Tây Ninh: Tìm lại Bàu Me
Em bé Napalm- Nick Út.
55 năm trước, tại thành phố Hải Phòng cũng như các tỉnh miền Bắc, nhân dân bừng bừng khí thế lên đường ra trận, tiếp lửa với miền Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” (thơ Bác Hồ). Nhiều tỉnh thành lập các đơn vị, trong đó Hải Phòng thành lập mới Tiểu đoàn 342 thuộc Trung đoàn 42, Sư đoàn 350 Quân khu 3. Sau thời gian tập luyện trên vùng núi Yên Tử (Quảng Ninh), đến ngày 16.11.1967 làm lễ xuất quân.
Tại đây, Thành uỷ Hải Phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 3 trao cờ, danh hiệu “Cát Bi” cho Tiểu đoàn 342 trước giờ xuất quân, theo đường Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Cát Bi chính là tên một trận đánh nổi tiếng năm xưa (7.3.1954) của quân dân Hải Phòng, tập kích sân bay Cát Bi, phá huỷ 59 máy bay của quân Pháp, nhằm chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ.
Tiểu đoàn 342 ra đi mang theo hào khí Cát Bi. Sau “5 tháng 16 ngày, tiểu đoàn đã tới vùng đất thép Củ Chi - Trảng Bàng. Tại đây tiểu đoàn được mang bí danh K2, nằm trong đội hình Trung đoàn 268 phân khu 1 (Phân khu Sài Gòn - Gia Định), chiến đấu tại vùng Tam giác sắt, cùng các đơn vị chống Mỹ nguỵ phản kích…” (tư liệu Tiểu đoàn Cát Bi, Ban Liên lạc CCB K2).
Trong tư liệu này, các anh có kể đến trận chống càn ở ấp Bàu Me, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng) vào đợt 2- Chiến dịch Mậu Thân 1968. Đấy là vào tháng 6, khi tiểu đoàn đóng quân tại ấp thì bị quân Mỹ phát hiện: “Chúng dùng Lữ đoàn 101 thuộc Sư đoàn Anh Cả Đỏ, đơn vị thiện chiến của quân đội Mỹ đổ bộ bằng đường không, bao vây tiêu diệt tiểu đoàn.
Chúng sử dụng máy bay ném bom, pháo kích vào trận địa rồi đổ quân xuống. Chiến sĩ của tiểu đoàn đào 2 tuyến công sự phòng ngự dưới các bụi tre. Giặc tràn qua được tuyến thứ nhất, tới tuyến thứ 2, bị quân ta bắn trả quyết liệt và xông lên chiếm lại tuyến phòng ngự thứ nhất, giữ xác giặc để giặc Mỹ không thể dội bom huỷ diệt…
Bốn bề lửa đạn, không quân pháo binh yểm trợ nhưng quân Mỹ không sao tiến vào ấp được. Đêm xuống quân ta bí mật tìm đường rút lui. Đây là trận đánh khá tiêu biểu cho lối đánh “bám thắt lưng địch mà đánh” của quân ta, đặc biệt tại chiến trường Củ Chi - Tây Ninh. Đây là trận làm quân Mỹ khiếp vía, kinh ngạc, hơn 300 tên Mỹ bị tiêu diệt, còn quân ta, hơn 30 đồng chí đã hy sinh…”.
Chúng tôi, trong đó có một bạn là đoàn viên thanh niên ở thị xã Trảng Bàng đi tìm lại Bàu Me, hy vọng tìm được dấu tích của những liệt sĩ đoàn Cát Bi. Thế nhưng, khó khăn đầu tiên là cái tên Bàu Me đã bị trôi vào quên lãng.
Ngay bạn đoàn viên đã hỏi, tìm qua một số người quê Gia Lộc cũng không biết được đấy là đâu! Thử tìm trong sách sử, rất may, sách “Truyền thống Cách mạng xã Gia Lộc (1945-1954)”, năm 2010 có địa danh là xóm Bàu Me. Thì ra, Bàu Me thuộc ấp Gia Lâm, cùng 2 xóm khác là Rừng Cầy và xóm Bàu Trăm (trang 6). Đến trang 109, sách lại kể về giai đoạn sau Hiệp định Paris (1973) thì xã có tới 5 căn cứ, trong đó ở “căn cứ Bàu Me, ta bố trí 500 trái gài…”. Như vậy, đã có thể thu gọn lại phạm vi tìm kiếm, là ấp Gia Lâm (nay là khu phố của phường Gia Lộc).
Chúng tôi dừng chân tại một quán cà phê ở đoạn mũi tàu giữa 2 con đường ĐT782 và quốc lộ 1 (nay là đường Xuyên Á). Nơi đây thuộc phường Trảng Bàng của thị xã Trảng Bàng. Quán mái tôn sơ sài chỉ vài ba bộ bàn ghế nhựa. Bà chủ quán bưng nước mời mấy bác xe ôm. Ngước mắt lên vách tường tàn tạ, đập ngay vào mắt chúng tôi tấm ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng cách đây 50 năm về trước.
Tạp chí Nhiếp ảnh của Hội NSNA Việt Nam số tháng 9-10.2022 viết: “Em bé Napalm là bức ảnh chấn động thế giới về chiến tranh Việt Nam do Nhiếp ảnh gia, phóng viên chiến trường Nick Út chụp năm 1972 ghi lại hình ảnh trần trụi, hoảng loạn của cô bé Phan Thị Kim Phúc và những em nhỏ khác đang chạy ra đường dưới một trận bom Napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh”.
Bài báo cũng cho biết: “Nhân dịp tác giả và nhân vật hội ngộ tại Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức trang trọng buổi gặp mặt: “Nick Út - Em bé Napalm gặp gỡ 50 năm (1972-2022)” với sự tham dự của nhiều nhà báo trong và ngoài nước”.
Hỏi, thì ra bà chủ quán tên Hồ Thị Thôn, 62 tuổi. Bà chính là một trong những đứa trẻ đang chạy giữa làn bom đạn trên quốc lộ 1. Trong bức ảnh, bà dẫn em trai chạy bên phía trái con đường, đằng sau là mịt mù lửa khói. Cũng là một “nhân vật” trong ảnh, nên bà được Nick Út tặng cho tấm ảnh. Ký ức chiến tranh khốc liệt năm xưa đã hiện diện ngay trong căn quán sơ sài ở đầu thị xã Trảng Bàng.
Điều thú vị nhất là khi chúng tôi hỏi về Bàu Me thì bà và các bác xe ôm ai cũng biết. Họ chỉ tay về phía con đường nhỏ rẽ vào bên trái từ quốc lộ và bảo: Bàu Me ở trong đó chớ đâu xa. Hỏi tiếp:- Có phải xóm có chùa đá Huỳnh Long?- Đúng, chính là nơi đó! Bạn đoàn viên cùng đi bảo:- Ngày nay khu vực ấy đã thuộc về khu phố Gia Huỳnh của phường Trảng Bàng rồi. Thảo nào cứ đi hỏi về các xóm, ấp thì còn ai biết đúng mà chỉ lối. Vậy là chúng tôi đã tìm được Bàu Me.