Tây Ninh: Xuân về Gò Kén - Thiền Lâm
Tây Ninh: Mãng cầu thắng lớn Tây Ninh: Góp phần bảo tồn nhạc ngũ âm của người Khmer |
Gò Kén ngày xuân Quý Mão.
Thế là đã thêm một mùa xuân Di Lặc lại về với chùa Thiền Lâm - Gò Kén mà dân gian quen gọi chùa Gò. Từ khoảng hơn 10 năm nay, chùa Gò đã trở thành một địa chỉ không quên đối với du khách hành hương đến tỉnh Tây Ninh. Lộ trình của nhiều du khách sẽ thường là: núi Bà Đen, Toà thánh và sau đó sẽ là Gò Kén - T.hiền Lâm
Chùa Bà thì khỏi phải kể thêm. Bởi suốt tháng Giêng ở đây có lễ hội mùa xuân. Năm mới 2023, khách đến càng đông bởi các tuyến cáp treo mới đã hoàn thành, đáp ứng đủ mọi nhu cầu tâm linh cho du khách.
Họ có thể đi tuyến lên thẳng đỉnh núi ở cao độ 986 mét, nơi có tượng Phật bà Tây Bổ Đà Sơn cao 72 mét bằng đồng đúc sừng sững giữa mây trời lồng lộng. Hoặc có thể đi cáp lên chùa Bà ở lưng chừng núi, rồi từ đây lại có tuyến đi lên đỉnh núi. Khách thích kiểu nào cũng được chiều, từ tín ngưỡng dân gian, Phật giáo hoặc đơn giản chỉ là đi ngắm cảnh, săn mây.
Xin được trở về Gò Kén đây! Một ngôi chùa nằm ở trên đường quốc lộ 22B- tuyến chính nối Tây Ninh về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Chùa nay thuộc về phường Long Thành Trung của thị xã Hoà Thành, nhưng chỉ cách trung tâm TP. Tây Ninh gần 6km.
Tôi nhớ, từ nhiều năm trước cứ đến tết thì lại có hàng chữ lớn giăng ngang ngay trước cổng chùa. Đấy là dòng: Mừng xuân Di Lặc. Rồi phía sau đấy là vô số các tiểu cảnh được trang hoàng toàn sắc thắm hoa xuân.
Đẹp nhất là các tiểu cảnh gắn với 18 pho tượng La Hán bày thành 2 dãy dọc ngay sau cổng. Ríu rít, vui vẻ nhất các hội xuân Di Lặc là ở chỗ này đây. Người lớn, trẻ em xúm xít từng nhóm, váy áo dài thướt tha chụp hình kỷ niệm. Bên một chiếc cầu tre, chiếc xe bò hoặc con thuyền chở đầy thúng mủng đựng… hoa tươi.
Hỏi: Sao mùa xuân nào cũng là mùa xuân Di Lặc? Các vị sư sẽ trả lời là: Đơn giản chỉ ngày vía đức Bồ tát Di Lặc vào mùng 1 tết. Vậy nên mùa xuân nào cũng khởi đầu bằng sự tưởng nhớ về ngài. Còn một lý do khác, là người ta cho rằng bồ tát Di Lặc chính là đức Phật của tương lai.
Có phải nhờ thế mà hầu hết các chùa đều có tượng lớn thờ ngài. Thường là ở một điện riêng trong sân chùa, hoặc một bệ đặt tượng lô thiên dưới gốc bồ đề nơi có khung cảnh đẹp và thông thoáng nhất.
Hình tượng Di Lặc dường như cũng đã ăn sâu trong tâm thức người Nam bộ. Là bởi nhà nào cũng có tượng ông Địa- một vị có vẻ khá giống với ông Di Lặc. Ông nào cũng có nụ cười cởi mở trên gương mặt thân thiện, bao dung. Ông nào cũng phanh áo để trần cái bụng lớn thênh thang, như dung chứa tất cả cõi lòng tử tế của dân gian…
Chùa Gò Kén cũng có một ngôi thuỷ đình dành riêng cho Bồ tát Di Lặc. Là ngôi ở giữa hồ nước bên trái lối đi chính vào chùa. Dưới hồ lao xanh cá quẫy cùng các loài rùa, ba ba đủng đỉnh bơi lên, lặn xuống.
Trên đình, tượng Bồ tát lớn và cao hơn 4 mét ngồi thanh thản với chuỗi tràng hạt lớn trên bụng, tay lần tràng hạt, mắt đăm đăm ngó xuống những người đang xì xụp bái lạy trước chân mình.
Nhưng người viếng chùa lại thích thú ngắm nhìn một pho tượng nhỏ về ông đặt bên trong ngôi chính điện. Tượng có từ khi Hoà thượng Như Nhãn còn trụ trì chùa, từ gần 100 năm trước, chỉ cao chưa đầy 1 mét, tạc bằng gỗ, tạo hình thô mộc, xù xì, dáng vẻ rất nông dân.
Gương mặt có vẻ khắc khổ, nhưng vẫn không mất đi nụ cười cởi mở và ánh nhìn đôn hậu. Ông cũng không có cả chuỗi tràng hạt đeo hay cầm tay, mà chỉ có chiếc đẫy vải cầm trong bàn tay trái. Sáu cậu bé đang leo trèo đu bám quanh ông, khiến ta nghĩ chiếc túi vải ấy chỉ đựng toàn những món quà cho trẻ mà thôi!
Xuân là xuân Di Lặc, nhưng lễ hội lớn nhất trong mùa xuân tại Thiền Lâm - Gò Kén lại là lễ Vía Quán Thế Âm bồ tát, được làm trong 3 ngày 17, 18 và 19 tháng 2 (âl). Đây cũng là nét riêng có ở chùa Gò. Chợt nhớ những lễ hội xuân tưng bừng đã có trong khoảng gần 15 năm qua.
Năm 2009 lễ hội có gì ấn tượng? Nhớ năm này, vì trong năm 2008, những lò gạch cuối cùng trong hàng chục lò gạch luôn nghi ngút khói đen đã được chuyển dời đi. Trả lại cho gò một môi trường trong lành từng có từ hồi đầu thế kỷ. Không nhớ gì, chỉ biết năm ấy gò còn xơ xác quá. Những dây kén rừng biếc xanh cũng đã bỏ đi. Vườn chuối sau chùa cũng ủ rũ những tàu lá vàng gục xuống.
Chùa Gò bắt đầu công cuộc tôn tạo trùng tu. Đến lễ Vía năm 2014 thì đã tưng bừng lắm. Vì lễ này có sự kiện khánh thành pho tượng Phật Thích ca “nhập niết bàn”. Tượng lớn, dài đến 24 mét, cho đến nay vẫn là pho “niết bàn” lớn nhất tỉnh Tây Ninh.
Có một sự trùng hợp kỳ lạ ngay từ đầu năm mới 2014. Đấy là chùa được một doanh nhân khai thác cát đem đến hiến tặng một pho tượng đá tạo hình Đức phật Thích Ca ngồi toạ thiền.
Tàu xúc cát của ông ấy đã bốc tượng lên từ đoạn sông Vàm Cỏ Đông qua Vàm Trảng (Trảng Bàng) vào đúng ngày 1.1.2014. Đến ngày 5.1 thì ông đem về hiến tặng chùa. Ôi! Chỉ là khối tượng đá sa thạch cao, rộng khoảng 8 tấc thôi, mà như đã làm sống lại một thời kỳ lịch sử hơn ngàn năm trước. Bởi phong cách tượng chính là của thời đại Angkor đã từng rực rỡ huy hoàng trong quá khứ. Và không nơi nào để gìn giữ pho tượng quý này ngoài chùa Gò Kén - Thiền Lâm.
Cho đến lễ vía năm 2017 lại có sự kiện khánh thành tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 25 mét, đứng giữa hồ sen phía phải lối vào. Cứ dần dần như thế mà đến nay cái quy hoạch “Trung tâm văn hoá Phật giáo tỉnh Tây Ninh” đã trở thành hiện thực.
Tới đây, công cuộc đại trùng tu ngôi chính điện chùa sắp sửa hoàn thành. Những tầng mái ngói “chồng diêm” kiểu “trùng thềm điệp ốc” đã óng ả nhô lên, tự giới thiệu dáng vẻ cổ kính của Phật giáo Việt Nam ngàn năm trước. Lễ hội xuân chùa Gò năm nay Quý Mão có gì mới đây? Bạn cứ đi đi rồi sẽ biết. Chỉ có thể nói trước là sau 2 năm dịch giã thì lễ hội này sẽ trở lại với hào quang rực rỡ hơn xưa.
Nguồn: Xuân về Gò Kén - Thiền Lâm