Tây Ninh: Trảng Bàng - Cột mốc trăm năm
Tây Ninh định hướng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 Tây Ninh: Định hướng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 |
Bản “Sự tích xã Gia Lộc, đình Gia Lộc, linh thần đình Gia Lộc và những di tích ở Trảng Bàng” của ông Đặng Văn Bá, cháu cố Lãnh binh Tòng, viết năm 1972 có đoạn: “Ông Cả Đặng Văn Trước là người Bình Định, huyện An Nam, theo cuộc Nam tiến vào ở Bến Đồn (Bùng Binh) làm chức Trùm Xâu…Ngài huý hiệu là Đặng-Uý-Dừa hay Đặng-Văn-Trước- nên sau khi ngài mất, tất cả bổn tánh trong làng đều dùng chữ TRÁT thay cho chữ TRƯỚC mỗi khi dùng danh từ đó.
Sau lần hồi qua Trảng Bàng, nơi đây lúc đó là rừng bụi, ngài mới khai phường lập ấp. Những người phương xa đến, ngài cho ở và châu cấp lúa thóc hoặc tiền bạc để cất nhà. Đến năm Gia Long thứ 17 (1818), ngài cùng nhiều ông trùm: Thể, Mưu, Vị, Thứ- đến làng Bình Tịnh (hiện giờ là An Tịnh) xin thêm đất để lập làng, lấy hiệu “Phước Lộc thôn”- hiện giờ là Gia Lộc xã. Sau ngài mua thêm từ cây “Bồ Đề” chỗ công xi nhỏ, gần chùa Phước Lưu tới rạch Bà Dỏng với giá 40 quan tiền đặng mở mang thêm…”.
Cổng chào, ranh giới hành chính Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Hải Triều |
Mục từ “Trảng Bàng” của trang mạng Wikipedia tiếng Việt lại có đoạn: “Ngày 28 tháng 12 năm 2018, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1709/QĐ-BXD về việc công nhận huyện Trảng Bàng là đô thị loại IV”. Đây rõ ràng là một quyết định quan trọng mang tính kỹ thuật; là tiền đề để vào ngày 10.1.2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 865/NQ-UBTVQH14, có hiệu lực từ ngày 1.2.2020.
Theo đó: - Thành lập thị xã Trảng Bàng trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số huyện Trảng Bàng. Nghị quyết này cũng điều chỉnh địa giới xã Gia Lộc và Thị trấn để thành lập 2 phường có tên là Trảng Bàng và Gia Lộc. Đồng thời, chuyển 4 xã: An Hoà, An Tịnh, Gia Bình và Lộc Hưng thành 4 phường có tên tương ứng. Điều sau cùng là hợp nhất 2 xã Phước Lưu và Bình Thạnh thành xã Phước Bình…”.
Nếu để ý những năm tháng trên các đoạn vừa trích sẽ thấy ngay 2 mốc thời gian quan trọng trong tiến trình phát triển của đô thị Trảng Bàng. Một là mốc năm 1818 (Gia Long năm thứ 17); ông Đặng Văn Trước cùng các đồng sự đến làng Bình Tịnh để thoả thuận việc “xin thêm đất” lập làng mới Phước Lộc thôn.
Mốc thứ hai là ngày 28.12.2018, Bộ Xây dựng có quyết định công nhận huyện Trảng Bàng là đô thị loại IV (tương đương cấp hành chính là thị xã). Hai mốc thời gian trên cách nhau vừa đúng 200 năm. Vậy xin tạm chia thành hai “cột mốc trăm năm” của đô thị Trảng Bàng.
Trong cột mốc (trăm năm) đầu tiên, sự kiện quan trọng nhất là việc đào kênh và lập chợ. Việc này có lẽ đã được tiến hành ngay sau khi việc thoả thuận xin đất Bình Tịnh đã thành, tức là vào năm 1818. Và có thể công trường đầu tiên này đã kéo dài khoảng 3 năm. Bởi như bản viết tay “Lược thuật về sự thành lập làng Gia Lộc” của cụ Đỗ Văn Rỡ viết năm 1989 thì đến năm 1821 xảy ra sự kiện làng Bình Tịnh kiện ông Cả lên quan Thượng Ty tại Phan An Trấn (Gia Định).
Thậm chí có cả việc “huy động dân chúng (làng Bình Tịnh) ra ngăn cản không cho đào kinh, bởi bất bình”. Đấy là do: “ông Đặng Văn Trước cầm đầu cho dân Phước Lộc xâm lấn qua địa phận Bình Tịnh, đào kinh lập chợ và còn cho dân chiếm ruộng đất đã khai khẩn bên địa phận Bình Tịnh… Chợ được thành lập nói trên đây là chợ Trảng Bàng- ở đầu kinh Trảng Bàng cho ghe thuyền phương xa dễ đến…”.
Cũng năm ấy, quan Trấn sai Thơ lại Nguyễn Văn Phụng về xem xét điều tra. Ngay cả ông này cũng thấy được sự lợi ích của việc đào kênh lập chợ, nên đã tuyên án: “Làng Bình Tịnh phải nhượng phần đất từ chỗ Sình Tranh (là cống Lò Vôi) chạy thẳng đến bàu Cỏ Đỏ trong ngã ba Hai Châu lối trên 1.000 thước phía trái- đường đi về Lộc Hưng… gồm luôn đất Giếng Mạch cho Phước Lộc thôn để ông Trùm Trước đào kinh lập chợ, vì việc làm này là một công ích lớn cho dân trong vùng Trảng Bàng…”.
Ngoài ra, ông Trùm còn bị phạt đánh 80 trượng, ruộng đất của bộ hạ ông đã xâm lấn phải trả lại cho dân Bình Tịnh. Ông cũng còn phải làm “tờ mạo tội giao cho làng Bình Tịnh cầm giữ, việc này có giấy tờ bút tích lưu lại rõ ràng tại xã An Tịnh…”.
Vào những năm của thập niên 20 của thế kỷ 21, với tốc độ phát triển của đô thị Trảng Bàng, nên cái công trình đầu tiên- kênh và chợ này có vẻ nhỏ nhoi, bị chìm khuất giữa hàng trăm công trình lớn nhỏ khác đang ngày một nảy nở sinh sôi trên đất Trảng. Nhưng rõ ràng đây là một bước đột phá quan trọng ở Trảng Bàng.
Để tới cuối thế kỷ 19 đã có cảnh tượng mà bác sĩ thuộc địa J.C Baurac viết trong sách “Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông (1899)”, rằng: “Đường sá mở ra và kênh rạch khơi dòng, làng xóm từ đó cũng bắt đầu mở rộng, thương mại phát triển và người Hoa ùn ùn kéo đến làm ăn sinh sống…”.
Bìa 1 cuốn sách “Trảng Bàng phương chí” có in một bức tranh vẽ, được ghi chú là “Một ngôi làng ở Trảng Bàng” do một sĩ quan Hải quân Pháp vẽ năm 1865. Những năm đầu tiên đến chiếm miền Nam, đội quân viễn chinh Pháp thường có các sĩ quan kiêm nhiệm vụ chụp ảnh hoặc vẽ lại các nơi vừa đến.
Chúng tôi mạnh dạn cho rằng tranh trên vẽ chính là con kênh và chợ Trảng Bàng. Vì đây cũng là mục tiêu chính của quân Pháp khi đánh chiếm Tây Ninh. Cảnh quan là đầu con kênh cụt, phía sau là các dãy nhà tranh lá trên phố chợ, nay là đường Đặng Văn Trước. Dòng kênh lúc ấy có vẻ còn khá rộng, với ghe thuyền đến đậu khá đông.
Chung quanh là nền trời mây phơ phất những bóng dừa lênh khênh cùng một cây cổ thụ ở ngay phía trước. Về mặt hội hoạ là khá thành công. Nhưng quan trọng hơn đấy có thể chính là hình ảnh của công trình đầu tiên trên đất Trảng Bàng khi cụ Đặng Văn Trước và các đồng sự lập làng Phước Lộc đã xây nên.
Đến khoảng giữa của trăm năm đầu tiên này, là năm 1861, Pháp chiếm đất Trảng Bàng, lập một cứ điểm quân sự trên đất Tây Ninh. Từ đây bắt đầu mở ra một cục diện mới của người Trảng Bàng đánh giặc ngoại xâm. An Tịnh có cuộc kháng chiến của các ông Thống thi, Đốc Tám và Đội Lý. Nổi bật hơn cả là cuộc phản kháng của Lãnh binh Tòng ở Gia Lộc.
Ông chính là con trai của cụ Đặng Văn Trước- người chỉ huy đào kinh lập chợ Trảng Bàng. Ngay từ khi thành Chí Hoà bị lâm nguy khi Pháp tấn công vào ngày 24.2.1861 thì: “Ngài đã cho quân tiếp viện, nhưng quân Pháp quá hùng mạnh nên thành Chí Hoà bị hạ (1861). Pháp tiến quân lên Trảng Bàng, Ngài đánh không lại, chạy ra Tha La trốn, nhưng bị Việt gian chỉ chỗ ẩn trú, nên bị bắt. Pháp dụ ngài, quy hàng thì được yên thân và làm quan trở lại. Ngài nhất định từ chối, thà “chết vinh hơn sống nhục”. Ngài bị đày đi Inini, đảo Guyane và mất luôn tại đó” (Đặng Văn Bá, 1972).
Cho đến khi gần kết thúc cột mốc trăm năm đầu tiên, thì vẫn còn cuộc âm mưu của Thiên Địa Hội Trảng Bàng chống Pháp. Tổ chức này do cụ Hồ Văn Chư, cựu Hương cả làng An Tịnh lãnh đạo. Bên xã Gia Bình cũng có tổ chức do ông Soái Lễ cầm đầu.
Dù vậy, các cuộc phản kháng này đều bị giặc Pháp dập tắt. Cụ Hồ Văn Chư và các đồng sự bị kết án “âm mưu chống lại an ninh nội địa quốc gia”, bị đày đi đảo Guyane; ông Soái Lễ và các đồng sự bị bắt cũng bị lưu đày biệt xứ ở Côn Lôn vào những năm cuối của thập niên 10 thế kỷ 20 (theo Trảng Bàng phương chí).
Nguồn: Trảng Bàng - Cột mốc trăm năm