Tây Ninh: Suối Đá- mùa chưa thay lá
Tây Ninh: Minh niên khai bút Tây Ninh: Du lịch từng bước khẳng định “thương hiệu” |
1/ Hà Thị Huế Nhung- Chủ tịch UBND xã Suối Ðá (huyện Dương Minh Châu) đưa tôi đi trên các tuyến đường bao quanh rìa xã để tôi dễ hình dung độ rộng lớn của địa bàn cô phụ trách.
Bắt đầu từ trụ sở UBND xã, theo ÐT781 chúng tôi cắt ngang Thị trấn đến ngã ba bờ hồ rồi rẽ trái theo đường Suối Ðá - Bàu Cỏ (QL22C) chạy dọc bờ hồ Dầu Tiếng hướng về Tân Hưng (Tân Châu), xuyên qua tán rừng cao su hai bên ôm tròn con đường như cổng cưới, vòng vô nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty Xuân Cầu thuộc địa bàn ấp Phước Bình 2; vượt qua cầu Xa Cách, băng qua cánh đồng nắng, rồi vòng lại đường 4.4/5.5 qua Phước Bình 1 để ra đường Suối Ðá - Khe Dol cặp chân núi Bà rồi về Vườn dâu 7 Săng ở Tân Ðịnh 1; lại bọc về khu định cư của người Tà Mun gần chùa Linh Nghĩa và trở lại UBND xã trên địa bàn ấp Tân Ðịnh 2.
Tính từ lúc xuất phát đến khi về vị trí ban đầu, với vận tốc di chuyển trung bình 20km/giờ, đồng hồ đếm giờ trên xe ghi được 1.41’26”. Ðó là chưa tính thời gian đi một vòng lòng hồ Dầu Tiếng- hồ nước nhân tạo lớn nhất khu vực chứa hơn 1,5 tỷ mét khối nước trên diện tích 270km2 cũng thuộc phạm vi hành chính của Suối Ðá.
Ðể tôi dễ hình dung diện mạo của Suối Ðá, cô Chủ tịch xã ví von: “Suối Ðá như cái trứng vịt mà lòng đỏ là thị trấn Dương Minh Châu. Còn lòng hồ Dầu Tiếng như phần không khí trong quả trứng, đê bờ hồ chính là ranh giới của xã Suối Ðá và Thị trấn.
Huế Nhung nói thêm: huyện Dương Minh Châu có 10 xã và 1 thị trấn với 400 tuyến đường, Suối Ðá chiếm hơn 25% trong số đó. Riêng diện tích xã Suối Ðá đã bằng 1/3 tổng diện tích của cả huyện.
Ðó là chưa kể, năm 1999 nếu không thành lập thị trấn Dương Minh Châu, và năm 2004 không tách thêm các ấp Tà Dơ, Ðồng Kèn, Suối Bà Chiêm về cho Tân Thành, Suối Dây (huyện Tân Châu) thì xã Suối Ðá còn rộng lớn hơn.
2/ Vừa trả tiền cho hai tô mì, Huế Nhung vừa nhìn tôi, hỏi:
- Anh thấy sao?
Tôi nhanh miệng:
- Ngon!
Quả tình, nhìn lượng khách ra vào tấp nập, chủ quán điều hành bưng bê không kịp phục vụ đủ thấy từ “ngon” của tôi là không phải câu trả lời khách sáo. Huế Nhung nói tiếp:
- Sau Covid cái gì cũng lên giá. Trước, chỉ hai lăm ngàn một tô, nay đã ba mươi...
Tôi buột miệng:
- Covid thật khốc liệt.
Hà Thị Huế Nhung- Chủ tịch UBND xã Suối Đá tặng quà cho các em học sinh.
Từ “Covid” bật lên có lẽ chạm đúng vào thời điểm khốc liệt trực tiếp trải qua, cô Chủ tịch UBND xã trở nên sôi nổi hơn khi kể về thời điểm xử lý công việc phòng, chống dịch, mà theo cô “giờ nghĩ lại, không biết tại sao thời điểm đó mình… gan thiệt, mình giỏi quá”.
Cô kể: Khởi phát từ việc phát hiện ca F0 (dương tính với virus SARS-CoV-2) là một phụ nữ bán bánh mì trên địa bàn Suối Ðá nhưng người ấy sinh sống ở thị trấn Dương Minh Châu. Qua truy vết, phát hiện khá đông cán bộ cấp huyện là khách ruột của xe bánh mì.
Huyện được lệnh phong toả, coi như đóng băng. Còn xã thì nhận lệnh phải điều tra có bao nhiêu hộ đã mua bánh mì trong vòng 15 ngày trước đó để truy vết. Nhưng xã có đến 19.000 dân mà trạm xá chỉ có 5 nhân viên y tế. Mức báo động đỏ chính thức được thông báo.
Xã lại hoả tốc thành lập đội xịt khử khuẩn nhà dân; đội lấy mẫu cộng đồng; phân công hai tổ nấu ăn để phục vụ lực lượng đi làm nhiệm vụ; tổ trực ở bệnh viện dã chiến, khu cách ly; tổ hậu cần tiếp nhận rau, củ quả dân cho; tổ công khai số điện thoại đường dây nóng của Chủ tịch, Bí thư…
Thời điểm đó, toàn bộ anh em trong xã không ai được về nhà. Cán bộ xã, kể cả lãnh đạo xã và các tổ chức hội, đoàn thể đều được huy động xuống tận nhà dân để hỗ trợ điều tra, truy vết tới 2-3 giờ sáng. Nhiều anh em mệt quá, về chỉ kịp dựa lưng vô gốc cau trước trụ sở UBND xã ngủ luôn mà không kịp ăn.
Ðiện thoại của cô Chủ tịch UBND xã lại rung lên. Sáng chủ nhật mà điện thoại cô rung không biết bao nhiêu lần. Lúc thì nhân viên y tế điện “méc” vụ đòi nợ vay trên mạng của ai đó mà giờ kêu cô ấy lên Công an huyện giải quyết; lúc gọi xin ý kiến trong việc tiếp đoàn khảo sát dự án điện mặt trời.
Tôi nghe đầu dây bên kia í ới… Cô im lặng, rồi ngước nhìn cây đa cổ thụ duy nhất còn sót lại ở rìa vùng bán ngập đảo Nhím- nơi cô trông chờ các dự án du lịch sinh thái cộng đồng được thực hiện để người dân Suối Ðá có cơ hội tăng thu nhập nhờ các loại hình kinh doanh dịch vụ- như muốn che giấu sự không hài lòng về nội dung nghe từ cuộc gọi.
Hiểu ý, tôi bước nhanh tới trước, để cô lùi lại phía sau. Gió ngoài hồ nước phía Dầu Tiếng luồn qua vạt rừng đang lao xao những vệt nắng vừa được Công ty Xuân Cầu tỉa thưa, thổi ngang qua mặt mang theo mùi nhựa gỗ thơm tho bay về phía núi.
Dưới chân, tôi thấy vết bánh xe máy cày hằn xuống chỗ đất mềm sau những cơn mưa dầm xuyên đêm đã mọc cỏ xanh tươi. Huế Nhung bước lên ngang tôi phân trần: Quy định hỗ trợ lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch 100.000 đồng/người/ngày và không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng tính từ tháng 7.2021, nhưng đến nay vì nhiều lý do khách quan vẫn chưa giải quyết xong.
3/ “Suối Ðá mùa này cây chưa thay lá, nếu không Suối Ðá còn đẹp hơn nữa”- Huế Nhung nói. Tôi không biết mùa cây thay lá, Suối Ðá sẽ đẹp như thế nào, nhưng hôm có dịp cùng cô ngồi trên chiếc xuồng máy, ngắm những đám lục bình bông tím, cánh sen hồng, súng trắng... trên mặt nước hồ, ngắm bình minh đang lên trên ánh nước lấp lánh, chiều lại thấy hoàng hôn yên ả chìm xuống phía cuối trời…
Tôi chợt liên tưởng đến hồ Inle bang Shan của Miến Ðiện- nơi từ tháng 8.2009, Condé Nast Traveler- Tạp chí du lịch có uy tín thế giới đã chọn là một trong năm điểm đến mới của châu Á mà du khách khắp nơi trên thế giới nên khám phá.
Nếu hồ Dầu Tiếng được đầu tư đúng mức, trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách như hồ Inle bang Shan thì cơ hội phát triển của Suối Ðá còn to lớn hơn. Hơn nữa, Suối Ðá cũng còn nhiều điểm hấp dẫn tạo thành điểm dừng chân, check in cho du khách phương xa.
Tỷ như suối ở đây không có đá sao gọi là Suối Ðá? Cầu đang nối liền hai khu dân cư sao gọi là cầu Xa Cách? Rồi lại có những con đường mang tên như bí số 4.4; 5.5;19.19 mà chả ai biết những cặp số ấy có từ bao giờ và mang ý nghĩa gì?
Suối Ðá to, đẹp, nhiều tiềm năng như thế nhưng đến giờ vẫn chưa đủ chuẩn để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Dương Minh Châu vốn là huyện nông thôn, có 10 xã, 1 thị trấn. Bỏ qua thị trấn Dương Minh Châu (theo chuẩn đô thị văn minh), thì từ lúc triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2011 đến nay, đã có 6 xã hoàn thành mục tiêu này, bao gồm Bến Củi, Phan, Chà Là, Cầu Khởi, Phước Ninh, Truông Mít.
Theo lộ trình phấn đấu và đạt chuẩn NTM 100% của huyện Dương Minh Châu thì năm 2022 sẽ là Lộc Ninh, 2023- Bàu Năng, 2024- Phước Minh. Cuối cùng, năm 2025 mới tới Suối Ðá.
Có lẽ biết tôi thắc mắc chuyện đi sau về muộn này, cô nói luôn: Trong 19 tiêu chí đánh giá đạt chuẩn xã NTM, Suối Ðá còn 2 tiêu chí cần có đủ thời gian để hoàn thành. Một là, theo quy hoạch, trung tâm hành chính xã mới sẽ được di dời từ ấp Tân Ðịnh 2 về Phước Lợi 1.
Hai là, Suối Ðá có hơn 100 tuyến đường giao thông các loại, mà thời gian bê tông hoá 100% các tuyến đường giao thông nông thôn không thể hoàn thành trong một ngày một bữa.
Nếu dồn sức đầu tư hệ thống giao thông nông thôn đạt yêu cầu cho Suối Ðá thì sẽ thiệt thòi cho các xã còn lại. Tôi nhẩm tính, lúc được điều động về làm chủ tịch xã đến nay, Huế Nhung đã hết “nhiệm kỳ 3 năm”, nhưng nhìn thấy cô có vẻ sốt ruột cho lộ trình Suối Ðá về đích năm 2025, thời điểm mà cô có thể đã được điều động rời Suối Ðá đi nơi khác theo quy định, thấy cô vẫn hừng hực quyết tâm đeo bám mô hình hợp tác xã vần đổi công đang được hình thành để cung ứng lao động cho các vụ mùa thời cao điểm, tôi buột miệng: Làm anh khó lắm, phải đâu chuyện đùa!
Nguồn: Suối Đá- mùa chưa thay lá