỷ sản của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; diện tích, sản lượng còn thấp và có sự suy giảm đáng kể, trong khi nhu cầu về sản phẩm thuỷ sản của thị trường ngày càng cao.
Nhìn chung, ngành nuôi trồng thuỷ sản đã đạt được những thành quả nhất định, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân và góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành còn hạn chế do còn tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng nuôi tập trung, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực nuôi trồng thuỷ sản cặp các tuyến kênh thuỷ lợi từng bước hình thành và phát triển tốt. Bước đầu chuyển đổi một số diện tích nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ, hộ gia đình, hình thức nuôi quảng canh sang nuôi chuyên canh, tập trung các đối tượng nuôi đạt hiệu quả kinh tế.
Nuôi thuỷ sản thành vùng tập trung được xác định là một trong những hướng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao cho người dân. Sau nhiều năm, xã Tân Hoà (huyện Tân Châu) hiện có hơn 200 hộ xây hồ, xây bể nuôi ba ba, nhờ vật nuôi này mà nhiều hộ đã thoát nghèo. Các hợp tác xã, tổ liên kết nuôi ba ba ở đây lần lượt ra đời, hoạt động có hiệu quả, tiếp tục thu hút nhiều thành viên tham gia, hỗ trợ cùng phát triển.
Từ năm 1997, anh Nguyễn Văn Năm từ tỉnh Đồng Tháp về ấp Cây Khế, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu lập nghiệp. Sau thời gian làm thuê tích cóp vốn, năm 2006, anh xây 2 hồ thả nuôi 500 con ba ba. Bước đầu khá vất vả, sau 12 tháng chăm sóc, thu hoạch đợt đầu tiên anh có lãi hơn 20 triệu đồng. Cộng thêm số vốn vay ưu đãi, anh phát triển lên 20 hồ nuôi ba ba, mỗi hồ 54m2. Liên tục nuôi có lãi, anh đang nuôi 10.000 con và có kế hoạch xây thêm 10 hồ nuôi.
Tập trung nguồn lực để phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung
Theo Sở NN&PTNT, trong nuôi trồng thuỷ sản, tỉnh chưa xây dựng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, tất cả sản phẩm đều qua thương lái trung gian dẫn đến việc thương lái chèn ép về giá cả… chỉ riêng ba ba có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Thuỷ sản nuôi trồng chủ yếu tiêu thụ tươi sống qua thương lái nhỏ nên không ổn định. Phong trào nuôi cá rô đồng, cá lóc, cá thác lác cườm… có phát triển nhưng tiêu thụ không ổn định nên diện tích nuôi giảm mạnh. Do đó, cần xây dựng chuỗi liên kết trong nuôi trồng, sơ chế và tiêu thụ thuỷ sản.
Với mục tiêu phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, tỉnh phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư tại các vùng nuôi chuyên canh, tập trung mới gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, định hướng đến năm 2025 là 290 ha, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh là 870 ha, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản là 40.000 tấn, tỷ lệ nuôi chuyên canh chiếm 33% tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh.
Người dân nuôi cá chạch lấu.
Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư tại các vùng nuôi chuyên canh, tập trung mới gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, định hướng đến năm 2030 là 550 ha; tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh là 1.420 ha, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản là 95.000 tấn; tỷ lệ nuôi chuyên canh chiếm 59% tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để phát triển vùng nuôi tập trung, chuyên canh hiện có gồm vùng nuôi ba ba thương phẩm ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu; vùng nuôi cá lóc (lóc đen, lóc bông) tại xã Phước Ninh, Phước Minh, huyện Dương Minh Châu; vùng nuôi cá hỗn hợp tại xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu; vùng nuôi cá tra tập trung của Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Miền Đông tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng.
Bên cạnh đó, tỉnh định hướng vùng nuôi thuỷ sản mới, diện tích 290 ha gắn với thu gom, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Vùng nuôi thuỷ sản tập trung tại xã Lộc Ninh và xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, diện tích 90 ha.
Nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi tập trung, chuyên canh gồm các hạng mục như: nâng cấp hệ thống đường giao thông; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống điện; hệ thống cột chống sét; hệ thống ao xử lý nước; hệ thống tái sử dụng nước nuôi trồng thuỷ sản để tưới tiêu phục vụ nông nghiệp (nước nuôi thuỷ sản sau khi xử lý được bơm vào kênh tưới hoặc thiết kế tưới tự chảy tuỳ vào điều kiện thực tế từng vùng nuôi).
Tổ chức nuôi thử nghiệm mô hình nuôi thuỷ sản chuyên canh tập trung, sử dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng. Các chỉ tiêu, kinh tế kỹ thuật phải theo dõi: con giống, thức ăn, dịch bệnh, tăng trưởng, giá thành sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, lượng nước sử dụng… Sau đó, tổng kết, đánh giá các mô hình và triển khai, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả tốt.
Vùng nuôi thuỷ sản mới gắn với thu gom, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, diện tích 200 ha.
Cùng với quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tỉnh cũng khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống thuỷ sản phù hợp với tình hình thực tế. Theo Sở NN&PTNT, đến năm 2025, nhu cầu giống toàn tỉnh là 86 triệu con/năm, trong đó: nhu cầu giống thuỷ sản nuôi thâm canh (290 ha) là 58 triệu con; nuôi hộ gia đình theo mô hình quảng canh, bán thâm canh (580 ha) là 18 triệu con; giống thuỷ sản đặc sản khoảng 10 triệu con.
Chính vì vậy, tỉnh khuyến khích việc xây dựng, phát triển các trang trại sản xuất giống thuỷ sản, phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng được khoảng 70% - 80% nhu cầu giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu giống thuỷ sản truyền thống là 37,5%, giống thuỷ sản có năng suất và giá trị kinh tế cao là 37,5%, thuỷ sản đặc sản 25%.
Để bảo đảm nguồn giống phục vụ nhu cầu nuôi thâm canh, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cần tính toán chủ động nguồn giống cung cấp cho người nuôi hoặc liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã thuỷ sản chuyên về sản xuất kinh doanh giống thuỷ sản trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh tăng cường thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản, thuốc thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản, thức ăn bổ sung… nhằm chủ động được nguồn thức ăn, kéo giảm giá thành sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, bến bãi để doanh nghiệp vận chuyển nguyên liệu, thức ăn thành phẩm với giá thành rẻ nhất theo tuyến đường thuỷ đặc biệt là tuyến sông Vàm Cỏ Đông.
Nguồn: Phát triển các vùng nuôi thuỷ sản tập trung, chuyên canh hiện có