Tin bất động sản ngày 14/3: Phát hiện sai phạm hơn 74 tỉ đồng qua thanh tra quản lý đất đai tại Cà Mau
Bất động sản sẽ gặp khó trong bao lâu? Tin bất động sản ngày 13/3: TP HCM sắp đấu giá lại 3.800 căn hộ tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm |
Phát hiện sai phạm hơn 74 tỉ đồng qua thanh tra quản lý đất đai tại Cà Mau
Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện pháp luật công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; việc chuyển đổi mục đích đất… và các vấn đề khác liên quan đất đai tại khu vực đô thị tỉnh Cà Mau.
Thanh tra phát hiện sai phạm trong việc thu tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ của dự án Bệnh viện Đa khoa Bình An - Medic Cà Mau/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Một trong những sai phạm đáng chú ý là việc xác định đơn giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với tại 3 dự án là: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu hành chính và công trình công cộng cửa ngõ Đông Bắc TP Cà Mau; Dự án trồng rừng nguyên liệu tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời; dự án khu dân cư Đông Bắc Quảng trường văn hóa Trung tâm tại TP Cà Mau. Tổng số tiền sai phạm lên tới 34,7 tỉ đồng.
Bản kết luận của Thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất, đầu tư xây dựng tại Cà Mau, với số tiền vi phạm hơn 74 tỉ đồng.
Điển hình như các sai phạm liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, chứng chỉ quy hoạch, giao đất, xây dựng công trình khi triển khai thực hiện dự án tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao Mường Thanh Cà Mau. Hay sai phạm trong việc thu tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ của dự án Bệnh viện Đa khoa Bình An - Medic Cà Mau. Sai phạm trong việc áp dụng không đúng quy định chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất tiền thuê đất tổng tại dự án Bệnh viện Đa khoa Bình An - Medic Cà Mau và dự án Chế biến thức ăn thủy sản và phân vi sinh. Số tiền vi phạm hơn 38 tỉ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chậm kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư nộp tiền ký quỹ đảm bảo đầu tư theo quy định dẫn đến 14 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa nộp tiền ký quỹ với số tiền vi phạm hơn 62,7 tỉ đồng.
Thêm vào đó, công tác quản lý đất công của một số đơn vị còn để xảy ra tình trạng đất bị lấn chiếm, chiếm dụng, cho thuê trái quy định.
Bắc Giang thành lập thêm 3 cụm công nghiệp quy mô gần 2.000 tỉ
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định thành lập 3 cụm công nghiệp trên địa bàn, tổng diện tích 171ha, tổng vốn đầu tư là 1.950 tỉ đồng.
Trong đó, Liên danh Công ty Cổ phần Đại Phước Bắc Giang (nay đổi tên là Công ty Cổ phần DP INVEST) và Công ty TNHH đầu tư CN Đông Bắc được giao là chủ đầu tư 2 cụm công nghiệp.
Cụ thể, Cụm công nghiệp (CCN) Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn có diện tích 65ha. Ranh giới phía Bắc giáp vườn trồng vải của người dân thôn Ải, xã Phượng Sơn; phía Nam giáp Quốc lộ 31; phía Đông giáp vườn trồng vải của người dân thôn Ải, xã Phượng Sơn; phía Tây giáp đường liên thôn và xã Đông Hưng, huyện Lục Nam.
Các ngành nghề thu hút đầu tư bao gồm: Sản xuất thùng xốp; sản xuất chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm; may mặc; sản xuất bao bì bằng giấy, bìa; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản xuất sản phẩm điện tử; sản xuất thiết bị điện; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác; công nghiệp chế biến, chế tạo khác, công nghiệp hỗ trợ.
Dự án tổng mức đầu tư là 806,6 tỉ đồng từ vốn của chủ đầu tư và vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
CCN Thanh Sơn, huyện Sơn Động có diện tích 46ha. Địa điểm CCN thuộc địa bàn thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động.
Ranh giới phía Bắc giáp suối, phía Nam giáp đường tỉnh 293, phía Đông giáp đồi trồng keo, phía Tây giáp khu dân cư thôn Đồng Thanh.
Dự án có tổng mức đầu tư là 488,1 tỉ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Tiếp đó là CCN Đại Lâm 2, huyện Lạng Giang với diện tích 60ha. Ranh giới phía Bắc giáp đường dân cư hiện trạng xã Xương Lâm và đường quy hoạch (Tuyến số 2 - chạy song song với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn); phía Nam giáp dân cư hiện trạng và cánh đồng canh tác thôn Hố Dầu, xã Đại Lâm; phía Đông giáp ngòi Thảo và dân cư hiện trạng xã Đại Lâm; phía Tây giáp dân cư xã Đại Lâm và đường tỉnh nối QL31 với QL1A.
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty Cổ phần xây dựng 179.
Dự án có tổng mức đầu tư là 656,2 tỉ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
4 nhóm chính sách trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Bộ Xây dựng thể chế hóa qua 04 nhóm chính sách trong 11 Chương với 93 Điều. Trong đó tập trung 4 nhóm chính sách đó là: chính sách về kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh dịch vụ bất động sản; chính sách về điều tiết thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh; chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo luật theo hướng: thể chế hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; quy định rõ hơn các chế tài, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam; điều tiết được hoạt động của các chủ thể liên quan đến kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng trình bày rõ hơn một số nội dung liên quan phạm vi điều chỉnh với mong muốn bao quát hết hoạt động kinh doanh bất động sản, các loại hình bất động sản theo tinh thần hài hòa lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người dân. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn trong thời gian tới, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục có ý kiến đóng góp để Ban soạn thảo sớm hoàn thiện dự án Luật theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Trong đó sẽ tập trung hoàn thiện các chính sách liên quan đến mô hình, hoạt động, giao dịch bất động sản qua sàn; mô hình, hoạt động môi giới bất động sản; nguyên tắc, phương pháp, thẩm quyền điều tiết thị trường; xây dựng và công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản…
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực, chủ động nghiên cứu xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (năm 2023) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
TP HCM đẩy nhanh thủ tục cấp sổ hồng nhà chung cư
Hiện TP HCM còn hơn 63.000 nhà, đất trong dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng), trong đó hơn một nửa căn hộ chung cư đủ điều kiện cấp. Để đẩy nhanh quá trình cấp sổ cho người hồng cho người dân, chính quyền thành phố sẽ thẩm định các dự án đủ điều kiện và hướng dẫn chủ đầu tư nộp hồ sơ thực hiện. Trong 2 tháng đầu năm, công tác này đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Mua căn hộ chung cư tại TP Thủ Đức, TP HCM với diện tích hơn 63m2, ông Nhân (quận Tân Bình, TP HCM) cảm thấy rất an tâm khi vừa được nhận sổ hồng. Vì thực tế nhiều dự án đã vào ở lâu năm mà vẫn chưa hề được cấp sổ. Điều này không chỉ đảm bảo tính pháp lý cho chủ sở hữu mà còn là giúp thuận tiện hơn trong các giao dịch về sau.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, từ đầu năm tới nay, đã có thêm 4.000 căn được cấp sổ hồng. Trong đó, phải kể tới vai trò của các chủ đầu tư trong việc đẩy mạnh hoàn tất thủ tục, giữ đúng cam kết. Mới đây, dự án Vinhomes Grand Park tại TP Thủ Đức vừa bàn giao hơn 1.000 sổ hồng cho cư dân thuộc phân khu The Rainbow.
Dự kiến trong thời gian tới, chính quyền TP HCM tiếp nhận hồ sơ, gỡ vướng thêm gần 23.000 căn hộ. Nguồn cung các sản phẩm nhà ở an toàn, hướng tới người mua ở thật cũng khiến người mua có sự tin tưởng, từ đó giúp thị trường bất động sản có sự chuyển biến tích cực hơn.