Tin bất động sản ngày 19/7: Kiến nghị thu hồi đất Dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen
Tin bất động sản ngày 18/7: Năm 2022, Hậu Giang kêu gọi đầu tư 31 dự án đô thị Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Nhà ở, đất ở liên tục tăng, cao hơn so với thu nhập của người dân |
Kiến nghị thu hồi đất Dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen
Theo đó, Dự án Khu biệt thự sinh thái Măng Đen có diện tích 29 ha; mục tiêu xây dựng khu resort nghỉ dưỡng cao cấp, tham quan dã ngoại, công viên cây xanh, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước; tiến độ thực hiện từ năm 2008 - 2011.
Kiến nghị thu hồi đất Dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen |
Ngày 13/10/2010, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất để lập Phương án bồi thường thiệt hại xây dựng Khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen.
Đến ngày 15/6/2012, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định về việc cho Công ty Cổ phần Măng Đen thuê đất để xây dựng Khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen.
Theo Quyết định này, UBND tỉnh Kon Tum cho Công ty Cổ phần Măng Đen thuê phần diện tích đất có vị trí tại tiểu khu 487, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có diện tịch gần 19ha.
Trong đó, rừng trồng gần 2ha và đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên gần 17ha do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông quản lý, với thời hạn thuê đất 50 năm.
Ngày 15/11/2012, UBND tỉnh Kon Tum cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, với diện tích đất dự kiến gần 19ha, tiến độ thực hiện từ năm 2012-2017.
Tuy nhiên, đến ngày 26/6/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định chấp thuận đề nghị giãn tiến độ đầu tư Dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen. Lúc này, tiến độ tiếp tục được "co giãn". Theo đó, đến năm 2020, Dự án này phải đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, tính đến thời điểm thanh tra (từ ngày 12/4/2022 đến ngày 10/5/2022), Công ty cổ phần Măng Đen đã được Nhà nước cho thuê để thực hiện dự án đầu tư đã chậm tiến độ sử dụng đất được xác định là 27 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, vi phạm quy định pháp luật về đất đai thuộc trường hợp phải thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai.
Đối với lĩnh vực đất lâm nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp tại thời điểm thanh tra có sự thay đổi với hiện trạng diễn biến rừng năm 2000 với diện tích 2.079m2. Nội dung này ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, nếu có căn cứ, xác định vi phạm thì xử lý theo quy định pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum kiến nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi đối với diện tích đất UBND đã cho Công ty Cổ phần Măng Đen thuê đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
Hải Phòng gia hạn sử dụng đất 24 tháng cho hàng loạt dự án
Mới đây, UBND Thành phố Hải Phòng đã quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng với loạt các dự án như: khu đất xây dựng công trình công cộng của Công ty CP đầu tư xây dựng số 5 Hải Phòng trong Dự án xây dựng khu nhà ở Nam sông Lạch Tray tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh; Dự án đầu tư gia công cơ khí của Công ty CP kỹ thuật cơ khí ASV có diện tích 19.522m2 (tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh); khu đất xây dựng công trình công cộng của Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội trong dự án xây dựng Khu nhà ở Anh Dũng VI (tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh) với diện tích 25.154 m2; Dự án xây dựng trường học nhiều cấp và trung tâm trải nghiệm sáng tạo của Công ty CP đầu tư quốc tế Bình Dương với diện tích 63.110m2 (tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh);...
Bên cạnh đó còn một số dự án có diện tích nhỏ hơn cũng được quyết định gia hạn thêm 24 tháng như: Dự án xây dựng cửa hàng dịch vụ tổng hợp hơn 2.796 m2 của Công ty TNHH Thương mại Mê Linh (tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh); dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc Công ty CP vận tải biển Vinaship với diện tích hơn 2.819 m2 (tại phường Dương Kênh, quận Lê Chân; Dự án Xây dựng văn phòng làm việc khu điều dưỡng, bảo trợ, chăm sóc người cao tuổi và trồng cây thuốc nam với diện tích 2.600m2 (tại Thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo) của Công ty TNHH Bảo trợ chăm sóc người cao tuổi Vĩnh Bảo; Dự án xây dựng khu nhà ở thương mại của Công ty CP xây dựng Ngô Quyền có diện tích 1.688m2 (tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng); Dự án văn phòng cho thuê hơn 1.115 m2 của Công ty CP thương mại Duy Linh… Đây là các dự án chưa đưa đất vào sử dụng theo quy định.
Các quyết định của UBND Thành phố Hải Phòng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của các doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện dự án theo thời hạn được gia hạn sử dụng đất thì lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định.
Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng đất đúng mục đích, thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định. Đồng thời khẩn trương đưa đất vào sử dụng đảm bảo đúng cam kết. Hết thời hạn được gia hạn mà không đưa đất vào sử dụng thì nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định và doanh nghiệp sẽ không được bồi thường.
Thanh Hóa mời đầu tư khu nhà ở đô thị hơn 600 tỉ đồng
Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN vừa có công bố danh mục dự án để đầu tư đối với Khu nhà ở đô thị tại phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, (trước là xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia) tỉnh Thanh Hóa.
Dự án có diện tích đất sử dụng 14,83ha với phía Bắc giáp khu dân cư hiện trạng; phía Nam giáp đường vào nhà máy giầy Annora (đường Hải Thanh - Nguyên Bình); phía Đông giáp khu dân cư theo quy hoạch; phía Tây giáp đường Quốc lộ 1A.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 624 tỉ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất); người mua quyền sử dụng đất ở được sử dụng đất ổn định lâu dài theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tiến độ thực hiện không quá 44 năm, kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư). Cụ thể, năm thứ nhất giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án. 1,5 năm tiếp theo xây dựng và nghiệm thu hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. 1,5 năm cuối hoàn thành xây thô nhà ở, nghiệm thu hoàn thành công trình nhà xây thô.
Hiện trạng khu đất chưa giải phóng mặt bằng, bao gồm: Đất ở dân cư hiện trạng nằm trong quy hoạch dọc QL1A, đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất mặt nước, đất bằng chưa sử dụng, đất công trình giao thông, thủy lợi.
Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 20.8.2022.
Được biết, Khu nhà ở đô thị tại xã Nguyên Bình được phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 23.9.2019 theo Quyết định số 3797 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
So với quy hoạch được duyệt và các thông tin công bố dự án mới đây, số liệu về diện tích, vị trí, ranh giới dự án không thay đổi. Dự án có tính chất là khu ở mới với các công trình công cộng và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, quy mô dân số khoảng 2.500 người.
Gia tăng nguồn cung coworking và văn phòng hạng A tại Hà Nội
Theo một nghiên cứu về coworking và văn phòng linh hoạt được thực hiện bởi công ty Acclime Việt Nam và Knight Frank, nhiều nhà cung cấp đã hiện diện tại thị trường Hà Nội và đang phát triển nhanh chóng.
Gia tăng nguồn cung coworking và văn phòng hạng A tại Hà Nội |
“Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn thứ hai tại Việt Nam. Tỷ lệ coworking tại đây mới chỉ chiếm 6% trong tổng nguồn cung văn phòng. Hầu hết các coworking đều nằm ở các tòa nhà hạng A và B, cung cấp cho khách thuê không gian làm việc cao cấp và chuyên nghiệp cao”, báo cáo cho biết.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài phải tạm dừng kế mở rộng tại Việt Nam từ năm 2022 đến 2022 do dịch bệnh, các công ty coworking và văn phòng linh hoạt lại phát triển ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường, nhiều động lực thúc đẩy nhu cầu, và sự thay đổi tư duy về không gian làm việc sau đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn cần văn phòng để tăng cường tính kết nối và giao tiếp giữa nhân viên, xây dựng văn hóa công ty, từ đó nâng cao năng suất làm việc.
Theo báo cáo, Việt Nam có 64 coworking và văn phòng dịch vụ, chủ yếu nằm ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Alex Crane, Giám đốc điều hành của Knight Frank Việt Nam, cho biết không gian linh hoạt không chỉ dành cho các doanh nghiệp đang cân nhắc các mô hình kết hợp làm việc tại nhà và từ xa, mà còn phù hợp với các công ty khởi nghiệp hiện đang phát triển mạnh tại Việt Nam.
Trong khi đó, Savills Việt Nam cho biết sẽ có thêm các tòa nhà văn phòng hạng A gia nhập thị trường Hà Nội, với 6 dự án mới sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao bộ phận cho thuê thương mại tại Savills Hà Nội, lưu ý rằng trong khi nguồn cung văn phòng của Hà Nội thấp hơn so với Thái Lan hoặc Singapore, thị trường này lại có tiềm năng lớn nhờ động lực từ tăng trưởng kinh tế.
Theo dự báo, thị trường văn phòng Hà Nội sẽ hoạt động tốt trong năm nay, phục vụ nhu cầu chủ yếu đến từ các khách thuê trong lĩnh vực CNTT, tài chính, bảo hiểm và bất động sản.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 19/7: Kiến nghị thu hồi đất Dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen