Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đảm bảo an ninh nguồn nước
Thông tin tại hội thảo khởi động dự án “Tăng cường an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông Mã và sông Nuen - Cả và các vùng ven biển liên quan tại Việt Nam và Lào”, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết, sông Mã và Neun-Cả là hai con sông xuyên biên giới của Lào và Việt Nam, nằm liền kề nhau về vị trí địa lý, có quy mô, đặc điểm, cũng như những thách thức về quản lý nước và môi trường tương tự nhau.
Lưu vực sông Mã rộng 30.328km2, lưu vực sông Neun-Cả rộng 31,005km2. Lưu vực 2 con sông này đang đối mặt với nhiều thách thức: các hồ chứa thủy điện gây ra những thay đổi đáng kể về dòng chảy trên các sông chính và phụ lưu ở cả hai lưu vực; việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp và nạn phá rừng và những thay đổi về độ che phủ rừng ảnh hưởng đến dòng chảy và tải lượng trầm tích…
Cùng với đó, tình trạng gia tăng lượng nước khai thác liên quan đến tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế, đang nhanh chóng ảnh hưởng đến dòng chảy môi trường. Trong khi đó, việc xả lũ khẩn cấp từ các con đập trong các đợt lũ cực đoan cũng góp phần gây ra lũ lụt cục bộ. Tại vùng hạ du ven biển, tình trạng xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước ven biển do khai thác quá mức nước ngầm và mực nước biển tăng. Sự phát triển liên tục ở hai lưu vực, kết hợp với biến đổi khí hậu, đang ảnh hưởng đến các khu vực ven biển do suy thoái chất lượng nước mặt và vùng nước biển nông, tần suất và cường độ lũ lụt và hạn hán ngày càng tăng.
Dự án hợp tác song phương “Thúc đẩy an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã và sông Neun-Cả và các vùng ven biển liên quan”, được Chính phủ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phê duyệt từ năm 2021. Mục tiêu tổng thể của dự án là giúp Việt Nam và Lào quản lý tài nguyên nước ngọt và sức khỏe hệ sinh thái ở các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã và sông Neun - Cả và các vùng ven biển bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động hợp tác xuyên biên giới. Dự án sẽ gồm 5 hợp phần, trong đó hợp phần 3 từ năm thứ hai đến thứ tư là các hoạt động thí điểm thực địa như xây hệ thống cảnh báo lũ sớm cấp cộng đồng; cải tiến hệ thống giám sát tích hợp với các trạm thủy văn, nước mặt và nước ngầm; xây dựng kế hoạch phòng chống lũ xuyên biên giới, giảm thiểu hạn hán, trồng rừng, quản lý đất ngập nước.
Dự án có tổng ngân sách tài trợ từ Quỹ ủy thác Môi trường toàn cầu (GEF) là 8 triệu USD, trong đó khoảng 3 triệu USD sẽ được giải ngân trực tiếp từ FAO cho Cục Quản lý tài nguyên nước Việt Nam (DWRM) và Cục Quản lý tài nguyên Lào (DWR) để hỗ trợ thí điểm tại các lưu vực sông Mã và sông Neun-Cả. Ngoài hai cơ quan thuộc chính phủ 2 quốc gia, dự án được triển khai với sự tham gia của các tổ chức quốc tế: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO); Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Trong đó, IUCN là cơ quan chịu trách nhiệm điều phối dự án và hỗ trợ kỹ thuật.
Việt Nam và Lào hướng tới mục tiêu quản lý tài nguyên nước ngọt và sức khỏe hệ sinh thái ở các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã và sông Neun-Cả. |
Bộ Tài nguyên và Môi trường CHDCND Lào cho biết, dự án này phù hợp với các ưu tiên quốc gia và đáp ứng yêu cầu của luật mới về quản lý nguồn tài nguyên nước. Chính phủ hai nước ủng hộ mạnh mẽ dự án này và sẽ hợp tác chặt chẽ với IUCN, FAO và các đối tác tại Việt Nam và Lào để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và cải thiện việc quản lý tài nguyên thiên nhiên tại hai lưu vực sông Mã và sông Nuen - Cả".
Dự án “Tăng cường an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông Mã, sông Nuen - Cả và các vùng ven biển liên quan tại Việt Nam và Lào” được thiết kế hướng đến những kết quả thiết thực: Tạo nên sự đồng thuận giữa các quốc gia về các mối quan tâm xuyên biên giới quan trọng, bao gồm sự thay đổi và biến đổi khí hậu, đạt được thông qua việc tìm hiểu thực tế chung - tăng cường hợp tác xuyên biên giới, làm cơ sở cho các hành động khắc phục phối hợp.
Đảm bảo an ninh nguồn nước và tính bền vững của môi trường, nâng cao năng lực dự báo trên cả hai lưu vực và các vùng ven biển phụ cận thông qua các khung hợp tác xuyên biên giới và cơ chế trao đổi thông tin. Hai quốc gia quyết định kế hoạch hành động chung dựa trên kết quả thí điểm thực tế cách tiếp cận, chính sách, thực hành và công nghệ quản lý đất và nguồn nước thân thiện với môi trường, đồng thời chia sẻ về kết quả và kinh nghiệm.
Thúc đẩy tiến trình đảo ngược xu hướng suy thoái ở hai lưu vực sông thông qua cam kết duy trì các cơ chế hợp tác chung, thực hiện các cải cách và đầu tư ưu tiên của hai quốc gia. Đảm bảo tính bền vững của dự án thông qua các hoạt động nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ chế hợp tác xuyên biên giới được thiết lập trong khuân khổ dự án. Đồng thời, mang lại lợi ích ở cấp độ toàn cầu cũng như cấp địa phương thông qua việc chia sẻ và phổ biến các kết quả và bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện dự án.
Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với nhiều nội dung quan trọng về công tác đảm bảo an ninh nguồn nước, thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới. Chính vì vậy, dự án GEF 7 “Thúc đẩy an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã, sông Neun- Cả và vùng ven biển liên quan” phù hợp với định hướng và tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam trong phát triển tài nguyên nước bền vững. Đây là dự án song phương đầu tiên giữa CHDCND Lào và Việt Nam tập trung vào các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã và sông Neun-Cả, với tính chất là hai lưu vực sông liền kề có quy mô và nhiều đặc điểm tương đồng, có các thách thức chung trong quản lý tài nguyên nước và môi trường.
Nguồn:Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đảm bảo an ninh nguồn nước